Trong Hội thảo quốc tế về bào tử probiotic được tổ chức ở London từ ngày 16 đến ngày 19/4/2012, TS. Nguyễn Hòa Anh, lúc đó là giảng viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã mang theo một sản phẩm của Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme Protein (ĐHQGHN) – bào tử lợi khuẩn dạng nước, đa chủng, nồng độ cao.

Sản phẩm này đã hấp dẫn được không ít doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn và “sành sỏi” như GlaxoSmithKline (GSK) – tập đoàn phân phối dược phẩm lớn thứ sáu trên thế giới.

TS. Hòa Anh trong phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme Protein (ĐHQGHN). Nguồn: Anabio

Từ nghiên cứu...

Probiotic theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tất cả sinh vật còn sống khi đưa vào cơ thể một lượng đầy đủ sẽ có lợi cho vật chủ. Lợi khuẩn thông thường và bào tử lợi khuẩn đều là probiotic. Với nhiều tác dụng đã được chứng minh qua nghiên cứu lâm sàng như tăng cường miễn dịch và tiêu hóa, làm chậm sự phát triển của khối u (nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Chicago, Hoa Kỳ năm 2018),... các sản phẩm chứa lợi khuẩn hiện nay đều rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, lợi khuẩn rất “mong manh”, chúng thường bị chết ở nhiệt độ 40-50oC và không chịu được độ axit của dạ dày. Do vậy, nếu sử dụng các sản phẩm chứa lợi khuẩn thông thường, chúng sẽ bị chết ở dạ dày trước khi kịp phát huy tác dụng. TS. Hòa Anh cho biết, giải pháp hiện nay là chuyển lợi khuẩn thành bào tử lợi khuẩn - vi khuẩn ở dạng bào tử, có thể chịu được nhiệt độ 80oC, nồng độ axit pH 2 (tương đương nồng độ axit trong dạ dày), chịu được kháng sinh, sử dụng được khi bệnh nhân đang hóa/xạ trị,...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi lợi khuẩn Bacillus thành bào tử ở nồng độ cao không hề dễ dàng, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng trường ĐH KHTN, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Enzym Protein (ĐHQGHN) – cũng là nơi TS. Hòa Anh làm việc từ năm 2010, cho biết, hiện nay trên thế giới có nhiều công nghệ chuyển đổi từ lợi khuẩn thành bào tử nhưng “rất khó để đạt mức nồng độ cao”.

Công nghệ chuyển từ lợi khuẩn thành bào tử dạng thông thường (bột khô) đã khó, ở dạng nước nồng độ cao lại càng khó hơn. Trên thế giới, chỉ có Sanofi – tập đoàn dược phẩm lớn nhất châu Âu đã phát triển công nghệ sản xuất bào tử lợi khuẩn dạng nước nồng độ cao từ năm 1958. Ở dạng nước, nếu tỉ lệ chuyển đổi lợi khuẩn thành bào tử không cao, số lợi khuẩn không biến thành bào tử sẽ bị chết và trở thành “chất dinh dưỡng”, kết hợp với nước – tạo thành điều kiện để các bào tử xung quanh “sống lại”, trở thành lợi khuẩn, cứ tiếp tục như vậy theo vòng tuần hoàn. Bởi vậy, đa số các doanh nghiệp hiện nay đều chọn sản xuất bào tử lợi khuẩn dạng bột khô – không chứa nước để hạn chế việc bào tử biến thành lợi khuẩn. Nhưng TS. Hòa Anh vẫn quyết tâm chọn sản xuất bào tử lợi khuẩn dạng nước bởi ưu điểm tan sẵn trong nước, có thể dẫn truyền tốt nhất trong cơ thể người sử dụng.

TS. Hòa Anh đã bắt đầu phát triển công nghệ này từ năm 2010, bắt nguồn từ một đề tài nghiên cứu về lợi khuẩn, hợp tác giữa phòng thí nghiệm với trường Đại học Royal Holloway (Anh), một trong những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Mặc dù đề tài nghiên cứu mang tính hàn lâm nhưng TS. Hòa Anh đã nhận thấy tiềm năng ứng dụng của đề tài này, nên “sau khi trao đổi với các thành viên ở phòng thí nghiệm và các giáo sư bên Anh, tôi đã quyết định phát triển công nghệ này”.

