Ngày càng nhiều công nghệ mới
GrainPro - một doanh nghiệp xã hội phục vụ các nông hộ nhỏ - đã thương mại hóa một loạt giải pháp lưu trữ kết hợp với hút chân không để ngăn nấm mốc và các mầm bệnh lây lan khác. Vestergaard - một công ty công nghệ y tế toàn cầu - đã phát triển các túi chứa ngũ cốc làm bằng sợi tẩm chất đặc biệt để ngăn nấm mốc, mầm bệnh. Tuy nhiên, các giải pháp trên dù tiên tiến so với phương pháp sấy truyền thống thì cũng chỉ giải quyết giai đoạn đầu.
Allan Mortensen - Giám đốc an ninh lương thực của Vestergaard - nói: “Thị trường phục vụ các nông hộ nhỏ rất lớn trong khi các phương thức lưu trữ, bảo quản hiện nay chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ”. Chẳng hạn, PICS - đơn vị nghiên cứu nông nghiệp tại Đại học Purdue, Mỹ - đã thương mại hóa một dòng túi hút chân không dành cho ngũ cốc. Đến tháng 1/2016, đã có 30 triệu kilôgram ngũ cốc tại Kenya được lưu trữ bằng loại túi này, nhưng chẳng đáng kể gì so với sản lượng ngô 2,2 tỷ kilôgram mỗi năm của Kenya.
Về giải pháp sấy, không có nhiều đổi mới vượt trội. Quỹ One Acre - nhà tài trợ và tư vấn của các nông hộ nhỏ - sử dụng các tấm sấy đặc biệt giúp giảm các vấn đề nấm và côn trùng trong quá trình bảo quản. Các loại tấm sấy khác được thiết kế để dễ dàng gập lại khi mưa gió.
Xử lý cà chua sau thu hoạch ở châu Phi. Ảnh: Pyxeraglobal
Công ty khởi nghiệp Amaizz của Israel đang thử nghiệm ý tưởng cải tạo nhà kho truyền thống theo hướng hiện đại. Công ty đang tạo mẫu cơ sở lưu trữ nhỏ có thiết kế thông gió, tiếp xúc với ánh nắng và các thành phần có thể cung cấp khả năng sấy chống lại tất cả sâu bệnh.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, dù ngày càng có nhiều công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhưng phần lớn là các công nghệ dành cho sản xuất quy mô lớn chứ không phải các nông hộ - vốn không phải là con số nhỏ.
Các giải pháp mới
Trong việc tìm các phương thức bảo quản sau thu hoạch, quy mô thị trường là một vấn đề lớn của doanh nghiệp, bởi sản xuất lớn giúp giảm chi phí và giá thành. Mortensen cho biết, việc đạt quy mô thị trường lớn hầu như không thể xảy ra ở các nước đang phát triển nếu không có hình thức trợ cấp quy mô lớn từ chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế.
Về phía nông dân, không có khoản trợ cấp này, họ sẽ không có khả năng tiếp cận vốn vào thời điểm cần bảo quản. Hầu hết nông dân không có tiền đầu tư công nghệ sấy, bảo quản trước khi bán nông sản. Do đó, các hộ sản xuất nhỏ thường phải bán nông sản khi mới thu hoạch, khi lượng cung cao và giá thấp. Trong khi đó, nếu lưu trữ tốt, họ có thể bán sau vài tháng với giá cao hơn.
Tuy nhiên, các mô hình mới về tài chính nông nghiệp đang đem lại hy vọng giải quyết vấn đề này. Sarura Commodities - một doanh nghiệp xã hội tại Rwanda - đã phát triển một mô hình đặc biệt như vậy từ năm 2012. Sarura thu hoạch càphê từ các nông hộ nhỏ và trả tiền theo hai đợt: 60% giá trị sản phẩm khi càphê được lưu kho và số còn lại được trả sau khi càphê được bán (với giá cao hơn vụ mùa). Số tiền lãi của Sarura được dùng cho các khoản thanh toán dài hạn và cung cấp cho các loại hình đầu tư khác. Mô hình này được các ngân hàng Rwanda tài trợ và dùng nông sản của Sarura làm tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia, cần có sự hợp tác, đổi mới và chiến lược sáng tạo để giải quyết những thiếu sót trong chuỗi giá trị nông nghiệp, vốn đang ngăn cản các giải pháp giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tín hiệu tích cực là tháng 1/2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Quỹ Rockefeller đã ra mắt YieldWise - sáng kiến trị giá 130 triệu USD nhằm cắt giảm tỷ lệ lãng phí lương thực xuống một nửa vào năm 2030. Sáng kiến này đề cập tới cách tiếp cận đa ngành thu hút các chính phủ và công ty qua tất cả các bước của chuỗi giá trị, nhằm tạo thuận lợi cho hợp đồng mua bán với những công ty lớn để triển khai công nghệ mới. Ngoài ra, cần tạo mô hình nhằm khuyến khích, trả tiền cho nông dân để họ áp dụng các công nghệ hiệu quả giúp tăng sản lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Sáng kiến có sự hỗ trợ của Coca-Cola và Dangote - các tập đoàn toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến chuỗi giá trị nông nghiệp.