Liệu Samsung sẽ xử lý thế nào với Note 7 - chiếc điện thoại chỉ vài tháng trước còn được coi là hàng đầu thế giới nhưng nay thì vứt bỏ cũng là vấn đề nan giải?

Theo các chuyên gia môi trường, việc xử lý 4,3 triệu chiếc Samsung Note 7 không đơn giản do phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường.

Những chiếc Note 7 trước khi bị thu hồi. Ảnh: Ytimg

Việc đốt hoặc vứt ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm bởi chúng sẽ phát tán chất độc vào không khí và bỏ phí nhiều chất quý có giá trị tái chế như vonfram, coban, bạc và vàng.

Jude Lee - quan chức cao cấp của tổ chức Hòa bình xanh tại Đông Á - cho biết, cách thích hợp nhất để xử lý smartphone là thu lại kim loại và các chất có thể tái sử dụng.

Tuy gợi ý Samsung lập một dự án tái chế các thiết bị để sử dụng lại trong tương lai, bà Lee cho rằng không nhiều hãng có quy trình tái chế điện thoại cũ an toàn cho môi trường. Phần lớn các điện thoại cũ, hỏng đều được đưa đến các công ty nhỏ - nơi chúng được tháo dỡ theo cách thủ công và công nhân làm việc đó phải đối mặt với chất độc.

Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước Đông Nam Á hiện xử lý đến 80% lượng chất thải điện tử của thế giới. Người lao động tháo dỡ và đốt chúng, phát thải các chất khí có hại cho người và môi trường. Tại thành phố Guiyu của Trung Quốc, rất nhiều rác thải điện tử được tái chế theo cách thủ công và phần lớn trẻ em ở đây có dấu hiệu bệnh đường hô hấp.

Trong khi đó, khi được hỏi về số phận những chiếc Note 7, Samsung cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các lựa chọn để giảm thiểu tác động môi trường của việc thu hồi và tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường tại địa phương có liên quan”.