Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh khi hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên và giáo viên cùng mày mò cách điều khiển công cụ AI để đạt được mục đích học tập của mình.
Cách đây một năm,
trong hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức bàn về ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI),
các nhà công nghệ và sư phạm tạm thống nhất với nhau rằng “ChatGPT chưa thể
giúp gì nhiều cho giáo dục”. Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi rất nhanh khi
hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên và giáo viên cùng mày mò cách điều khiển
công cụ AI để đạt được mục đích học tập của mình.
Những trải nghiệm
khác nhau của họ đánh dấu từng bước thay đổi trong mô hình giáo dục theo những
cách mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Sự chủ động mới
Một trong những
minh họa tốt nhất cho sức nặng của AI tạo sinh (Generative AI) nằm ở một lĩnh vực
mà Việt Nam đang đặt cược hy vọng lớn: chip bán dẫn. Cuối năm ngoái, nhóm
nghiên cứu EDABK thuộc phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch của Trường Điện - Điện
tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ mất 12 ngày để thiết kế ra một con chip mà trước
kia họ phải mất 1-2 năm.
Đó là một con chip dạng neurosynaptic được thiết kế để
hoạt động giống như một bộ não sinh học hơn là một máy tính toán thông thường.
Ưu điểm của những con chip này là tốc độ xử lý nhanh và cực kỳ tiết kiệm năng
lượng, do vậy chúng đặc biệt hữu ích trong những hệ thống AI phức tạp như
camera thông minh, robot hoặc xe tự lái.
Nhóm của EDABK gồm
sáu sinh viên năm thứ tư dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng
khoa Điện tử. Thiết kế của họ đã giành giải nhất tại một cuộc thi do Công ty
Efabless của Mỹ tổ chức, bên cạnh thiết kế giải nhì của nhóm kỹ sư ở Đại học
Công nghệ và Thiết kế Singapore, và thiết kế giải ba của một nghiên cứu sinh ở
Đại học Cambridge. Mỗi đội chỉ có tối đa ba tháng để thiết kế ra một con chip.
“Sử dụng AI tạo
sinh” chính là từ khóa tạo ra sự tăng tốc thần kỳ của các đội. PGS.TS Nguyễn Đức
Minh tiết lộ, nhóm anh đã có sẵn khung kiến trúc của con chip neurosynaptic
trong đầu từ lâu nhưng việc lập trình, kiểm tra và chỉnh sửa để thu được một
thiết kế cuối cùng ‘không bị lỗi’ sẽ mất hàng năm trời miệt mài lao động. Họ
không đủ thời gian và tiền bạc dành cho điều đó.
May mắn thay, EDABK
đã tìm được một lối tắt. “Chúng tôi biết rằng ChatGPT sẽ giúp mình tăng tốc
nhưng không ngờ lại tăng tốc được nhiều đến vậy”, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh ngạc
nhiên nói. “Phần lớn, ChatGPT giúp chúng tôi tạo ra các code tự động. Nó cũng tham
gia vào việc kiểm tra các đoạn code đó, nhưng ít thôi, vì các sinh viên trong
nhóm đã khá sắc bén trong việc này.”
Ở đây, trí tuệ nhân tạo không chỉ là cỗ máy làm thay những công việc lập trình “chân tay” vất vả mà còn là đòn bẩy thúc đẩy quá trình sáng tạo. Mỗi khi nhóm nghiên cứu đưa ra ý tưởng thì thay vì phải mất vài tuần để viết thủ công bản code đầu tiên, họ chỉ mất một đêm làm việc với ChatGPT. Việc nhìn thấy các bản code rõ ràng trước mắt làm cho mọi người dễ dàng nảy ra các hướng tinh chỉnh thiết kế tốt hơn. “Ý tưởng bao giờ cũng mờ nhạt hơn bản mẫu và khi người ta có thể nhìn thấy bản mẫu thì họ càng nhanh đi vào guồng sáng tạo”, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhận xét.
EDABK là minh chứng
cho thấy, khi một nhóm những con người tài năng tận dụng một công cụ mạnh mẽ, họ
có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Theo PGS.TS. Nguyễn
Đức Minh, vì vi mạch thực sự là một hệ thống phức tạp nên những người không có
nền tảng chuyên môn về vi mạch cũng không thể phân tích và đánh giá các đoạn
code mà hệ thống của ChatGPT tạo ra để làm nên một con chip ra hồn. Tuy nhiên,
ChatGPT thực sự là công cụ hữu hiệu giúp họ đẩy nhanh tiến trình.
Ở đây không phải là
AI có nguy cơ lấy đi công việc của các kỹ sư, mà là AI đòi hỏi các kỹ sư phải
có những kiến thức, kỹ năng tốt hơn để làm việc với chúng. Các sinh viên không
thể đơn thuần chạy theo những công việc giản đơn [như viết code!! Hoặc những
tác vụ khác mà AI đang làm tốt hơn con người] mà phải phát triển những năng lực
tư duy không thể thay thế - chẳng hạn như với thiết kế chip là góc nhìn tổng thể
hệ thống, khả năng tưởng tượng ra các thành phần sẽ kết nối với nhau như thế
nào, kỹ năng mô tả bài toán, tư duy phân tích, sáng tạo v.v để điều hướng quá
trình cộng tác với AI. Ngoài ra, thời gian tiết kiệm được có thể giúp sinh viên
tối đa hóa thời gian trao đổi ý tưởng, cộng tác và thảo luận với giảng viên.
