Đầu tư lớn cho trang thiết bị, công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận là xu hướng ngày càng thịnh hành trong canh tác nông nghiệp hiện nay.
Cũng nhằm các mục tiêu đó, nhưng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên của kỹ sư Chu Văn Tiệp - từng giành giải nhì giải thưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2015 - lại đi theo hướng ngược lại: Giảm tối đa mọi khoản đầu tư, nông dân không cần tăng cường hiện đại hóa công cụ, tăng chi phí vật tư mà chỉ sử dụng những gì có sẵn. Điều duy nhất được tăng cường là tận dụng hiệu quả của ánh sáng - một thứ “của trời cho”, miễn phí hoàn toàn.
Người dân của xã Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng phấn khởi vì được mùa bội thu.
Ảnh: Lê Hằng
Là chủ nhân của những mảnh ruộng nhỏ, các khoản chi cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy cày, cấy, thu hoạch, sơ chế, bảo quản... khiến rất nhiều nông dân trồng lúa đau đầu, bởi lợi nhuận từ hạt thóc sẽ trở thành không đáng kể. Đó là nguyên nhân khiến không ít người sẵn sàng nộp sản nhưng bỏ ruộng hoang.
Bởi vậy, khi được “mách” một cách canh tác giúp tăng năng suất mà không tốn thêm tiền, thậm chí giảm mạnh các khoản chi kể trên, nhiều người đã thử. Và kết quả họ nhận được cũng chính là nguyên nhân khiến phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên - dù chưa được Nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật và chính thức phổ biến - vẫn ngày một lan rộng. Hiện nó đã được áp dụng tại 19 tỉnh, thành, chỉ nhờ người nọ thấy tốt nên “bắt chước” người kia, xã/huyện này thấy xã/huyện kia làm hiệu quả nên học hỏi để áp dụng.
Tỷ lệ tăng năng suất trung bình 15-20% trên đồng đất nhỏ, hẹp không phải là con số quá lớn; nhưng hãy hình dung nếu không cần đầu tư gì thêm mà toàn bộ 7,8 triệu hécta lúa của Việt Nam tăng năng suất từ trung bình 5-6 tấn/ha (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016) lên thành 6-7 tấn/ha.
Chỉ tính giá thu mua lúa tươi là 5 triệu đồng/tấn, gần 8 triệu tấn lúa tăng thêm mỗi năm ấy đã đem lại khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Nhưng hiệu quả kinh tế thực sự còn cao hơn nhiều, nhờ tiết kiệm từ 50-70% lượng giống, thuốc bảo vệ thực vật và kèm theo đó là chi phí làm mạ, công cấy, 30% phân bón. Lượng hóa chất giảm không chỉ giúp giảm giá thành sản phẩm mà còn giúp hạt gạo sạch hơn, môi trường sống an toàn hơn.
Tuy nhiên, dù cấy hàng biên được nông dân tại nhiều địa phương ở các tỉnh phía bắc đã ứng dụng đánh giá tốt, sự thật là diện tích cấy theo phương pháp này còn quá nhỏ dù vẫn không ngừng tăng. Liệu các ưu thế của hiệu ứng hàng biên có còn biểu hiện vượt trội khi phương pháp này được nhân rộng trên diện tích hàng triệu hécta? Liệu cấy hàng biên có xứng đáng được công nhận là một tiến bộ kỹ thuật?
Đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá toàn diện về phương pháp này dù ngày càng có nhiều nông dân vẫn đang thực tế áp dụng cấy lúa hàng biên. Để trả lời câu hỏi này, rất cần có một dự án sản xuất thử nghiệm chính thức để cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp đánh giá một cách toàn diện, khoa học về hiệu quả thực tế của nó.