Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stirling (Anh Quốc) tin rằng hải sâm hoàn toàn có thể trở thành chìa khóa cho những dự án nuôi trồng thủy sản đa dưỡng (IMTA) bền vững và mang lại lợi ích kinh tế cao.

Qua hai dự án được tiến hành tại vùng nuôi trên Địa Trung Hải, các tác giả kết luận hải sâm sinh trưởng và phát triển tốt nhờ tận dụng nguồn chất thải của cá nuôi. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời còn cung cấp một sản phẩm với giá trị rất cao. Giá bán hải sâm Địa Trung Hải có thể rơi vào khoảng 30 €/kg khô và 120 €/kg (sản phẩm đã qua chế biến), trong khi cá tráp thường chỉ được mua với giá 6€/kg.

Hải sâm (Holothuria poli). © Roberto Pillon.

Hải sâm (Holothuria poli). © Roberto Pillon.

“Kết quả này cho thấy mối liên hệ tốt về mặt dinh dưỡng giữa cá và hải sâm trong môi trường nuôi thương phẩm bằng lồng, đồng thời khẳng định tính khả thi của phương thức IMTA. Việc hải sâm hấp thụ chất thải cá nuôi để phát triển, giúp hạn chế tác động tiêu cực tới nền đáy biển, trong khi cho ra một sản phẩm giá trị cao và không cần thức ăn đầu vào quả thực là một phát hiện thú vị và mở ra những cơ hội tốt, về mặt kinh tế lẫn môi trường”, Karl Cutajar – nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) tại Viện NTTS Stirling – phát biểu.

Nhu cầu về hải sâm dùng làm thực phẩm, nhất là tại châu Á, đang ngày càng lớn trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Điều này đã gây nên tình trạng đánh bắt quá mức ở nhiều nơi. Ngoài ra, hải sâm còn có dược tính rất mạnh – giúp kháng khuẩn và hỗ trợ chống ung thư – nên lại càng được săn tìm cho ngành dược phẩm. Theo ghi nhận, một số loài hải sâm có thể sinh trưởng tại những vùng nước lạnh như biển Anh Quốc; và đã có các nghiên cứu về lợi ích cùng tác động môi trường của hải sâm – liên quan đến việc tận dụng và xử lý chất thải hữu cơ từ nuôi biển.

Hai nghiên cứu của ĐH Stirling là một phần của dự án TAPAS (Công cụ đánh giá và quy hoạch NTTS bền vững), trong khuôn khổ chương trình Horizon 2020 do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, với AquaBiotech và ĐH Palermo là hai đối tác kỹ thuật chính – cung cấp phương pháp phân tích thành phần thức ăn bằng đồng vị bền, cho thấy hải sâm thực sự đã tận dụng chất thải cá nuôi làm nguồn thức ăn chính. Cụ thể, acid béo trích xuất từ hải sâm chứa nhiều thành phần hữu cơ nguồn gốc thực vật – được canh tác trên đất liền (chẳng hạn đậu tương) và dùng làm thức ăn thủy sản. Điều đó chứng tỏ hải sâm đã sử dụng nguồn dưỡng chất này để phát triển.

Chuyên gia Angus Sharman từ trại nuôi của công ty MFF Ltd ở Malta – nơi dự án được tiến hành – nhận định: “Trước nhu cầu ngày càng lớn về thủy sản, chúng tôi tin rằng những mô hình nuôi trồng bền vững và khả thi như IMTA là cần thiết, và đặc biệt hết sức hứa hẹn tại Địa Trung Hải.”

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể tạo động lực cho hoạt động đầu tư và khuyến khích sự đa dạng hóa trong ngành NTTS thông qua các phương thức bền vững như IMTA,” Cutajar bổ sung.

Karl Cutajar, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Stirling.

Karl Cutajar, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Stirling.

Giáo sư Trevor Telfer từ Viện NTTS Stirling – người giám sát nghiên cứu – nói: “IMTA ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, giống như những mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực, ngành nghề khác, hứa hẹn sẽ trở thành giải pháp bền vững của tương lai. Chúng tôi đặc biệt phấn khởi vì điều đó.”