Linh kiện chất lượng thấp hoặc trung bình, giá nhân công rẻ, copy chất xám của nước ngoài là một số yếu tố giúp Trung Quốc có thể sản xuất ra smartphone cấu hình mạnh nhưng giá bán phải chăng.

Nhân công giá rẻ

Trung Quốc thường được ví là "công xưởng gia công" của thế giới nhờ tập trung một lượng rất lớn lao động có thể đảm trách công việc này. So với nhân lực tay nghề cao ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… có thể sáng tạo ra những thứ phức tạp và mang tính đột phá, nhân công ở Trung Quốc đa phần làm công việc gia công và lắp ráp là chủ yếu. Đây cũng chính là lý do vì sao giá thành nhân công ở đây rẻ hơn các quốc gia khác.

Xiaomi Mi 5 có giá bán rẻ hơn nhiều smartphone khác cùng cấu hình.

Ngay cả đối với nhân lực chất lượng cao ở Trung Quốc cũng rẻ hơn. Theo thống kê của Android Authority, mức lương trung bình hàng năm của một kỹ sư ở Trung Quốc là 30.500 USD, trong khi đó ở Mỹ là 74.136 USD và ở Nhật Bản là 53.000 USD - mức chênh lệch khá cao.

Cũng chính vì điều này, chi phí sản xuất thiết bị ở Trung Quốc được giảm đi đáng kể so với các quốc gia khác. Thử thống kê nơi đặt nhà máy sản xuất của một số thương hiệu smartphone nổi tiếng nhất: Samsung (Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia), Apple (Trung Quốc), Sony (Trung Quốc, Thái Lan), LG (Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ)… có thể thấy các hãng đều chọn Trung Quốc là nơi đặt nhà máy, chỉ vì lý do ở đây giá thành nhân công rẻ.

So với các công ty ngước ngoài, Oppo, OnePlus, Vivo hay Huawei, Xiaomi… rõ ràng lợi thế hơn hẳn. Ngoài nhân công rẻ, họ còn được ưu đãi hơn các loại thuế phí từ phía chính phủ bởi là công ty bản địa. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa đối với các hãng này cũng dễ dàng hơn, ít chi phí hơn.

Chất lượng linh kiện

Có một thực tế là hầu hết linh kiện quan trọng, đắt giá nhất của các hãng nổi tiếng như Apple, Samsung… đều được sản xuất ở nước ngoài, nơi có hệ thống máy móc hiện đại. Trung Quốc chủ yếu sản xuất các bộ phận ít quan trọng hơn, như màn hình, pin… và lắp ráp.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là Trung Quốc không sản xuất được linh kiện. Họ vẫn có thể làm được điều đó, tuy chất lượng không thể so sánh. Tất nhiên, chất lượng của chúng thấp hơn, giá bán cũng rẻ hơn, nhưng vẫn đủ để tạo nên một chiếc smartphone có thể hoạt động.

Trong khoảng thời gian từ 2013 tới nay, các hãng sản xuất linh kiện Trung Quốc đi theo con đường "chậm mà chắc". Tức là, họ không chạy đua vào những thứ đời mới, thay vào đó là quan tâm nhiều hơn giữa việc cân bằng giá thành và hiệu suất sử dụng. Ngày nay, người dùng dễ dàng tìm thấy một mẫu điện thoại cấu hình ngang ngửa Galaxy S8, nhưng giá bán chỉ bằng một nửa hoặc 2/3, đó là do bên trong, chất lượng linh kiện của nó thấp hơn sản phẩm của Samsung.

Có một số chi tiết ít người để ý, ví dụ RAM cùng dung lượng 3 GB nhưng những mẫu giá cao thường sử dụng RAM LPDDR4 đời mới, trong khi các mẫu của Trung Quốc chỉ sử dụng DDR3 cũ hơn; cùng vi xử lý 8 nhân nhưng một bên sử dụng của MediaTek giá rẻ còn một bên sử dụng của Qualcomm; hay một bên sử dụng màn IPS, một bên sử dụng màn AMOLED… Với công nghệ mới hơn, tất nhiên giá thành sản phẩm cũng cao hơn.

Tất nhiên, ngày nay đã có nhiều hãng sản xuất, như Xiaomi, Oppo, OnePlus… đã đầu tư hơn cho sản phẩm của mình, khi tích hợp linh kiện với công nghệ đời mới. Tuy vậy, giá bán của nó cũng cao hơn so với trước đây, và nhiều mẫu máy cũng có giá ngang ngửa sản phẩm của Apple, Samsung.

