Lấy ý tưởng từ khả năng biến hình và đổi màu của bạch tuộc, các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) vừa tạo ra một loại vật liệu có khả năng kéo dãn gấp 6 lần, hiển thị nhiều màu sắc khác nhau.
Để đưa ra được sản phẩm này, các nhà nghiên cứu - đứng đầu là ông Robert Shepherd - đã sử dụng chất hydrogel ion hoá có khả năng co dãn, được làm từ lithium chloride (liti clorua) lỏng trong môi trường gel đàn hồi polyacrylamide.
Nhóm của Shepherd đã có công đưa loại hydrogel này vào trong thiết bị điện tử và khiến chúng tạo ra nhiều màu sắc khác nhau.
Vật liệu thông minh của này có tới 5 lớp. Ở trung tâm (lõi) là lớp silicon quang điện có khả năng tạo ra những màu sắc khác nhau khi cho dòng điện chạy qua nhờ vào lớp bột kẽm sulfide pha phốtpho. Một lượng nhỏ tạp chất đồng tạo ra màu xanh dương và xanh lá cây, trong khi mangan tạo ra màu vàng. Muốn có màu trắng, nhóm nghiên cứu trộn các kim loại với nhau.
Lớp trung tâm nằm ở giữa 2 lớp hydrogel ion hoá. Hai lớp này đóng vai trò như các điện cực cung cấp điện cho lớp lõi, ngoài cùng là các lớp silicon.
Ông Michael Tolley - một chuyên gia về robot sinh học thuộc Đại học California, San Diego (Mỹ) - đánh giá: “Đây là một bước tiến lớn trong việc tạo ra những bề mặt và thiết bị cảm ứng có khả năng kéo dãn tốt. Chúng sẽ được dùng nhiều trong công nghệ robot mềm, chẳng hạn như trong các hệ thống dành cho tương t∂ác giữa người - robot”.
Mục tiêu sắp tới của các nhà khoa học là khiến chúng trở nên mỏng hơn để tiêu tốn ít năng lượng hơn.
Hòa An (Tổng hợp)