Tôi đề nghị đi về hướng cây gõ Bác Đồng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên, anh Trần Văn Bình, mở máy định vị GPS. Máy hiển thị dãy số 0464161- 1264868. Đối với người “ngoại đạo” như tôi thì tù mù với những dãy số. Nhưng với Kiểm lâm Vườn thì vị trí tôi cần đến đã được xác lập, hướng đến đã được xác định.
Vị trí nằm cách trung tâm vườn chỉ 6km, đường dễ đi, chúng tôi chỉ mất 15 phút đi xe máy và hoặc khoảng 45 phút đi bộ. Đi hết trục đường chính, chúng tôi theo lối mòn rừng đi tiếp khoảng 200m thì đến đúng vị trí định vị GPS xác định.
Những cây hàng trăm năm tuổi
Cây gõ Bác Đồng hiện ra sừng sững, cao gần 20m, ba cán bộ kiểm lâm giang thẳng tay ôm cũng chưa hết nửa vòng thân cây. Theo TS Nguyễn Văn Khánh, Phó Phòng Kế hoạch và hợp tác quốc tế - VQG Cát Tiên, cây gõ Bác Đồng có đường kính hơn 2m và trên 500 năm tuổi. Sở dĩ cây được đặt tên như vậy vì nó gắn với lịch sử của vườn.
Ngày 12/02/1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm vườn, đi bộ tới thăm cây Gõ đỏ. Thấy cây Gõ trường tồn giữa rừng bạt ngàn xanh tốt, Thủ tướng khen ngợi và dặn dò cán bộ của vườn làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng. Để ghi nhớ lời căn dặn và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, VQG Cát Tiên đặt tên cây Gõ đỏ là “cây gõ Bác Đồng”. Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi đến thăm vườn đều đến thăm cây gõ Bác Đồng.
Theo TS Khánh, Cát Tiên là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh rất hiếm còn ở Việt Nam. Kiểu rừng này đa dạng hệ sinh thái, có tính đa dạng sinh học cao. Nhờ bảo tồn tốt mà rừng hiện còn rất nhiều cây gỗ lớn quý hiếm. Sở dĩ rừng được bảo tồn tốt là ngay từ thời khi khắp nơi đua nhau phá rừng, năm 1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một chuyến công tác tại Đắc Lua đã thấy khu rừng quý Cát Tiên và đề nghị Bộ Lâm nghiệp và tỉnh Đồng Nai thành lập Bãi Cát Tiên để bảo vệ nghiêm ngặt.
Anh Lê Quang Toàn, kiểm lâm viên VQG Cát Tiên, nhận định: “Cây gõ Bác Đồng là một trong những báu vật của VQG Cát Tiên. Cây tuy gần trung tâm vườn, nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan trước lâm tặc. Mỗi dịp đi ngang qua cánh rừng này, chúng tôi đều tạt vào kiểm tra bảo vệ cây”.
Anh Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động số 1 VQG Cát Tiên, nói: “Đi sâu trong rừng còn có nhiều cây gõ đường kính thân đến 3-4 mét. Vườn còn nhiều cây gỗ quý, vì vậy luôn là đích ngắm của lâm tặc. Điều này đòi hỏi công tác bảo vệ rừng phải nghiêm ngặt và khoa học hơn”. Anh Bình cho biết, lâm tặc đối phó rất tinh vi, chế ra cưa máy gắn ống pô giảm thanh để hạ cây mà tránh gây tiếng động lớn. Đã có vụ hơn chục lâm tặc ở huyện Tân Phú phải ra tòa lĩnh án tù khi cưa cây gõ đỏ được định giá hàng trăm triệu đồng.
Rời khu vực cây gõ Bác Đồng, chúng tôi đến với cây tung cổ thụ. Cây cao hơn 30m, phần gốc cây với bộ rễ lồi khổng lồ có hình dáng của loài khủng long thằn lằn sấm cổ đại. Dưới gốc cây tung, hàng chục người đứng vẫn lọt thỏm khuất trong bộ rễ. Những đoàn khách tham quan đến rừng Cát Tiên đều chọn cây tung này để ghi lại những trải nghiệm kỳ thú về rừng. Kiểm lâm Toàn nói rằng, cây tung này có tuổi đời cả ngàn năm. Ở Vườn còn có nhiều cây cổ thụ kỳ vĩ như cây bằng lăng 6 ngọn. Những cây gỗ lớn quý hiếm ở rừng đều lần lượt được đánh mã số. Chỉ một thao tác trên máy định vị, những cây rừng đã được số hóa sẽ hiển thị tọa độ.
