Ngoài việc ảnh hưởng đến OpenAI, quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu GPT của cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ còn tác động đến cách đặt tên và gắn nhãn hiệu cho các công nghệ AI nền tảng.

Kể từ khi ra mắt chatbot ChatGPT vào tháng 11/2022, dẫn đến cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới, OpenAI đã cố gắng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “GPT” để ngăn chặn các doanh nghiệp khác sử dụng từ viết tắt này.

Tuy nhiên, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của OpenAI bị Văn phòng Nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) từ chối liên tục - lần thứ nhất vào tháng 5/2023, và lần thứ hai vào đầu tháng 2/2024. Lý do là từ viết tắt “GPT” chỉ “mang tính mô tả” và quá chung chung để trở thành nhãn hiệu độc quyền. “GPT” là chữ viết tắt của “Generative Pre-trained Transformer”, một tập hợp các mô hình mạng thần kinh có thể tạo ra văn bản và hình ảnh giống như con người.

Văn phòng Nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu GPT cho OpenAI. Nguồn: Gizmodo
Văn phòng Nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu GPT cho OpenAI. Nguồn: Gizmodo

OpenAI đã phản đối quyết định này, lập luận rằng người tiêu dùng bình thường khó có thể biết rằng “GPT” là từ viết tắt của cụm từ trên. “Đây là thuật ngữ riêng trong lĩnh vực AI mà người dùng bình thường sẽ không hiểu”, luật sư của OpenAI nhận xét. “Nếu bạn bước xuống phố và hỏi một số người xem GPT là viết tắt của từ gì, chắc chắn không có nhiều người ngay lập tức biết rằng đó là viết tắt của ‘Generative Pre-trained Transformer’.”

Tuy nhiên, USPTO không đồng ý với lập luận của OpenAI. Cơ quan này cho biết ngày càng nhiều người dùng liên tưởng “GPT” với những sản phẩm và công nghệ nhất định. “Việc người dùng không biết về ý nghĩa đầy đủ của từ viết tắt không làm thay đổi thực tế là họ đã quen chấp nhận thuật ngữ ‘GPT’ thường được dùng trong lĩnh vực phần mềm để xác định một loại phần mềm cụ thể với đặc trưng là công nghệ hỏi đáp AI”, USPTO viết. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhấn mạnh rằng trong cộng đồng công nghệ và AI, GPT được công nhận là một loại phần mềm chung, không dừng lại ở tên gọi riêng cho sản phẩm của OpenAI.

Do vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu “GPT” có thể ngăn chặn sự cạnh tranh công bằng, khiến các doanh nghiệp khác gặp hạn chế khi mô tả các sản phẩm và dịch vụ AI của họ. “Các doanh nghiệp và đối thủ cạnh tranh phải được tự do sử dụng ngôn ngữ mô tả khi mô tả hàng hóa/dịch vụ của họ với công chúng trong các tài liệu quảng cáo và tiếp thị”, USPTO nêu rõ.

Quyết định của USPTO có thể tạo ra một môi trường cởi mở và thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực AI, song bất lợi cho OpenAI trong việc xây dựng thương hiệu. Việc không thể bảo hộ nhãn hiệu “GPT” có thể khiến nhiều công ty đặt tên sản phẩm tương tự, làm loãng độ nhận diện thương hiệu của OpenAI, nhưng có lẽ, điều này không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của công ty trên thị trường. Các sản phẩm của OpenAI, đặc biệt là ChatGPT vô cùng phổ biến, tạo ra mức độ nhận diện thương hiệu đáng kể.

Liệu OpenAI sẽ phản ứng như thế nào trước quyết định của USPTO? Ngoài việc yêu cầu USPTO xem xét lại quyết định hoặc nộp đơn kháng cáo lên Hội đồng xét xử và kháng cáo nhãn hiệu Hoa Kỳ, OpenAI có thể xây dựng thương hiệu mới, có khả năng được bảo hộ nhãn hiệu cao hơn. Gần đây, họ đã giới thiệu công cụ AI có thể tạo ra video từ các câu lệnh (prompt) có tên Sora.

Qua câu chuyện đăng ký nhãn hiệu GPT của OpenAI, chúng ta có thể thấy việc cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI là điều không hề đơn giản. Khi công công nghệ AI tiếp tục phát triển, các quyết định của cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ như USPTO sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bối cảnh cạnh tranh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.

Nguồn: