Thị trường hoa quốc tế hiện đã đạt trên 100 tỷ đôla, gấp ba lần thị trường gạo, theo GS.TS KH Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương, và Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng một phần của “miếng bánh ngon” này.


Xin ông cho biết thực tế ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất hoa ở Vệt Nam?

Ở Việt Nam, những loại hoa cao cấp như lily, địa lan, phong lan... từ khâu nhân giống đã ứng dụng hiệu quả CNC và đó là việc nuôi cấy in vitro (nuôi cấy tế bào). Bằng công nghệ đó, họ có thể nhân ra hàng chục triệu cây giống hệt nhau với nhiều màu sắc khác nhau, tuỳ theo tổ hợp mà nó lựa chọn trước.

Với ứng dụng CNC, Việt Nam đã học được rất nhanh và dám đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Tiêu biểu như mô hình nhà lưới trồng hoa CNC của hợp tác xã Đan Hoài – Flora Việt Nam. Mặc dù diện tích sản xuất chỉ có 10.000m2 nhà lưới, nhưng sau mười năm, sản phẩm hoa của đơn vị đã chiếm lĩnh 30% thị trường hoa lan hồ điệp toàn miền Bắc. Tuy nhiên, nhìn chung do cơ sở vật chất hạn chế, thiếu vốn đầu tư, quy mô nhỏ, manh mún và mới chỉ sản xuất được một vài vạn cây, ít đơn vị hay cá nhân nào sản xuất từ 1 – 2 triệu cây/năm, nên giá thành hoa còn cao.

Vậy trong năm năm vừa qua nhà nước đã có những hỗ trợ gì cho phát triển hoa CNC, thưa ông?

Có nhiều đề tài, dự án ứng dụng kỹ thuật đưa vào các chương trình nông thôn, miền núi, qua đó các viện, trường có điều kiện chuyển giao công nghệ. Các chính sách của nhà nước trong những năm gần đây cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nhà khoa học gắn kết được với doanh nghiệp, đặc biệt là gắn kết những công trình nghiên cứu với thực tiễn, sản xuất theo yêu cầu.

Nếu ứng dụng tốt CNC trong sản xuất hoa, chúng ta sẽ đẩy mạnh được việc xuất khẩu. Trong khi nhu cầu của thị trường hoa quốc tế trên là 100 tỷ đô (gấp ba lần của thị trường gạo), nhưng miếng bánh này vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào hạ tầng phát triển hoa CNC và phải có những chiến lược dài hơi hơn nữa.

Liệu sản xuất hoa CNC có phải chỉ dành cho các doanh nghiệp?

Nông dân vẫn có thể làm được, làm diện tích nhỏ khoảng 200 – 300m2 là có thể được vài nghìn chậu. Nhưng cũng cần lưu ý ở nơi thời tiết không thuận lợi thì phải điều chỉnh điều hoà, ánh sáng, mái che. Để tiết kiệm, chúng ta nên trồng hoa theo từng vùng khí hậu thích hợp.

Ví dụ, với hoa lan CNC nên đưa lên Mộc Châu – Sơn La hay Sapa – Lào Cai. Tất nhiên ở đồng bằng vẫn có thể trồng được, nhưng giá thành sẽ vọt lên gấp rưỡi, thậm chí gấp hai lần.

Theo ông, những loại hoa nào nên đầu tư mạnh để có hiệu quả cao nhất?

Đã nói đến CNC thì nên chọn những giống hoa đắt tiền như hoa ly, hoa lan (lan hoàng thảo, lan hài, địa lan, lan hồ điệp)... Bên cạnh đó là các giống hoa bản địa, vì nếu áp dụng CNC khi đó hoa bản địa của mình sẽ đồng đều hơn, mà vẫn giữ được đặc trưng.

Vậy để đẩy nhanh tốc độ phát triển hoa CNC của Việt Nam, cần có những giải pháp nào?

Trước hết, chúng ta phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống khu nhà kính, nhà lưới phải đồng bộ để đảm bảo được nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng; hệ thống dinh dưỡng, hệ thống lọc và tưới, tưới phun sương, các giá thể, công nghệ làm giá thể, phân bón tan chậm… cũng phải chú trọng đầu tư. Tất cả những yếu tố đó, nếu chúng ta làm được thì việc ứng dụng CNC trong sản xuất hoa sẽ thuận lợi hơn.

Xin chân thành cảm ơn ông!