Ma trận bẫy thú
Đang say sưa kể về công tác bảo vệ rừng, kiểm lâm viên Vũ Tiến Dũng chợt dừng lại khi phát hiện một chiếc bẫy thú bên lối mòn. Quan sát kỹ mới thấy một sợi dây thép được lấy từ ruột phanh xe máy cột cố định vào thân cây rừng, còn một đầu cột vào một cái rọ lởm chởm bàn chông giấu dưới lớp lá mục đặt trên đường đi kiếm ăn của thú.
Lôi chiếc bẫy lên, anh Dũng giải thích, bẫy này nhằm vào các loại thú móng guốc như heo, nai, kể cả bò tót. Nếu sa chân vào bẫy, thú xem như bị cột chặt tại chỗ, càng vùng vẫy càng đuối sức. Thợ săn chỉ việc đến gỡ bẫy lấy thú. Anh Dũng kể, mỗi chuyến tuần rừng vài ngày, ngoài bảo vệ cây rừng, kiểm lâm còn phải tinh mắt phát hiện để gỡ bẫy thú do các thợ săn cài đặt khắp nơi đủ các loại, gồm bẫy hom, bẫy lò xo, bẫy cáp… Có những loại bẫy, người vô ý dẫm phải sẽ bị giập nát chân.
Dân đánh bẫy có thể liều lĩnh đặt bẫy gần trung tâm Vườn. Họ đặt bẫy rồi thu bẫy ngay trong đêm để tránh bị kiểm lâm tuần tra phát hiện, thu bẫy. Hạt phó Bình cung cấp con số, chỉ trong năm 2014, lực lượng kiểm lâm Vườn thu được hơn 14.000 chiếc bẫy, 2 súng quân dụng, 16 súng tự chế, 8 bộ xung điện của thợ săn. “Nếu không phát hiện ra thì chắc chắn một số lượng lớn thú rừng đã bị bắt”, anh Bình nói.
Anh Bình chia sẻ, quản lý hơn 72.000 hécta rừng trải rộng 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng quả là gian nan đối với lực lượng kiểm lâm Vườn chỉ có vài trăm người. Nhờ vào xây dựng bản đồ hiện trạng rừng và địa bàn phân bố động thực vật quý hiếm phục vụ quản lý rừng và giáo dục môi trường, du lịch sinh thái, tất cả đã được số hóa. Với máy định vị GPS, lực lượng kiểm lâm dễ dàng quản lý khu vực được phân công bảo vệ. Mỗi kiểm lâm ở VQG Cát Tiên phải phụ trách bảo vệ hàng trăm hécta rừng. Mỗi chuyến tuần tra băng rừng, lội suối kéo dài 4-5 ngày. Với hệ thống rừng được số hóa cùng với máy định vị, lực lượng bảo vệ rừng đỡ vất vả hơn và quản lý rừng chặt chẽ hơn.
TS Khánh giải thích, Vườn đã định vị các cây gỗ lớn, gồm các loại gõ đỏ, cẩm lai, gõ mật, căm xe, sao đen, dầu, ươi…, đánh mã số cây, lên tọa độ địa lý để bảo vệ. Trên cơ sở bản đồ số hóa, sẽ định vị toàn bộ những cây gỗ lớn có đường kính từ 25cm trở lên. Lực lượng kiểm lâm với thiết bị GPS sẽ xác định vị trí, phạm vi cây cần bảo vệ. Theo TS Khánh, sau khi hoàn tất bản đồ số hóa, việc quản lý rừng sẽ khoa học và chặt chẽ hơn. Đồng thời, các trạm bảo vệ rừng phải chịu trách nhiệm đến từng cây.