Các startup blockchain sẵn sàng chi khoản tiền lớn để tuyển dụng được nhân sự như ý, thậm chí chấp nhận đào tạo từ đầu. Nguyên nhân là bởi nhân sự trong ngành blockchain không chỉ ít mà còn có nhiều đòi hỏi đặc thù.
Ngày 21/12, trong quyết định số 2006/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước vừa ban hành có đề cập đến 1 vấn đề nhận được quan tâm là nghiên cứu, đề xuất với chính phủ về cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Trước đó, trong Quyết định số 2117/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những lĩnh vực công nghệ số nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năm 2018, Bộ KH&CN cũng phê duyệt chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 với nội dung Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó Chuỗi khối (Blockchain) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.
Với hai đặc tính là phi tập trung và không thể thay đổi, blockchain đã và đang được ứng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, truy xuất nguồn gốc, bảo mật… Còn nhớ tại chương trình Chuyện làng Mentor được tổ chức hồi cuối 4/2021, TS Đặng Minh Tuấn cho biết, đến 2025 thế giới sẽ có 75 tỉ thiết bị IoT, gấp 10 lần dân số thế giới. Khi đó, để các thiết bị đó kết nối trao đổi một cách an toàn, blockchain là lựa chọn tốt nhất. Hiện Amazon, Microsoft đã cung cấp các dịch vụ lưu trữ vào các nền tảng Blockchain dưới dạng cloud service. Những ứng dụng rộng rãi của blockchain khiến nhân sự càng trở nên khan hiếm.
Đãi ngộ tốt, lương cao
Mức thu nhập ở Coin 98 - một startup về tài chính phi tập trung, trải đều từ 400-5000 USD, tùy vào vị trí năng lực của từng nhân sự, anh Nguyễn Thế Vinh, người sáng lập công ty, cho biết. Mức thu nhập hấp dẫn như vậy được cho là đến từ việc nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không nhiều, nhất là nhân sự có kinh nghiệm.
Đó là chuyện chung của lĩnh vực này. Tại webinar “Cơ hội nghề nghiệp cho nhân sự blockchain”, anh Trần Huy Vũ – CTO của Kyber Network, cũng từng chia sẻ “Mức lương dành cho nhân sự blockchain thường cao hơn các ngành IT truyền thống từ 20-50% trong khi đó yêu cầu về số năm kinh nghiệm cũng thường ngắn hơn. Người có khoảng 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể tương đương mức 6-9 năm ở ngành khác”.
Blockchain thực tế mới phổ biến khoảng 5 năm trở lại đây và ở Việt Nam tính đến thời điểm này chưa có trường đại học nào chính thức đào tạo ngành Blockchain. Do đó, hầu hết các hình thức đào tạo đều là tự học, các trung đào tạo hoặc từ các mentor có kinh nghiệm, thông qua các khóa học từ nước ngoài, hoặc nhân sự đi đào tạo từ nước ngoài. “Công nghệ blockchain mới ra đời và thay đổi với tốc độ chóng mặt, nên nhân sự làm việc ở đó phải liên tục thay đổi nên có được nhiều kinh nghiệm cũng như thông tin hơn những ngành khác” – anh Trần Huy Vũ giải thích thêm.
Theo tiết lộ của đại diện các startup như Kyber Network, Coin98 hay Kyros Ventures, lớp nhân sự phổ biến trong các công ty này đang ở độ tuổi từ năm 1998-2000, những thế hệ sinh năm 1993-1995 đã là “lớp đàn anh”. Đồng tình với ý kiến này, anh Nguyễn Thế Vinh cho biết, trong lĩnh vực công nghệ sự thay đổi đã diễn ra nhanh chóng thì ở blockchain, mọi thứ còn diễn ra nhanh hơn,. Các xu hướng, ý tưởng mới xuất hiện hàng ngày hàng tuần, vì thế cả đội ngũ phát triển của anh làm việc gần như 24/7. Để theo được tốc độ làm việc này, yếu tố trẻ có thể được xem là một điểm cộng.
Không chỉ nhận lương cao hơn, các nhân sự trong ngành blockchain thường sẽ được công ty tặng kèm một token packet – bao gồm những đồng tiền mã hóa của các dự án mà công ty đang phát triển. Nếu các dự án này phát triển dẫn đến tăng giá trị của các đồng tiền mã hóa thì nhân sự sẽ nhận được số tiền không nhỏ.