Mặc dù là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu công nghệ này nhưng TS. Hòa Anh cho biết, do đã từng nghiên cứu tại Nhật Bản trong lĩnh vực sinh học phân tử, kết hợp với cả hóa sinh, lý sinh và nano y học, đã giúp anh tích lũy rất nhiều kinh nghiệm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc phát triển công nghệ này. Bên cạnh đó, một thuận lợi lớn là điều kiện trang thiết bị của phòng thí nghiệm trọng điểm rất đầy đủ, nhiều máy móc như lò phản ứng sinh học (bioreactor) phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phân lập các chủng giống lợi khuẩn. “Từ lúc bắt đầu cho tới lúc thành công tạo ra bào tử lợi khuẩn Dr. ANH (thương hiệu sản phẩm do TS. Hòa Anh sở hữu) dạng nước nồng độ cao chỉ mất khoảng vài tháng”, TS. Hòa Anh cho biết.

Với ba đặc điểm: bền thời gian, bền nhiệt độ và bền axit - bào tử lợi khuẩn dạng nước của TS. Hòa Anh chịu được nhiệt độ từ 70-80oC, chịu được axit ở mức pH 2, có thể bảo quản trong thời gian từ 2-3 năm. Các tiêu chí này đều được kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm trọng điểm Enzyme Protein và ở Viện công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CNVN).

Một điều đặc biệt là TS. Hòa Anh không đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ sản xuất bào tử lợi khuẩn, anh cho biết: “Sanofi làm từ 60 năm trước mà cho tới nay, cũng chưa có ai bắt chước được công nghệ của họ” - điều này đã cho thấy giá trị và “độ khó” của công nghệ này.


...đến tự thương mại hóa sản phẩm

Sau khi phát triển thành công công nghệ sản xuất bào tử lợi khuẩn dạng nước trong phòng thí nghiệm, anh đã thành lập công ty Anabio chuyên sản xuất bào tử lợi khuẩn và bán dưới dạng nguyên liệu. Bên cạnh sản xuất nguyên liệu, anh quyết định sản xuất thành phẩm và thành lập thêm công ty LiveSpo Global chuyên phân phối sản phẩm trong nước”.

Sản phẩm đã được xuất khẩu trên 20 quốc gia, gồm có Tây Ban Nha, Mỹ, Hy Lạp, Ucraina, Ba Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Peru,... ở cả dạng nguyên liệu và thành phẩm. Nhận thấy giá trị của sản phẩm nên mặc dù thủ tục xuất khẩu những chế phẩm liên quan đến y dược, đặc biệt là vi sinh vật sống ở Việt Nam và nước ngoài đều rất phức tạp, “các doanh nghiệp vẫn lo hết toàn bộ, mình không phải làm bất cứ điều gì”, TS. Hòa Anh cho biết, “công ty của mình rất nhỏ, lại ở một quốc gia vốn không nổi tiếng với những sản phẩm công nghệ cao nhưng khách hàng vẫn chấp nhận tất cả vì sản phẩm của mình rất độc đáo”.

Mặc dù thành công khi thương mại hóa ở nước ngoài, TS. Hòa Anh vẫn mong muốn phát triển các sản phẩm ở thị trường Việt Nam.

“Là nhà khoa học nên tôi không có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng về kinh doanh, nhưng chúng tôi có được đội ngũ kinh doanh rất có năng lực”, TS. Hòa Anh bộc bạch. Anh cùng các nhân viên đã lựa chọn chiến lược “làm ít nhưng làm tốt”, đưa sản phẩm đến các hiệu thuốc, giới thiệu với những bệnh nhân có nhu cầu, đặc biệt là những người mắc các bệnh về đường ruột lâu năm, đã sử dụng những sản phẩm tương tự nhưng không hiệu quả. Mặc dù cách này giúp lan tỏa rất chậm tới mức “chúng tôi vô cùng hồi hộp khi thấy đơn hàng đầu tiên được đặt” nhưng theo anh Dương Thanh Tuấn, Giám đốc bộ phận kinh doanh của Công ty LiveSpo Global, “điều này sẽ giúp người dùng thực sự thấy được hiệu quả của sản phẩm”.

TS. Hòa Anh cho biết việc Thương mại hóa sản phẩm thành công nhằm giúp anh tiếp tục đầu tư nghiên cứu những công nghệ và sản phẩm mới. TS Hòa Anh khẳng định: “Đây là một quá trình không bao giờ kết thúc”.