Hãy tưởng tượng khi đang ở vùng sâu vùng xa - bạn bị thương nhưng không thể đến kịp bệnh viện để khâu lại. Nhưng nếu không được khâu lại, vết thương sẽ gây mất máu hoặc bị nhiễm trùng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

TS. Nguyễn Thị Hiệp, trường Đại học quốc tế, ĐHQG TP HCM. Nguồn: Asianscientist
TS. Nguyễn Thị Hiệp, trường Đại học quốc tế, ĐHQG TP HCM. Nguồn: Asianscientist

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, ĐHQT - ĐHQG TP. HCM đã tận dụng vật liệu sinh học mới để phát triển một loại keo sinh học có khả năng chữa lành vết thương, thậm chí có thể dung nạp với các tế bào sống hoặc sử dụng trong các liệu pháp trị liệu có thể góp phần ngăn chặn những tình huống nguy hiểm như vậy. Thành tựu nghiên cứu này này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chị nhằm phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo (TERM) ở Việt Nam.

Với những thành tích nghiên cứu đó, Nguyễn Thị Hiệp đã được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới tại L’Oréal-UNESCO năm 2018.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Asian Scientist, chị đã chia sẻ một số vấn đề mà chị cần giải quyết trong quá trình thực hiện các nghiên cứu và vạch ra các mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới.

Chị có thể giới thiệu nghiên cứu của mình một cách tóm tắt?

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào việc chế tạo vật liệu sinh học mới được sử dụng trong lĩnh vực y tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp điều trị mới.

Điều gì đã thúc đẩy chị theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu này?

Ở các nước phát triển, vật liệu sinh học và dược phẩm đã được nghiên cứu rộng rãi. Phần lớn những kết quả nghiên cứu đó đã góp phần cải thiện quá trình điều trị của cộng đồng cũng như từng người bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc sử dụng vật liệu sinh học để chữa trị bệnh vẫn là một cách tiếp cận mới. Vì vậy, tôi thấy rằng mình phải có trách nhiệm mở đường cho TERM ở Việt Nam. Mặt khác tôi cũng thấy là vật liệu sinh học và dược phẩm mà chúng tôi đang phát triển ở Việt Nam cũng có nhiều liên quan với nhiều phương pháp điều trị hiện đại của thế giới.

Trong số các nghiên cứu mà chị đã thực hiện, chị cảm thấy ưng ý nghiên cứu nào nhất?

Dự án mà tôi tạm thấy ưng ý nhất là một loại keo sinh học được làm từ axit hyaluronic - một protein tự nhiên, và chitosan - một chất được tìm thấy trong lớp vỏ của động vật có vỏ (gồm các loại giáp xác, nhuyễn thể có vỏ). Keo dán này có thể được dùng để bôi lên vết thương, và có thể được các tế bào dung nạp hoặc bổ sung cho các liệu pháp điều trị bằng việc gia tăng một số thành phần cụ thể. Hiện tại, chúng tôi đang nghiên cứu thêm về khả năng cầm máu của keo cũng như nghiên cứu các đặc tính vận chuyển oxy của loại keo này cho những ứng dụng mới khác.

Đâu là khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải trong quá trình thực hiện nghiên cứu?

Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là khi mới bắt đầu thành lập phòng thí nghiệm TERM đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012. Tôi phải tự xoay xở, không hề có dự án, trang thiết bị và kinh phí. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng tìm cách giúp sinh viên có cơ hội tới các phòng thí nghiệm hiện đại, đầy đủ trang thiết bị tương đương các phòng thí nghiệm ở các nước phát triển. Tôi bắt đầu bằng cách tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở các trường đại học khác nhau để giới thiệu khái niệm TERM và tìm kiếm các sinh viên nghiên cứu tài năng.

Vào thời điểm đó, chúng tôi thậm chí còn phải mượn thiết bị từ các trường đại học và viện nghiên cứu khác, hoặc nhận khoản vay từ Đại học Quốc gia TPHCM để mua máy móc nghiên cứu. Cuối cùng sau khi nỗ lực hết sức qua các văn bản và đệ trình các đề xuất, tôi nhận được tài trợ từ một số nguồn trong nước và quốc tế, như Đại học Quốc gia TPHCM, Quỹ Hải quân Hoa Kỳ...

TS. Nguyễn Thị Hiệp trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Nguyễn Thị Hiệp
TS. Nguyễn Thị Hiệp trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Nguyễn Thị Hiệp

Những thách thức lớn nhất đối với cộng đồng nghiên cứu ngày nay là gì và chúng ta có thể khắc phục như thế nào?

Thách thức lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu là chúng ta phải tìm cách giải quyết các vấn đề khác nhau của cuộc sống và tìm cách tiếp cận một cách sáng tạo để cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn. Là một nhà khoa học nữ, tôi phải cân bằng sự nghiệp nghiên cứu và học tập bên cạnh việc nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình, và điều này đòi hỏi phải có sự hy sinh nhất định. Do đó, điều quan trọng là các nhà khoa học cần phát triển các kỹ năng quản lý thời gian và giải quyết vấn đề để có thể hoạt động hiệu quả trong các vai trò và trách nhiệm khác nhau.

Để theo đuổi khoa học, chị phải trải qua nhiều thách thức. Vậy có khi nào chị muốn thay đổi công việc?

Trước khi là một nhà khoa học, tôi làm giáo viên. Tôi đã thay đổi nghề nghiệp của mình một lần và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc.

Hiện nay, những mục tiêu nghiên cứu của chị là gì?

Trong mười năm tới, tôi có kế hoạch nghiên cứu và chế tạo nhiều loại vật liệu sinh học với những đặc tính đổi mới sáng tạo hơn. Mục tiêu của tôi là tạo ra các nguồn vật liệu sinh học đa dạng có thể sử dụng trong những lĩnh vực y sinh khác nhau.

Hơn nữa, tôi muốn thương mại hóa sản phẩm của mình và cung cấp các phương pháp điều trị y tế hiệu quả và kinh tế cho mọi người. Tôi hy vọng sẽ thu hút thêm nguồn tài trợ của chính phủ cho ngành y tế công cộng để công nghệ và dịch vụ y tế có thể tiến bộ nhanh hơn. Nói chung, tôi muốn giảm bớt gánh nặng tài chính của việc điều trị y tế cho bệnh nhân, từ đó sẽ cải thiện tình trạng kinh tế xã hội của đất nước tôi.

Với các nhà khoa học trẻ đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp, theo chị họ cần làm những gì để có được thành công?

Tôi cho rằng điều cần thiết là cần có ước mơ và theo đuổi nó đến cùng.

Xin cảm ơn chị!