Khả năng "đạo nhái"

Đối với các hãng smartphone lớn, mỗi năm họ chi ra hàng chục tỷ USD chỉ để dành riêng cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Research and Development – R&D). Tuy nhiên, tại Trung Quốc, không nhiều hãng nghiêm túc làm điều này. Thay vào đó, họ chờ đợi và sao chép, thậm chí là "đạo nhái" hoàn toàn từ thiết kế bên ngoài đến giao diện bên trong.

Với cách làm này, smartphone Trung Quốc vẫn được tích hợp nhiều công nghệ mới, nhưng tốn ít chi phí hơn, từ đó giá bán ra cũng rẻ hơn. Tất nhiên, việc sao chép chỉ để đánh lừa qua vẻ bên ngoài, và người dùng dễ dàng nhận ra.

Cũng chính vì "copy" từ người khác, smartphone Trung Quốc chỉ có thể bán chủ yếu cho các thị trường đang phát triển, nơi vấn đề bản quyền và sáng chế chưa được coi trọng đúng mức. Đó cũng chính là lý do vì sao smartphone "made in China" không xuất hiện nhiều ở Mỹ hay châu Âu, bởi đây không khác nào hành động "đâm đầu vào chỗ chết" khi sẽ bị kiện ngay lập tức.

Nói vậy, nhưng không phải tất cả smartphone của Trung Quốc đều đi "ăn cắp". Xiaomi Mi Mix với thiết kế đột phá là minh chứng cho việc nghiêm túc nghiên cứu công nghệ mới của hãng này. Tuy nhiên, khi họ tự nghiên cứu, giá bán sản phẩm này cũng không hề thua kém iPhone hay Galaxy S.

Hỗ trợ từ phía chính phủ

Trong thời gian dài, chính phủ Trung Quốc luôn thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử tiền bạc để cho ra những sản phẩm giá rẻ nhằm cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Bằng cách tạo nên các quỹ đầu tư hàng tỷ USD từ cấp địa phương đến nhà nước, chính phủ nước này đã hỗ trợ rất nhiều công ty công nghệ. Như mới đây, Xiaomi đã được tài trợ hàng trăm triệu USD để phát triển chip Pinecone Surge S1.

Tuy vậy, việc can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp điện tử khiến hành động này bị nghi ngờ có "mục đích đen tối", trong đó, một số chuyên gia bảo mật cảnh báo nguy cơ bảo mật, cho rằng chính phủ Trung Quốc cài sẵn phần mềm độc hại, nghe lén, theo dõi người dùng bên trong smartphone giá rẻ. Một số trường hợp đã được phát hiện càng cho thấy nghi vấn này là có cơ sở.

Khả năng nắm bắt thời thế

Trong khoảng sau 2012, thời kỳ smartphone bùng phát cũng là lúc điện thoại tính năng đi vào thoái trào. Những "cục gạch" dùng để nghe gọi khi đó không còn chỗ đứng nhưng giá vẫn cao.

Lập tức, các hãng điện thoại Trung Quốc nhảy vào với các mẫu smartphone có giá bán đủ sức làm hấp dẫn những người đang dùng điện thoại tính năng. Họ hiểu rằng, mình không thể cạnh tranh với những Apple iPhone, HTC One hay Sony Xperia khi đó, nên chọn cách tung ra smartphone giá rẻ nhằm chiếm lấy vị trí mà điện thoại phổ thông đang đứng.

vi-sao-gia-smartphone-trung-quoc-lai-re

Smartphone Trung Quốc vẫn hấp dẫn về giá bán so với cấu hình.

Để thực hiện, những công ty này không còn cách nào khác là phải cố gắng hạ giá thành sản xuất xuống, nhằm tạo ra một sản phẩm giá rẻ, khiến người mua phải chịu "móc hầu bao" vì mình. Kết quả, smartphone giá rẻ không chỉ tràn lan ở trong nước mà còn lan sang các thị trường đang phát triển khác.

Chiến lược phân phối kiểu mới

Một số hãng smartphone Trung Quốc đã lựa chọn mạng Internet làm kênh phân phối, như Xiaomi, OnePlus. Hãng này sử dụng kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá, phân phối smartphone của mình nhằm giữ chi phí ở mức tối thiểu, thay vì phải thuê mặt bằng. Và so với Samsung hay Apple, rõ ràng họ đã tiết kiệm được một khoản chi phí nhất định.

Tất nhiên, gần đây các công ty điện thoại Trung Quốc đã chịu khó đầu tư hơn cả quảng bá lẫn chất lượng sản phẩm. Họ đã chi nhiều tiền hơn cho quảng cáo để nâng cao hình ảnh, cũng như chế tạo linh kiện tốt hơn cho "đứa con" của mìn. Tuy vậy, định kiến điện thoại Trung Quốc có giá rẻ, chất lượng thấp vẫn còn, và nó sẽ tồn tại thêm một thời gian nữa.