Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 vừa được đưa vào vận hành tại Hà Nội. Ông Oleg Ivanov - Giám đốc khu vực Đông Âu, công ty phần mềm chuyên về giải pháp mô phỏng sáng tạo (WSC) - trả lời phỏng vấn Báo Khoa học và Phát triển xung quanh nội dung này.

Ông Oleg Ivanov. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Ông Oleg Ivanov. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Thưa ông, trong phần mềm mô phỏng có thể thay đổi thông số nào?

Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 có kinh phí trên 200.000 euro - theo hợp đồng giữa IAEA và WSC - gồm 1 máy chủ, 4 máy trạm được cài đặt phần mềm mô phỏng. Chúng ta có thể thay đổi bất cứ thông số nào theo quá trình công nghệ, song phải hiểu rõ thông số công nghệ cần thay đổi là gì.

Các thông số này trên chế độ thực của nhà máy như thế nào thì trên phần mềm mô phỏng cũng phải như vậy. Đây là mô hình toàn phần của khối năng lượng model 1200, dựa trên thiết kế của Phòng thiết kế Mátxcơva theo mô hình Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Novovoronezh, công suất 1.200MW.

Trong bao lâu thì học viên có thể nắm bắt được kỹ thuật căn bản của phần mềm mô phỏng VVER-1200?

Thực tế cho thấy, người vận hành sau 3 tuần có thể hiểu được các vấn đề trong phần mềm mô phỏng này. Đây là phần mềm chuyên dùng để đào tạo người vận hành phòng điều khiển. Trong phòng điều khiển thường có 3 người: Trưởng ca, người vận hành lò phản ứng và người vận hành tuốcbin. Các phần khác chúng tôi đào tạo riêng, không qua phần mềm này, bởi về mặt lý thuyết chỉ có 20% số nhân sự nhà máy làm về ĐHN, còn các phân ban khác sẽ được đào tạo trên thiết bị cụ thể trong nhà máy.

Phần mềm này do IAEA cung cấp cho Việt Nam, nhưng do các chuyên gia Nga viết?

Phần mềm là do IAEA và chúng tôi hợp tác với phía Nga để viết nó. Chúng tôi hợp tác với phía Nga để có cấu hình, kích thước cụ thể về nhà máy. Dựa trên đó, chúng tôi mới có thể phát triển phần mềm được.

Thưa ông, phần mềm điều khiển mà phía Nga dự kiến ứng dụng ở Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 có giống phần mềm mô phỏng này không ?

Về nguyên tắc và cấu hình thì tương tự, nhưng phần mềm điều khiển ở Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 hiển thị tất cả thông số thanh nhiên liệu, còn thiết bị mô phỏng này thì không. Cạnh đó, model của phần mềm điều khiển ở Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 cũng không như phần mềm mô phỏng. Theo tôi biết, phải năm 2020, Việt Nam mới bắt đầu xây nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và phải đến 2025-2026 mới hoàn thành. Tôi nghĩ, 10 năm là thời gian dài, sẽ có rất nhiều thay đổi về cấu trúc, hệ thống điều khiển... Tôi biết Việt Nam đang có khoảng 300 người được đào tạo về ĐHN ở Nga, nhưng vẫn cần đào tạo thêm để thích hợp làm việc tại các vị trí trong nhà máy.

Vấn đề chuyển giao công nghệ phần mềm mô phỏng cho Việt Nam được IAEA thực hiện như thế nào?

Chúng tôi không chuyển giao công nghệ phần mềm này. Tất cả thông số được quản lý rất chặt. Các bạn chỉ có thể sử dụng mà không thể thay đổi cấu trúc. Mã nguồn cũng sẽ không được chuyển. Sau bàn giao, phía Việt Nam chỉ việc vận hành.

Trong trường hợp nhà máy thay đổi mô hình thì chúng tôi có thể thay đổi cấu hình phần mềm không?

Chúng tôi không cho phép thay đổi cấu hình phần mềm. Chúng tôi có 10 người chuyên phát triển phần mềm, với mức lương 100.000USD/năm. Tôi nghĩ, hiện các bạn chưa làm được việc này, vì để có phần mềm này, chúng tôi đã tập trung 12 người làm trong suốt 3 năm. Giá thành của phần mềm phiên bản đầy đủ khoảng 10 triệu USD. Tự thay đổi đồng nghĩa với phá hỏng mô hình. Chỉ có kỹ sư trình độ cao và được phép mới có thể thay đổi cấu hình phần mềm. Nếu các bạn muốn thay đổi, cần thông báo với chúng tôi.
Theo ông, giữa thiết kế của St. Petersburg và Mátxcơva, thiết kế nào tốt hơn ?

Hai thiết kế không khác nhau bao nhiêu. Khác biệt lớn nhất là nhiệt dư được thải ra môi trường bên ngoài. Muốn so sánh phải dựa vào kết quả thực tế và điều này hiện rất khó bởi chưa có minh chứng cụ thể về nhà máy điện đang hoạt động, chưa có tổ máy nào được xây xong và vận hành. Tôi nghĩ, hai thiết kế này đều tốt.

Ông nói gì về việc phần mềm công nghệ Nhà máy ĐHN Ninh thuận 1 dùng tiếng Nga?

Ngôn ngữ cụ thể sẽ do các quan chức thỏa thuận và ký kết. Nhưng tôi được biết phía Nga sẽ đưa sang Việt Nam phiên bản xuất khẩu bằng tiếng Anh. Khả năng dùng tiếng Việt là không có, bởi tất cả tài liệu kỹ thuật đều bằng tiếng Anh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lò phản ứng VVER-1200 là công nghệ tiên tiến nhất của Nga được đề xuất cho dự án ĐHN Ninh Thuận 1. Hệ thống mô phỏng lò này có khả năng tính toán các thông số công nghệ quan trọng, các chế độ thay đổi công suất, vỡ ống… và dự báo thay đổi trong các hệ thống khi có sự cố xảy ra. Nó cũng giúp mô phỏng thời gian thực về lò phản ứng VVER-1200 đầu tiên tại Việt Nam với trên 155 giao diện tương tác, xây dựng các kịch bản giả định. Vì vậy, phần mềm sẽ rất hữu dụng cho việc đào tạo nhân lực cho nhà máy ĐHN đầu tiên tại Việt Nam.