Uber rút khỏi Việt Nam đã tạo ra một khoảng trống cho các ứng dụng ‘made in Vietnam’ nắm bắt phát triển. Liên tiếp các ứng dụng gọi xe được ra đời như VATO, Aber, 123xe… hay chiến binh mới nhất là Fastgo.

Thời điểm ra mắt, nhà phát triển ứng dụng nào cũng khẳng định sẽ quyết tâm xóa thế độc quyền của Grab và giành lại miếng bánh thị phần về tay người Việt. Và mọi chuyện tất nhiên vẫn còn ở phía trước.

Thời điểm vàng

Tính đến thời điểm này, Việt Nam hiện có khoảng 8 -10 ứng dụng gọi xe ‘made in Vietnam’ cạnh tranh với Grab, có thể kể tới như 123xe, VATO, Aber, FastGo… Bên cạnh đó, 2 ứng dụng gọi xe hàng ngoại là Go-Jek từ Indonesia và MVL từ Singapore cũng đã có kế hoạch ra mắt vào tháng 7 tới đây. Dường như, việc Uber rời khỏi thị trường Việt Nam đã tạo ra một cú huých để các startup trong và ngoài nước quyết tâm chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Lý giải về sự ra đời liên tiếp này, ông Huỳnh Lê Phú Phong - Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Aber cho rằng: “Thị trường về ứng dụng gọi xe còn nhiều tiềm năng. Đây là thời điểm vàng”.

Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, Aber đã đạt được số khách hàng mục tiêu của 6 tháng. Trong khi đó, 2 ngày sau khi ra mắt ứng dụng, FastGo có hơn 1.500 tài xế đăng ký tham gia.

Với phương thức hoạt động tương tự Uber và Grab, FastGo hay Aber tạo ra những khác biệt để giữ chân người dùng và tài xế bằng nhiều chính sách khác nhau. Ví dụ như FastGo ra mắt gọi bảo hiểm cho mỗi hành khách đi xe lên tới 200 triệu đồng. Đối với tài xế, startup này cam kết không thu phí theo tỷ lệ % mà chỉ thu không quá 30.000 đồng mỗi ngày. FastGo cam kết không tăng giá trong giờ cao điểm và giữ mức giá 7.900 đồng/km với khách hàng.

Tuyên bố về sự ra đời của FastGo, ông Nguyễn Hữu Tuất - Tổng giám đốc của FastGo khẳng định: “Chúng tôi không phải đối thủ của taxi truyền thống. Mong muốn của chúng tôi là hỗ trợ các hãng taxi bằng một nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống thanh toán trực tuyến giành lại thị phần từ tay các công ty nước ngoài”.

Nhiều ứng dụng gọi xe của người Việt ồ ạt ra đời trong thời gian gần đây. Ảnh: Aber

Ra mắt trước FastGo vài ngày, ông Huỳnh Lê Phú Phong chia sẻ, Aber giá cước xe máy phổ thông tối thiểu (dưới hoặc bằng 2km) là 11.000 đồng và giá cước phí tối thiểu từ km thứ 3 là 3.500 đồng/km. Giá cước ô tô dưới 5 chỗ tối thiểu (dưới hoặc bằng 2km) là 22.500 đồng và giá cước phí tối thiểu từ km thứ 3 là 8.000 đồng/km.

Để giữ chân tài xế, Aber cam kết không thu phí tài xế nếu doanh thu trong tháng dưới 500.000 đồng và sẽ không thu theo mức cố định hằng tháng. Đại diện Aber cho rằng, lợi thế của startup này đến từ chi phí vận hành rẻ, tinh gọn từ đó giảm giá cước cho khách hàng. Bản đồ của ứng dụng Aber cũng là bản đồ riêng do Aber tự xây dựng.

Hay như ứng dụng Xelo lại xây dựng một chính sách cạnh tranh về giá. Đó là tài xế tự thiết lập mức giá cho mỗi chuyến đi, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính cạnh tranh trong cộng đồng tài xế. Như vậy tức là để nhận được khách, tài xế phải có giá tốt (không tăng đột biến 30% so với quy định trong trường hợp thời tiết xấu) và có thái độ phục vụ khách hàng tốt nhất.

Trước FastGo và Aber, VATO là ứng dụng khá đình đám. VATO được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện khi nhận được đầu tư 100 triệu USD từ Phương Trang. Tuy nhiên, sau một thời gian ra mắt, VATO buộc phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh, số lượng tài xế và khách hàng không đạt được như kỳ vọng.

Một trong số những nguyên nhân được lý giải là với tiềm lực kinh tế có hạn, các ứng dụng gọi xe ‘made in Vietnam’ khó có thể chạy được các chiến dịch khuyến mãi lớn và liên tục cho khách, như cách mà Uber và Grab đã từng làm.

Ai sẽ chiến thắng?

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các ứng dụng gọi xe. Vì lẽ đó, dù Uber đã rút khỏi Việt Nam nhưng các ông lớn trên thế giới vẫn tìm cách nhảy vào. Câu trả lời cho câu hỏi ‘Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần’ có lẽ cần thêm thời gian.

Một thực tế không thể phủ nhận là Grab hiện đang có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam cùng với khối lượng khách hàng và tài xế không nhỏ từ Uber chuyển sang. Trong khi đó, các ứng dụng Việt dù có nhiều quyết tâm nhưng vẫn còn hạn chế như định vị chưa chính xác vị trí của khách hàng và tài xế, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu, khách hàng thường bị thoát ra khỏi ứng dụng và chờ đợi lâu để vào được, tài xế ít nên khách hàng gặp khó khăn để gọi xe…

FastGo ký biên bản hợp tác với các đối tác tạo nên hệ sinh thái phục vụ khách hàng và tài xế. Ảnh: Ngọc Trâm

Ông Nguyễn Hữu Tuất tự tin: “Với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, chúng tôi tin rằng, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam”.

Có cùng quan điểm này, founder của Xelo Nguyễn Trường Giang khẳng định rằng, nếu các ứng dụng Việt nhận được đầu tư tốt, có đường hướng phát triển bài bản, hỗ trợ khách hàng tối đa, xây dựng được chế độ tốt cho các khách hàng và tài xế thì có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Việc thay thế Uber để tạo ra thế đối trọng với Grab không phải chuyện không thể.

Có nhiều nhân tố để xác định ‘ai là người chiến thắng trong cuộc chạy đua ứng dụng gọi xe’ nhưng nhân tố quan trọng nhất có lẽ là số lượng tài xế và khách hàng sử dụng. Để giữ chân hai nhóm đối tượng này, các nhà phát triển cần đảm bảo được quyền lợi và chất lượng dịch vụ (bao gồm tính năng của app và dịch vụ hỗ trợ bên ngoài). Trong khi Grab đang ung dung với thị phần khổng lồ trong tay thì các startup Việt chắc chắn sẽ mất không ít công sức dành được một phần nhỏ trong miếng bánh này.

Cơ hội càng lớn thách thức càng nhiều. Cách đây 5 năm khi gia nhập vào thị trường Việt Nam, Grab và Uber đã đánh thức nhiều doanh nghiệp Việt và thúc đẩy họ chạy nhanh hơn trong cuộc đua công nghệ và thay đổi kinh doanh. Từ một startup, Grab được định giá 6 tỷ USD, lớn hơn giá trị của tất cả các hãng taxi truyền thống cộng lại. Việc Uber rút khỏi Việt Nam là cơ hội hiếm có để các startup Việt dành lại thị phần ngay trên sân nhà khi cơ hội đang bỏ ngỏ.