Kiên nhẫn và chín chắn
Nếu như các sinh
viên có thể sử dụng AI tạo sinh một cách chủ động thì các học sinh cần một sự dẫn
dắt kỹ càng và thận trọng hơn với công nghệ mới này. Trên thực tế, đầu năm học
vừa qua, UNESCO đã đưa một hướng dẫn giúp các chính phủ và trường học điều chỉnh
việc sử dụng AI, với giới hạn độ tuổi từ 13 tuổi trở lên cho việc sử dụng những
công cụ như ChatGPT trong lớp học.
Giới thiệu AI trong
môi trường được kiểm soát mang đến cơ hội buộc học sinh phải suy nghĩ chín chắn
về những thông tin mà AI đưa ra. Theo các thầy cô, học sinh nên được khuyến
khích kiểm tra kết quả của AI để tránh thiên vị hoặc sai sót, thay vì chấp nhận
chúng một cách thụ động.
Ở trường phổ thông
song ngữ Maya, thầy Đỗ Minh Đức, giáo viên STEM, đã kể cho chúng tôi về thử
nghiệm cho 25 bạn học sinh từ lớp 6-9 dùng ChatGPT 3.0 bản miễn phí để tạo ra
các đoạn văn bản khi viết văn không phải là thế mạnh của các em. Khác với các
trường trung học khác, học sinh trường Maya chủ yếu được dạy theo dạng dự án.
Các bạn được yêu cầu viết một email gọi vốn gửi cho các nhà tài trợ để giới thiệu
về dự án “The Power Changer” xây dựng một hệ thống điện mặt trời tại trường
Maya và mở rộng ra khu vực huyện Thạch Thất - với những thông tin, số liệu cụ
thể và nêu bật được lý do tại sao họ nên quan tâm tới dự án này.
Học sinh đã bắt tay
vào việc với tâm thế hào hứng khó tả, bởi đây là lần đầu tiên các em được giao
một nhiệm vụ quan trọng đến thế! Các em được giới thiệu ngắn gọn về cách dùng
ChatGPT. Khi kết quả AI tạo ra, thoạt nhìn, chúng có vẻ đủ ý nhưng văn phong
không được hay. Bởi vậy, các bạn phải copy về sửa.
Thầy Đức cho biết, các em lớp sáu có vẻ dễ dàng dùng luôn kết quả của AI và sửa rất ít. Các em lớp bảy nhận thức cao hơn một chút nhưng vẫn chấp nhận được một số bất cập trong kết quả máy móc tạo ra. Trong khi đó, học sinh lớp tám và lớp chín nhìn vào bài viết của AI và cười rằng “thà tự viết còn mượt hơn”. Những bạn này đã mất rất nhiều thời gian để biên tập lại kết quả của ChatGPT, một số còn than thở rằng “công sửa tốn ngang với viết mới”.
Các thầy cô hướng dẫn
tin rằng dù không hoàn toàn thành công nhưng ChatGPT đã cho các em một gợi ý nền
khá tốt về cách một khâu trong dự án nên chạy thế nào. Dĩ nhiên, trình độ viết
câu lệnh điều khiển AI khác nhau cũng ảnh hưởng đến kết quả mà các em thu được.
Một số bạn dùng những câu lệnh đơn giản và chung chung, trong khi một số bạn
đưa thông tin mô tả khá tỉ mỉ và rõ ràng cho ChatGPT.
Không có gì lạ khi
học sinh chưa thể dùng công cụ này để viết được những đoạn văn tốt ngay từ đầu.
Ngay cả những tác giả viết văn chuyên nghiệp cũng phải mất thời gian để tìm ra
cách điều khiển AI hỗ trợ họ viết lách. Để ra được một văn bản tốt, không hời hợt,
dập khuôn và lười biếng, người dùng AI cần biết cách điều chỉnh dữ liệu đầu vào
đầu ra; mô tả các đặc điểm và thực hiện một loạt chi tiết nhỏ khác để AI nắm được
bối cảnh họ mong muốn.
Một số người mô tả
quá trình này giống như cố gắng dạy thủ thuật cho một con mèo siêu thông minh:
nó đòi hỏi sự kiên trì và lòng cảm thông hơn với máy, đồng thời cũng rèn luyện
những tính cách đáng quý như óc tò mò, tư duy phản biện và tính sáng tạo – những
điều giúp ích cho người học nhiều hơn so với thuộc lòng “văn mẫu”.
Tương lai của giáo dục
Khi đối chiếu khả
năng của AI với mô hình giáo dục truyền thống, rất dễ dàng nhận ra mô hình học
hiện hay đã lỗi thời và về cơ bản không được chuẩn bị cho thời đại AI.