Tuy nhiên theo các nhà sáng lập, việc gia nhập một lĩnh vực rất mới với nhiều đãi ngộ tài chính mới là một phần nhỏ mà các nhân sự có thể nhận được. Quan trọng hơn, trong một ngành mới, biến động nhiều, thay đổi liên tục như thế, các nhân sự có cơ hội được học hỏi kiến thức và thay đổi tư duy. Đại diện của Kyber Network cho biết, đặc thù của blockchain là phi tập trung. Điều này dẫn đến việc từ công nghệ lõi cho đến các tư duy thiết kế hệ thống, cách làm việc suy nghĩ và xây dựng sự cam kết của mọi người trong cộng đồng cũng phải theo tư duy này. Trong bối cảnh lâu nay chúng ta vẫn tư duy theo hướng tập trung thì để làm blockchain, tư duy phải thay đổi. Cùng với đó, các kỹ sư công nghệ cũng học được cả kiến thức đầu tư, tài chính và biết cách giúp mình độc lập tài chính. Trong khi đó, không nhiều kỹ sư công nghệ khác hoặc ở ngành khác có động lực và có môi trường để làm điều này.
Tiêu chí “người tốt” trong tuyển dụng
Đãi ngộ tốt là vậy nhưng làm thế nào để những “tay chơi mới” có thể trở thành một phần của các công ty blockchain? Theo các chuyên gia, giống như các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… Blockchain cũng đòi hỏi nhân sự ở các kỹ năng, kiến thức của ngành khoa học máy tính.
Tuy nhiên, theo anh Thuật Nguyễn – nhà sáng lập của Kyros Ventures, mọi người có đam mê, muốn học hỏi đều có thể làm ở lĩnh vực này. Trong đội ngũ của Kyros Ventures không ít là tay ngang, có người từng là nhân viên an ninh, có người từng học ngành y nhưng bỏ dở, có người từ các trung tâm Anh ngữ nhưng chuyển hướng… “Ở công ty truyền thống, rất khó để bạn tiếp cận được người ở trình độ cao hơn mình nhưng ở blockchain lại rất dễ dàng. Vì mọi thứ còn mới nên ai cũng trong trạng thái liên tục học hỏi. Một yêu cầu đặc biệt là bạn phải sử dụng tốt tiếng Anh. Trong lĩnh vực blockchain, vì bạn ở Việt Nam nhưng phải giao tiếp với cộng đồng trên khắp thế giới. Hầu hết tài liệu blockchain đều là tiếng Anh” – Thuật Nguyễn nói.
Nói thêm về việc này, anh Trần Huy Vũ cho rằng nếu như ở các ngành IT truyền thống các nhân sự không phải giao tiếp quá nhiều thì trong lĩnh vực blockchain việc giao tiếp cả nội bộ lẫn bên ngoài đều diễn ra thường xuyên. Hằng ngày, các proof of concept (việc thực hiện một phương pháp hay một ý tưởng nào đó để chứng minh tính khả thi) liên tục xuất hiện. “Nhân sự blokchain phải giao tiếp tốt để chia sẻ về ý tưởng của mình và trao đổi với những người khác để hiểu về ý tưởng của họ. Vì thế kỹ năng giao tiếp và tự học ở blockchain cao hơn lĩnh vực khác” - anh Trần Huy Vũ.
Tuy nhiên đại diện của Kyber Network lại gây ra nhiều bất ngờ khi chia sẻ về một tiêu chí tuyến dụng đặc biệt của công ty này là ‘nhân sự phải là người tốt’. Nói về lý do đặt tiêu chí đạo đức lên trên đầu khi tuyển dụng, anh Trần Huy Vũ giải thích rằng, ở blockchain, ranh giới người tốt và người xấu rất mong manh. Với mục “xây dựng nền kinh tế phi tập trung dành cho mọi người” trên công nghệ blockchain thì yếu tố ‘người tốt’ với Kyber Network cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, là công ty làm sản phẩm với tầm nhìn dài hạn, Kyber Network cho rằng việc xây dựng những đội ngũ nhân sự cứng có tư duy logic tốt để phát triển công nghệ lõi. Anh Trần Huy Vũ nói: “Tôi nhìn thấy sự tỏa sáng của các nhân sự có nền tảng là học sinh chuyên toán, chuyên tin và từng tham gia các cuộc thi học sinh giỏi trong các môn học này. Ở Kyber, chúng tôi chỉ có một đội ngũ nhỏ theo dõi các xu hướng công nghệ, phần còn lại, phần lớn đội ngũ R&D và kỹ sư khác sẽ tự xây dựng sản phẩm theo định hướng của công ty”.
.