Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức, trưởng đại diện Alt+ Việt Nam đang tham gia vào dự án “hồi sinh” người đã khuất bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp người thân có thể nhìn thấy biểu hiện gương mặt và trò chuyện bằng những câu hỏi đơn giản với họ.

Đây là một trong nhiều thông tin thú vị được chia sẻ tại Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Fast track to AI Application được tổ chức chiều qua (11/3) tại BKUP Co-working Space - Đại học Bách Khoa, Hà Nội.

Trao đổi với sinh viên và những người quan tâm, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức cho biết ông và đồng nghiệp đang quan tâm phát triển Trí tuệ nhân tạo cá nhân (Personal Artificial Intelligence). Tại dự án này, ông phụ trách mảng nhận diện ngôn ngữ.

Theo ông Đức, để tạo được nhân vật ảo trên smartphone giống người thực, cần phải thu thập thông tin, hình ảnh của người thật thông qua Facebook, Twitter, Google+.

Nhân vật ảo này sau đó có thể thay bạn làm một số việc như trả lời email, điện thoại, đặt lịch phòng, dùng trong dịch vụ hỗ trợ khách hàng hay trong ứng dụng nấu ăn hoặc quyết định một số việc. Đặc biệt nhóm nghiên cứu của ông đang mong muốn xây dựng lại hình tượng người đã chết để người thân có thể nói chuyện cùng.

Rất đông bạn trẻ tới tham dự sự kiện.
Rất đông bạn trẻ tới tham dự sự kiện.

Tại hội thảo, các bạn trẻ quan tâm tới trí tuệ nhân tạo có cơ hội được tìm hiểu thông tin về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong một số dự án đã, đang tiến hành và thu được một số thành tựu bước đầu như Ứng dụng AI trong bài toán tìm chỗ đỗ xe của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Giảng viên Đại học Sư phạm kỹ thuật, ứng dụng AI sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của tiến sĩ Lê Hồng Phương – Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đặc biệt, Tiến sĩ Hajime Hotta – Giám đốc công nghệ Cinnamon AI Labs – một công ty tư vấn công nghệ và thiết kế giải pháp Trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp - đã chia sẻ khá nhiều về tổng quan thị trường và phương pháp ứng dụng AI.

Tại hội thảo, các bạn trẻ cũng có cơ hội làm quen với 3 dự án của nhóm sinh viên khóa học Intelligence do Cinnamon AI Labs lựa chọn và đào tạo gồm dự án về tự động trích xuất thông tin hộ chiếu, tự động đánh giá thẩm mỹ Website và trợ lý ảo đa ngôn ngữ.

Intelligence Program là Chương trình đào tạo kỹ sư nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo được Cinnamon AI Labs lần đầu tiên tổ chức vào tháng 5, năm 2016 với 9 sinh viên xuất sắc được tuyển chọn từ hơn 200 sinh viên hàng đầu tại thành phố Hà Nội. Chương trình học bao gồm 2 giai đoạn, kéo dài trong 6 tháng.

Giai đoạn 1 sẽ cung cấp cho các bạn nền tảng Trí tuệ nhân tạo. Tại đây, các bạn được học về Xác Suất Thống Kê, Học Máy và Nhận Dạng Mẫu.

Giai đoạn 2: Nghiên cứu và đề xuất phương án triển khai dựa trên bài toán thực tế từ doanh nghiệp. Tiến hành dự án và giới thiệu sản phẩm vào ngày lễ tốt nghiệp – Intelligence Day.

Intelligence Program 2017 đã chính thức khởi động, trao cơ hội cho 40 tài năng trẻ quốc gia. Hãy gửi đơn đăng ký tới:

Hà Nội: 09/03 - 31/03 (bit.ly/CinnamonIPHanoi)
Hồ Chí Minh: 09/03 - 09/04 (bit.ly/CinnamonIPHCM)