Sau 7 tháng áp dụng xạ trị chiếu trong chọn lọc Yttrium-90 - một phương pháp sử dụng năng lượng bức xạ ion hóa, khối u ung thư gan khá lớn của ông Lê Anh Tuấn đã biến mất, xét nghiệm máu không còn dấu hiệu ung thư.

Khối u lớn “tan biến”

Ông Lê Anh Tuấn - 47 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội - được chẩn đoán ung thư gan năm 2012 với tư vấn mổ cắt u, ghép gan. Đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra lại bằng PET/CT, ông được thông báo khối u có kích thước 4,2x2,6cm. Các bác sỹ chỉ định điều trị bằng vi cầu phóng xạ - phương pháp xạ trị chiếu trong chọn lọc Yttrium-90.

“Sau 7 tháng điều trị, mỗi lần nằm viện chỉ 6 giờ, tôi xét nghiệm máu thấy không còn dấu hiệu ung thư gan, chụp PET/CT không có hình ảnh khối u. Bây giờ sau 15 tháng, tôi đã có thể làm việc bình thường” - ông Tuấn nói.

Các bác sỹ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đang tiến hành chụp PET/CT cho bệnh nhân ung thư phổi. Ảnh: PN
Các bác sỹ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đang tiến hành chụp PET/CT cho bệnh nhân ung thư phổi. Ảnh: PN

GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - cho biết, để thực hiện kỹ thuật trên, bác sỹ luồn một ống thông qua động mạch đùi vào nhánh động mạch nuôi khối u gan, bơm vào đó hạt vi cầu phóng xạ Y-90 trong dung dịch nước muối 0,9%. Các hạt này phát tia beta với quãng chạy rất ngắn trong khối u để diệt tế bào ung thư. Do các vi cầu phóng xạ được đưa trực tiếp vào lòng khối u nên chúng nhận liều bức xạ cao nhất, các tổ chức xung quanh ít bị ảnh hưởng nhất.

Nhờ an toàn và hiệu quả, phương pháp này giúp tăng thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh, được chỉ định điều trị cả ung thư gan nguyên phát, thứ phát hoặc không còn chỉ định phẫu thuật.

Ngoài ra, nhiều kỹ thuật cao sử dụng năng lượng bức xạ ion hóa khác cũng đang được dùng trong chẩn đoán, điều trị ung thư như kỹ thuật điều biến liều (IMRT), kỹ thuật CT Scan cho mô hình bằng máy gia tốc (LINAC), kỹ thuật xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh, xạ trị định vị thân, xạ phẫu định vị não…

Lo thiếu dược chất phóng xạ

Theo dự án Phòng, chống ung thư quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới và 70.000 người chết vì bệnh này. Do đó, nhu cầu sử dụng các dược chất phóng xạ như Tc - 90m ngày càng tăng, trong khi khả năng cung cấp của các nước đều hạn chế.

Theo GS Mai Trọng Khoa, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt vẫn sản xuất dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. “Sự thiếu hụt về dược chất phóng xạ điều trị ung thư đòi hỏi mỗi quốc gia phải tự có các giải pháp thích hợp để đáp ứng nhu cầu cần thiết” - ông Khoa nhấn mạnh.

Điện quang, y học hạt nhân và xạ trị là 3 lĩnh vực chủ yếu trong y tế đang ứng dụng thành công năng lượng bức xạ ion hóa. Đây đều là kỹ thuật mới và khó, đặc biệt hầu hết các thiết bị đều rất đắt tiền, Việt Nam chưa tự sản xuất được. Khó khăn này cản trở việc phát triển, mở rộng ứng dụng năng lượng bức xạ ion hóa trong ngành y tế.