Giữa những khó khăn của đại dịch Covid-19, một số startup trong lĩnh vực y tế hay giáo dục lại tìm thấy cơ hội để 'sống tốt'.
Biến thách thức thành cơ hội
“Kể từ khi Medigo ra mắt vào năm 2017, thời gian này, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cụ ông 60 tuổi, cài đặt Medigo rồi đặt mua thuốc trên hệ thống. Vậy là giờ đây, ngay cả những người cao tuổi cũng nhận ra sự tiện lợi và coi Medigo như một phần cuộc sống” - Hà Lê, Founder của Medigo vui vẻ chia sẻ với Khoa học và Phát triển khi nói về thời cơ mà startup này nhận thấy giữa bao khó khăn của đại dịch.
Là một trong những startup đang ‘sống tốt’ trong thời kỳ giãn cách xã hội, Hà Lê nói rằng, nếu ngày thường, Medigo hay những ứng dụng công nghệ tương tự chỉ được xem là có cũng được mà không có cũng không sao thì giờ đây, việc hạn chế tiếp xúc khiến nó trở thành một sản phẩm tiện lợi, phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Medigo, dường như là câu chuyện chung của những startup trong mảng cung cấp các dịch vụ thăm khám y tế, giáo dục, mua sắm online…
Trinh Lê - Founder của Umbalena, một startup về lĩnh vực công nghệ và giáo dục, cung cấp kho nội dung trực tuyến dành cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi - lý giải: "Việc buộc phải ngồi ở nhà khiến các bé tìm đến sách trực tuyến như một thú vui mỗi ngày." Hơn 1.000 nội dung của Umbalena bao trùm từ tri thức khoa học đến kỹ năng ứng xử, bài học đạo đức... Bên cạnh đó, một trong những thế mạnh của Umbalena là dòng sản phẩm sáng tác với các câu chuyện thần tiên, cổ tích, phiêu lưu hay khoa học...
Mỗi ngày, Trinh Lê cho biết, đội ngũ nhận được hàng chục tin nhắn hỏi về những tập, chương tiếp theo của cuốn sách. Trên đà phát triển đó, Umbalena phát động chương trình Vui học tại gia – Đẩy xa Covid và miễn phí 100% phí sử dụng trong vòng 3 tháng cho trẻ em Việt Nam. Điều này giúp Umbalena nhận được hàng chục ngàn lượt tải ứng dụng cùng rất nhiều đánh giá, góp ý tích cực để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, Founder & CEO Gitiho - startup đào tạo Tin học ứng dụng trực tuyến - Nguyễn Xuân Bách cho rằng, mọi người đều ở nhà, hạn chế tụ tập đông người là cơ hội thúc đẩy người dùng chuyển dịch học từ offline sang online: “Chúng tôi tranh thủ thời gian này để thúc đẩy quảng bá, tối ưu sản phẩm, hoàn thiện quy trình marketing, bán hàng và đưa ra những gói ưu đãi sâu cho học viên".
Nhờ sự nhanh nhạy trong việc biến thách thức thành cơ hội, lượng truy cập vào website của Gitiho đã tăng 30% trong tuần vừa qua và dự kiến sẽ tăng 50% trong tuần tới.
Cũng theo Founder của Gitiho, startup này nhận thấy 3 cơ hội từ Covid-19: một là được thử nghiệm phương thức làm việc mới; hai là được đi chậm lại để chuẩn bị sản phẩm tốt nhất, tạo bước đà cho những đợt sau dịch; ba là thị trường sẽ xuất hiện những nhu cầu mới, cần nắm bắt thật nhanh.
Khó khăn lớn nhất là tất cả đều ‘work from home’
Khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, các startup phải chuyển sang mô hình làm việc online, khiến họ gặp khó khăn không nhỏ. “Có nhiều việc ngồi cạnh nhau trao đổi rất dễ nhưng khi làm online, mỗi người phải nỗ lực hơn so với bình thường từ cách giải thích, diễn giải cho đồng nghiệp” – Hà Lê ở Medigo cho biết.
Hay như ở Umbalena, để sáng tác và phát hành những câu chuyện, cuốn sách dài kỳ mỗi ngày, hơn 50 thành viên bao gồm đội kỹ thuật phát triển phần mềm, nhóm xây dựng nội dung, thu âm… phải liên tục làm việc cùng nhau.
Quá trình phối hợp này diễn ra dễ dàng ở văn phòng nhưng khi mỗi người một nơi, tiến độ sản xuất sẽ bị ảnh hưởng."Từ khi work from home, tôi tổ chức lại quy trình làm việc, hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị vẽ minh họa để các họa sĩ làm việc tại nhà vẫn đảm bảo chất lượng. Các cuộc họp báo cáo tiến độ được tổ chức thường xuyênđể công việc không bị chậm trễ” - Trinh Lê chia sẻ.
Một trong những vấn đề đau đầu khác trong mùa dịch mà nhiều startup phải đối mặt là doanh thu ít nhiều bị thu hẹp. Khách hàng dè sẻn hơn trong chi tiêu, vì vậy để giữ chân khách, các đơn vị như Gitiho hay Umbalena… đều sẵn sàng tung ra các chương trình miễn phí.
"Bài toán của chúng tôi là giữ nhân viên thì cạn tiền và giữ tiền thì mất nhân viên. Với tôi, trả lương cho nhân sự là một khoản đầu tư. Nếu sản phẩm đủ tốt thì khi dịch qua đi, khách hàng sẽ tiếp tục sử dụng. Đó là lúc khoản đầu tư sinh lời” - Nguyễn Xuân Bách chia sẻ quan điểm.