Trung Quốc đang xây dựng hệ thống nhận biết khuôn mặt mạnh nhất thế giới, có thể nhận diện bất kỳ ai trong số 1,3 tỉ dân nước này chỉ trong vòng 3 giây.
Tờ South China Morning Post hôm 13/10 cho biết mục tiêu của hệ thống trên là đối chiếu khuôn mặt của một người với ảnh trên thẻ căn cước với độ chính xác khoảng 90%. Được Bộ Công an Trung Quốc khởi động vào năm 2015, dự án đang trong quá trình phát triển với sự hợp tác của Công ty An ninh Isvision, trụ sở ở TP Thượng Hải.
Theo trang web của Isvision, các camera an ninh có khả năng nhận biết khuôn mặt của công ty đã được triển khai lần đầu tiên ở Quảng trường Thiên An Môn từ năm 2003. Các hệ thống tương tự đi vào hoạt động ở Tân Cương và Tây Tạng. Chúng kết nối với cơ sở dữ liệu nghi phạm của cảnh sát, có khả năng nhận biết và theo dõi những mục tiêu tiềm năng trong đám đông.
Hệ thống nhận biết khuôn mặt được Trung Quốc sử dụng ở cửa khẩu nước này Ảnh: SCMP
Các chuyên gia cho biết một hệ thống có quy mô toàn quốc đang được Bắc Kinh phát triển với lý do tương tự. Theo các nguồn thạo tin, hệ thống khổng lồ này có thể kết nối với các mạng lưới camera giám sát và sẽ sử dụng hạ tầng đám mây để kết nối với các trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu được đặt ở nhiều nơi khắp nước.
Tuy nhiên, dự án đang vấp phải không ít trở ngại kỹ thuật do công nghệ nhận diện còn hạn chế và dân số "khủng" của Trung Quốc. Ông Chen Jiansheng, chuyên gia tại Trường ĐH Thanh Hoa, nhận định quy mô của hệ thống là lớn chưa từng có bởi không một quốc gia nào có dân số nhiều như Trung Quốc. Một số chuyên gia khác thậm chí cho rằng không rõ khi nào hệ thống trên mới hoàn thành.
Một nỗi lo khác là nguy cơ dữ liệu khuôn mặt và thông tin cá nhân liên quan bị đánh cắp. Ông Cheng Mingming, chuyên gia ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Nam Khai, cho rằng với tiến bộ công nghệ, những dữ liệu nói trên dù nhiều đến đâu vẫn có thể lưu trữ trên những ổ cứng di động nhỏ gọn. Một khi chúng bị đánh cắp và tung lên mạng, đó sẽ là rắc rối lớn.
Để trấn an, một đối tác bảo mật mạng của Bộ Công an Trung Quốc khẳng định việc tải những dữ liệu như thế cũng khó như phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. "Nó đòi hỏi nhiều quan chức cấp cao cùng lúc cắm và vặn chìa khóa" - đại diện công ty này nhấn mạnh.
Quy định hiện hành không cho phép cơ sở dữ liệu của hệ thống được sử dụng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, ông Chen cho biết chính sách này có thể thay đổi để đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế và nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Những ý kiến lạc quan tin rằng một động thái như thế hứa hẹn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới bằng cách cải thiện dịch vụ khách hàng.
Theo Người lao động