Cuộc thi Monokon 2016 có chủ đề “Internet of Things - Now and Future” với 63 ý tưởng tham dự đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc. Các ý tưởng tham gia cuộc thi đều bám sát chủ đề cuộc thi Internet of Things như: Smart Home, Smat Belt, Smart Farm, Robot.... với sự tham gia của sinh viên thuộc nhiều ngành như Tự động hóa, Điện tử Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Cơ điện tử...
Qua các vòng sơ loại, bán kết, Ban Tổ chức đã chọn 8 ý tưởng xuất sắc nhất lọt vào Vòng Chung kết diễn ra vào ngày 21 tháng 5 tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Sau nhiều giờ tranh tài, Ban giám khảo đã chọn đề tài “Thiết bị đeo hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn sử dụng công nghệ truyền thông LoRa” của các bạn sinh viên Nguyễn Phú Cường, Bùi Văn Xứng, Trần Thanh Toản và Trần Hoàng Lộc trường Đại học Công nghệ Thông Tin (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) để trao giải Nhất.
Thiết bị đeo tay cá nhân này tiêu thụ ít điện năng, và có khả năng phát ra tín hiệu kết nối với các trạm cơ sở. Với thiết bị này, khi gặp bất cứ tình huống khẩn cấp nào, ngư dân có thể kết nối với trạm cơ sở, từ đó các cơ quan tìm kiếm cứu nạn có thể thuận lợi trong tìm kiếm các ngư dân hơn. Để thiết bị trên hoạt động khả dụng, kịp thời bảo vệ bà con ngư dân khi gặp hình huống xấu, các tác giả cũng thiết kế (đồng bộ) một mạng lưới gồm nhiều trạm cơ sở LoRa đặt cố định hoặc di động trên biển (trên các hòn đảo, vùng đất liền ven biển hoặc trên tàu đánh cá, tàu tuần ngư…). Nhờ vào việc sử dụng phương pháp định vị theo phép đo tam giác, sử dụng giá trị RSSI, vị trí của các thiết bị đeo cá nhân được hệ thống đo đạc và tính toán đi đến xác định nhanh người bị nạn đang ở đâu và đưa ra phương án ứng cứu phù hợp.
|
Giải nhất đã thuộc về ý tưởng thiết bị đeo hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn sử dụng công nghệ truyền thông LoRa do các bạn sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông Tin – ĐHQG TP Hồ Chí Minh
|
Giải Nhì đã thuộc về sản phẩm: Hệ thống hỗ trợ người bại liệt của các tác giả Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên (Đại học Khoa học tự nhiên thuộcĐại học Quốc gia TP.HCM). Thiết bị này giúp người bệnh có thể tương tác với các thiết bị điện trong nhà như tắt mở ti vi, chuyển kênh, điều chỉnh âm lượng…hay tương tác với cửa ra vào như đóng cửa, mở cửa, điều khiển hệ thống điều hòa không khí,…bằng ánh mắt. Hệ thống sẽ phát hiện sự thay đổi cử động mắt người dùng và chuyển thành lệnh hay hành động tương ứng qua mạng lưới kết nối các thiết bị gia dụng.
|
Giải Nhì đã thuộc về sản phẩm: Hệ thống hỗ trợ người bại liệt của các tác giả Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên (ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM)
|
Giải Ba với sản phẩm Smart S.O.S của các bạn Trần Trọng Nhân, Lê Quang Chánh và Nguyễn Thị Bích Loan (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng). Smart S.O.S là thiết bị phát hiện ngã xe dựa vào cảm biến gia tốc,.. Các thông số từ cảm biến sẽ được tính toán xử lý trên hệ thống để xác định trường hợp xảy ra tai nạn. Sau một khoảng thời gian nhất định từ lúc xảy ra tai nạn, nếu các thông số từ cảm biến vẫn bất thường thì gửi tín hiệu cầu cứu (ví dụ: gửi SMS cho người thân. Nội dung bao gồm địa điểm gần vị trí xảy ra tai nạn nhất kèm theo tọa độ GPS).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Hoài Chính,Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng chia sẻ: Monokon 2016 là cuộc thi quy mô mang tầm quốc gia, các đội đã mang đến những sản phẩm có tính khoa học công nghệ và ứng dụng cao trong tất cả các lĩnh vực. Hy vọng những sản phẩm, những ý tưởng của các sinh viên trong cuộc thi này sẽ được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Em Nguyễn Đăng Tài Hoa (sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng),thí sinh của Monokon chia sẻ: "Em thật sự rất cảm ơn chương trình đã tạo cho chúng em được một sân chơi vô cùng hữu ích và thiết thực như thế này. Tại đây chúng em không những được thi đấu thể hiện ý tưởng của mình mà còn học hỏi được những kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sắp xếp và đưa ra ý tưởng, kỹ năng trình bày và phản biện. Nhờ vậy, em thấy mình tự tin hơn mạnh dạn hơn và càng muốn cố gắng nỗ lực hơn nữa sau cuộc thi này".
Monokon 2016có chủ đề là “Internet of Things - Now and Future” dành cho các bạn sinh viên đam mê công nghệ, là sân chơi giúp các bạn sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng của mình, tạo ra các sản phẩm công nghệ thực tế, hữu ích cho xã hội, là tiền đề giúp các bạn sinh viên khởi nghiệp. Với quan niệm mỗi sinh viên là một tài năng, Ban tổ chức cuộc thi tiếp nhận ý tưởng và tiếp tục mang đến cơ hội phát triển để các tác giả thực sự trở thành những con người có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.