Anh Trần Văn Hảo (sinh năm 1990) ở thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk đã chế tạo thành công máy trồng nghệ giúp tiết kiệm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng.

Từng tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, ngành Kỹ thuật ôtô, anh Hảo dễ dàng tìm cho mình một công việc ổn định ở thành phố, nhưng anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp với niềm đam mê sáng tạo máy móc.

Năm 2015, khi giá nghệ tăng cao anh đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả của gia đình và thuê thêm 4 ha đất để trồng nghệ.

Tuy nhiên, cứ đến mùa gieo trồng nghệ, thì giá thuê nhân công lại tăng cao, mà vẫn khó tìm ra người làm. Điều đó, khiến anh luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt nhân công, vừa tiết kiệm thời gian mà vẫn kịp thời vụ. Qua tìm hiểu trên mạng, sách báo, anh đã quyết định chế tạo máy trồng nghệ.

Ban đầu mới bắt tay vào làm, nhiều đêm anh phải thức trắng để mày mò học vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết máy, tính toán công năng, thông số kỹ thuật và lên bộ khung máy sao cho hợp lý. Ban ngày, anh lại tỉ mẩn tháo lắp từng bộ phận rồi lại gò hàn theo ý tưởng có sẵn trong đầu.

dak-lak-thanh-nien-9x-sang-che-may-trong-nghe

Máy trồng nghệ do anh Hảo sáng chế.

Sau 1 tháng miệt mài, gặp không ít khó khăn và thất bại nhưng nhờ kiên trì vừa làm vừa khắc phục, cải tiến những yếu tố chưa phù hợp, cuối cùng anh cũng cho ra đời chiếc máy trồng nghệ đầu tiên.

Hệ thống máy có 4 bộ phận chính gồm: hộc chứa giống, hộc chứa phân, lưỡi cày và lưỡi lấp nên máy không chỉ trồng được nghệ mà còn làm luống, bỏ phân và lấp đất. Nhận thấy người dân thường trồng nghệ theo tập quán chứ không theo quy chuẩn nào về khoảng cách nên năng suất nghệ không cao, anh đã trang bị thêm cho máy 1 dây chuyền nhả giống, cứ cách 30 cm nghệ giống sẽ tự động rơi xuống.

Sau nhiều lần cải tiến, chiếc máy trồng nghệ đã được thiết kế nhỏ gọn, mẫu mã đẹp và trông bắt mắt hơn.

Ban đầu, máy trồng nghệ chỉ nhằm phục vụ sản xuất của gia đình, nhưng nhận thấy hiệu quả của máy mang lại, nhiều hộ nông dân trong tỉnh, thậm chí là các tỉnh khác như Bình Phước, Khánh Hòa, Phú Yên… cũng đã tìm đến đặt hàng.

Anh Hảo cho biết: “Trước đây, với 1 ha đất trồng nghệ cần khoảng 20 nhân công để lên luống, bón phân lót, xuống giống, lấp đất nhưng với máy trồng nghệ chỉ cần 3 nhân công là có thể trồng từ 1-1,5 ha nghệ trong một ngày, giúp nông dân tiết kiệm chi phí chăm sóc từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, máy trồng nghệ này cũng có thể áp dụng trồng và chăm sóc một số loại cây trồng khác như gừng, khoai tây, khoai sáp…”.

Từ đầu năm đến nay, anh đã xuất ra thị trường 6 chiếc máy trồng nghệ. Không chỉ chế tạo thành công máy trồng nghệ, anh Hảo còn làm được nhiều loại máy khác như máy thu hoạch nghệ, máy rửa, máy nghiền, máy vắt, máy tách tinh dầu… phục vụ cho quá trình sản xuất tinh bột nghệ.

Hiện anh Hảo đang làm thủ tục để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sáng chế của mình. Anh Hảo cho biết, anh sẽ tiếp tục cải tiến chiếc máy cho phù hợp với địa hình của từng vùng cũng như hạn chế thấp nhất chi phí chế tạo, độ phức tạp trên từng chi tiết máy móc để người dân ai cũng có thể mua và dễ dàng sử dụng.

Anh cũng đang ấp ủ ý tưởng chế tạo ra những chiếc máy mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cải tiến, khắc phục những bất cập trong trồng trọt.