Nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là lối rẽ lúc khó khăn của các đại gia công nghệ thế giới đang lâm cảnh thua lỗ, mà thực sự là một “mỏ vàng trữ lượng lớn” khi trào lưu Internet of Things ngày một nở rộ.

5 năm trước đây, khó mà tưởng tượng những thế lực hùng cường trong lĩnh vực công nghệ một thời lại chuyển sang làm nông nghiệp. Nhưng hiện tại, đó là một xu hướng.

Trồng rau công nghệ cao là hướng đi triển vọng cho nhiều đại gia công nghệ thất thế. Ảnh: Japantimes
Trồng rau công nghệ cao là hướng đi triển vọng cho nhiều đại gia công nghệ thất thế. Ảnh: Japantimes

Mỏ vàng đang dần được khai phá

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 9,6 tỉ người. Việc cung cấp đủ thực phẩm xanh, sạch là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, sự tàn phá môi trường khiến nhân loại đang phải gánh chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên - với sự xuất hiện ngày càng nhiều những cơn bão bất ngờ có sức tàn phá kinh hoàng, những trận lũ lụt và hạn hán trái quy luật - dẫn đến mất mùa, giá nông sản tăng vọt. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do thiên tai và quá trình đô thị hóa. Tất cả đã đẩy nhiều quốc gia đến nguy cơ không cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân.

Thực tế này khiến rất nhiều nước và công ty lớn có cái nhìn khác về nông nghiệp. Với họ, nông nghiệp không còn là một ngành lạc hậu, ít đẻ ra tiền mà đang thành “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư với lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn.

Nhóm tư vấn Boston - Mỹ đã đưa ra một bản phân tích nêu rõ những yếu tố ảnh hưởng tới nông nghiệp trong 15-20 năm tới. Theo đó, làm nông nghiệp có độ chính xác cao là xu hướng chủ đạo trong tương lai. Các yếu tố tự động trong nông nghiệp, khả năng kết hợp với các ngành khác, độ chuyên nghiệp… cũng phát triển mạnh. Như vậy, nền nông nghiệp tương lai được định hình là nông nghiệp công nghệ cao.

Kết quả này cho thấy, không chỉ nông dân cần thích nghi với nhu cầu, xu hướng mới mà cả những “người chơi phi truyền thống” như các nhà cung cấp dịch vụ số… cũng phải có chiến lược để tham gia vào nền nông nghiệp công nghệ cao.

Hướng đi mới cho đại gia công nghệ thất thế

Với sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty sản xuất tivi, điện thoại của Trung Quốc và Hàn Quốc, ngành công nghệ điện tử Nhật Bản đang gặp khó khăn. Rất nhiều công ty đứng trên bờ vực phá sản, hàng loạt cơ sở sản xuất trong chuỗi quy trình bị bỏ hoang. Để giải quyết khó khăn này, đồng thời đáp ứng nhu cầu rau sạch của người dân trong nước (đặc biệt sau thảm họa Fukushima) cũng như xuất khẩu, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các công ty công nghệ chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao.

Fujitsu là công ty mở đầu trào lưu này. Năm 2009, giữa cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp điện tử Nhật, Fujitsu đã đóng cửa 3 dây chuyền sản xuất con chip. Họ đang tận dụng những căn phòng vô trùng này để trồng rau xàlách.

Tại nhà máy trồng rau của Fujitsu, công nhân mặc đồng phục phòng thí nghiệm, đeo mặt nạ để rau xàlách được lớn lên trong môi trường tiệt trùng. Họ sử dụng nước hòa phân bón và chất dinh dưỡng để nuôi rau. Cách này giúp giảm hàm lượng kali trong rau, phù hợp với những khách hàng lớn tuổi có bệnh thận. Nhà sản xuất dùng đèn LED để tạo ra những bước sóng ánh sáng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, vừa giảm được năng lượng tiêu thụ, vừa tăng 50% sản lượng. Ngoài ra, do lớn lên trong môi trường vô khuẩn, xàlách có thể giữ trong tủ lạnh lâu hơn 2 tháng so với sản phẩm nuôi cấy trong điều kiện bình thường.

Cũng chuyển hướng làm nông nghiệp, Panasonic kết hợp giữa công nghệ cao và phương thức trồng trọt truyền thống. Trong nhà kính thông minh, nông dân của Panasonic vẫn chuẩn bị đất và hạt giống theo cách thường làm. Nhiệt độ và độ ẩm được theo dõi bằng cảm ứng. Hệ thống của Panasonic sẽ tự động đóng rèm để ngăn ánh sáng mặt trời khi nhiệt độ quá cao, hoặc tự động mở cửa sổ để lấy thêm nắng ấm khi nhiệt độ xuống thấp.

Panasonic đang cung cấp hàng loạt loại rau xàlách như xàlách hỗn hợp chống ôxy hóa, xàlách hỗn hợp dinh dưỡng và hỗn hợp vibrant. Không chỉ trồng rau ở Nhật, hãng còn đưa mô hình trồng trọt này sang các chi nhánh ở Singapore. Tại đây, rau được trồng trong giỏ đất, được chiếu sáng bằng đèn LED. Nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2 cũng như toàn bộ quá trình lớn lên của cây đều được kiểm soát sát sao. Nhờ sử dụng đèn LED với 2 ánh sáng chính là màu xanh và đỏ - 2 màu cần thiết cho quá trình quang hợp, thời gian sinh trưởng của cây chỉ bằng một nửa so với cách trồng bình thường. “Chúng tôi có thể thu hoạch xàlách sau 30-35 ngày nhờ ánh sáng ổn định và cây có nhiều thời gian tiếp xúc với ánh nắng hơn” - ông Alfred Tham - quản lý của đơn vị Kinh doanh nông nghiệp thuộc Panasonic nói.

Ngoài hai đại gia trên, tập đoàn Toshiba cũng đã bắt đầu trồng rau trong những nhà máy sản xuất đĩa bị bỏ hoang 2 thập kỷ qua gần Tokyo. Tập đoàn Sharp cũng đang thử nghiệm trồng dâu trong nhà ở Dubai - Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, sử dụng công nghệ chiếu sáng và lọc không khí của Sharp.

Tờ Wall Street Journal cho biết, Toshiba đặt mục tiêu trồng 3 triệu cây xàlách, thu nhập dự đoán khoảng 2,9 triệu USD vào cuối năm tài khóa 2015. Tập đoàn này có ý định mở rộng sản xuất sang những khu vực khác của châu Á và Trung Đông - nơi thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu nước khiến việc trồng rau trở nên khó khăn.

Trong năm tài khóa 2016, Fujitsu dự định kiếm được khoảng 4 triệu USD, còn Panasonic tự tin có thể cung cấp lượng rau bằng 5% khả năng sản xuất của Singapore.

Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, số công ty chuyên về nông nghiệp công nghệ cao như Fujitsu đã tăng 4 lần ở quốc gia này - lên tới 380 nhà máy - chỉ trong vòng 3 năm qua.