Tự động hóa bao nhiêu là đủ?
Chúng ta đã quá quen với việc các hãng sản xuất ôtô và công ty công nghệ quảng cáo về viễn cảnh tươi sáng với những chiếc xe hoàn toàn tự động trên đường, an toàn và nhàn hạ cho con người. Vì thế, không ít người sẽ bất ngờ khi biết ngay cả kỹ sư của các hãng xe cũng đang tranh cãi quyết liệt về tính thực tế của những gì được quảng cáo.
Câu chuyện xe hơi tự hành gần đây đã trở thành đề tài nóng khi tài xế xấu số Joshua Brown, 40 tuổi, thiệt mạng trong một vụ va chạm giao thông tại Florida cuối tháng 6. Khi đó, Joshua đang lái chiếc Tesla Model S ở chế độ tự động trên một tuyến đường đôi có dải phân cách. Chiếc Tesla đã đâm phải một xe tải đầu kéo đang rẽ, cắt ngang qua làn đường của nạn nhân.
Theo công bố của hãng Tesla, cả hệ thống lái xe tự động lẫn nạn nhân đều không nhận ra sự có mặt của chiếc xe tải màu trắng trên nền trời sáng nên không hệ thống phanh nào được kích hoạt.
Ngay khi giới quan sát vẫn còn bàng hoàng về cái chết của nạn nhân đầu tiên trong kỷ nguyên cách mạng xe tự lái, hãng xe Đức BMW tuyên bố đang có dự định chào hàng một loại xe tự hành, nhưng phải đợi đến năm 2021. Chiếc xe này sẽ sử dụng rất nhiều công nghệ khác với những gì hiện có trên chiếc Tesla Model S.
“Hôm nay, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng mới” - Harald Kruger, Giám đốc điều hành của BMW - tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Munich. Theo ông, vụ va chạm của chiếc Tesla S là sự cố “thực sự đáng buồn” và BMW sẽ cần vài năm tới để hoàn thiện hệ thống lái tự động của mình. “Hiện các công nghệ này vẫn chưa sẵn sàng để đưa vào sản xuất” - ông nhận định.
Nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới Toyota vốn là tay chơi có nghề trong cuộc đua chế tạo xe tự hành. Năm ngoái, hãng tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD cho các nghiên cứu cơ bản về xe hơi tại thung lũng Silicon, tập trung vào các chức năng “thiên thần gác cửa” nhằm giúp tài xế tránh sai sót thay vì làm thay công việc của tài xế.
Hãng xe Tesla mới chỉ cung cấp tính năng tự vận hành kể từ mùa thu 2015. Trao đổi về tình huống tử vong của Joshua Brown, hãng này cho rằng bản thân hệ thống không nhằm đến việc giành hết quyền kiểm soát chiếc xe và các tài xế luôn cần để tay lên vôlăng cũng như đặt bản thân trong trạng thái tập trung.
Quan điểm này đã nhấn mạnh sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa các công ty đang tham gia cuộc đua công nghệ xe tự lái.
Cần thêm hàng triệu kilômét thử nghiệm
Khác với Toyota, một số hãng như Ford Motor, Google, Volvo... đặt ra mục tiêu cung cấp cho khách hàng những chiếc xe có khả năng vận hành hoàn toàn tự động, đảm bảo an toàn mà không cần đến sự can thiệp của con người. Loại xe này được các nhà kỹ thuật gọi là hình thức lái xe tự động cấp 4.
Dễ thấy các công ty này không đi theo đường lối bán tự động - tức cấp độ 3 - là công nghệ cho phép điều khiển chiếc xe trên các quãng đường nhất định trong một số điều kiện, nhưng luôn đòi hỏi người lái sẵn sàng giành lại quyền kiểm soát xe khi cần.
Đối với một hệ thống bán tự động như kiểu Tesla, khi hệ thống này được kích hoạt, tài xế dễ có cảm giác rằng họ được phép giảm bớt sự tập trung. Bản thân nạn nhân Joshua Brown cũng như một số người sở hữu xe Tesla Model S khác từng đăng các video, trong đó tài xế không hề động đến vôlăng. Thậm chí có lái xe còn trèo xuống băng ghế sau khi xe đang chạy.
“Theo kinh nghiệm của tôi thì công nghệ này không an toàn tuyệt đối, trừ khi chúng ta đi trên các tuyến đường cao tốc có bảo vệ. Nó có thể tạo cảm giác an toàn không có thực. Chúng ta cảm thấy thoải mái và nghĩ rằng mình có thể bỏ tay khỏi vôlăng, trong khi trên thực tế là không được phép. Do đó, hệ thống này nên được gọi là “tự động hỗ trợ lái xe” hơn là “hệ thống tự hành” - Pete Cordaro, người đã đặt mua 2 chiếc Model 3 compact - nói.
Ngay cả Amnon Shashua - một nhà quản lý có công nghệ được sử dụng trong tính năng tự vận hành của Tesla - cũng khẳng định ông chưa nghĩ đã đến thời của xe tự lái.
Shashua là đồng sáng lập và chủ tịch của Mobileye - một công ty Israel chuyên sản xuất camera và công nghệ cảm biến. Theo thông tin trên trang web của Tesla, hãng này đang sử dụng các cấu kiện của Mobileye, nhưng bản thân hệ thống tự vận hành trong chiếc Model S thì do chính Tesla phát triển.
Mobileye cùng với nhà sản xuất chip vi tính Intel đang cộng tác với BMW để phát triển chiếc xe tự lái mà nhà sản xuất xe hơi hàng đầu nước Đức dự kiến sẽ trình làng vào năm 2021. Chiếc xe của BMW mà Mobileye đang cộng tác chế tạo sẽ có khả năng tự vận hành trên đường cao tốc, nhưng không nhất thiết có tính năng đó trong điều kiện giao thông đô thị phức tạp.
“Các nhà sản xuất ôtô và các hãng công nghệ vẫn phải thực hiện hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu kilômét thử nghiệm, mô phỏng và xác minh trong các điều kiện thử nghiệm nhân tạo trước khi khẳng định công nghệ của mình an toàn” - Shashua nhận định.