Mô hình truyền thống
(thầy giảng trò chép, cộng với các kỳ thi lớn) có những điểm yếu cố hữu. Chẳng
hạn như các bài giảng là những đường ống kiến thức một chiều, đòi hỏi sinh viên
phải tiếp thu thông tin một cách thụ động thay vì chủ động. Nghiên cứu hết lần
này đến lần khác chỉ ra rằng học thụ động là học tập dưới mức tối ưu, dẫn đến kết
quả giáo dục kém hơn so với các phương pháp học tập chủ động khác.
Bên cạnh đó, kiến
thức được truyền tải trong các bài giảng thường lỗi thời so với thực tế và các
tiến bộ nhanh chóng của công nghệ. Do vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp được
trang bị các kỹ năng “dễ hỏng”*, không phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Cách giảng dạy truyền thống cũng có xu hướng đề cao những kỹ năng sai lầm (ví dụ
học thuộc lòng, ghi nhớ, tính toán v.v) không còn cần thiết trong thế giới thực
vì các công cụ AI có thể sao chép những kỹ năng này với chi phí thấp và hiệu quả
cao hơn hàng chục lần. Cuối cùng, các kỳ thi trong mô hình truyền thống cũng chỉ
cung cấp một bức tranh tĩnh về học tập của học sinh tại một thời điểm nhất định
mà không cung cấp nhiều hướng dẫn cải thiện cho tương lai.
Sự xuất hiện của những
công cụ AI tạo sinh như ChatGPT không chỉ làm nổi bật thiếu sót của mô hình này
mà còn làm suy yếu giá trị của nó. Học sinh sẽ đặt câu hỏi tại sao họ cần tham
gia vào các bài giảng truyền thống trong khi AI có thể tìm kiếm, diễn giải,
hình dung và tóm tắt những thông tin phức tạp theo bất kỳ cách nào họ muốn, vào
bất kỳ thời điểm nào, và hoàn toàn cá nhân hóa theo nhu cầu học tập của họ. Điểm
số cũng trở nên không còn cần thiết, vì AI phản hồi liên tục và người học có thể
liên tục điều chỉnh kết quả đầu ra của mình. Thậm chí nỗi lo về sự biến mất của
trường học cũng nổi lên, vì học sinh có thể tự học ở nhà chẳng kém gì lên lớp.
Rõ ràng, một mô
hình học tập mới là cần thiết cho giáo dục. World
Economic Forum chỉ ra, đó sẽ là một mô hình dựa trên việc làm chủ các kỹ
năng. Tại đây, cách tiếp cận “lớp học đảo ngược” (flipped classroom) có thể
phát huy tác dụng: Học sinh sẽ tự học các kiến thức, kỹ năng cơ bản ở nhà
(thông qua video, bài đọc, chatbot AI v.v.) và sau đó sử dụng chúng để giải quyết
các vấn đề thực tế khi lên lớp, thông qua các hoạt động như thuyết trình, thảo
luận, mô phỏng, tranh biện v.v.
Mô hình này sẽ có vị
thế tốt hơn nhiều cho kỷ nguyên AI. Nó sẽ giúp học sinh tránh được việc sử dụng
AI một cách bừa bãi, lười biếng vì người học đã nắm được tư duy phản biện và “tự
nghĩ trên đôi chân của họ”. Khi đó, AI có thể cung cấp nguồn cảm hứng và các đề
xuất, nhưng sẽ không được sử dụng một cách vô thức để giải quyết vấn đề - như
những gì nhóm học sinh của trường Maya đã thực hiện.
Mô hình học tập mới khi kết
hợp với AI cũng giúp người học hiểu được những hạn chế của AI và trau dồi các kỹ
năng mà AI bị thiếu, tạo ra một không gian làm việc nhịp nhàng hơn giữa người
và máy.
Nhìn lại lịch sử của
công nghệ giáo dục, luôn có một số do dự ban đầu về việc áp dụng các công cụ mới.
Ba mươi năm trước, mọi người hoài nghi về máy tính, nhưng ngày nay chúng có mặt
ở khắp các lớp học, giúp học sinh và giáo viên tiết kiệm thời gian, tập trung
vào các vấn đề phức tạp. AI tạo sinh cũng tương tự như thế.
Chúng ta không thể
cưỡng lại việc AI sẽ là một phần trong công việc hoặc cuộc sống của học sinh,
giống như Google hoặc bất kỳ tài nguyên trực tuyến nào khác. Và chúng ta cũng
không thể lảng tránh được việc dạy những kỹ năng AI cần thiết để thích nghi với
một tương lai sống cùng AI.
So với một năm trước kia, các thầy cô giáo ở Việt Nam dường như đang tiến dần hơn tới chấp nhận AI. Ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Minh luôn khuyến khích các học trò của mình tận dụng công cụ AI để làm bài tập, làm dự án, và tỏ ra hài lòng với những sinh viên đã có nền tảng chuyên môn và có thể thực thi nhanh chóng nhờ ChatGPT mỗi khi anh đưa ra ý tưởng mới. “Giảng viên chúng tôi sẽ tăng được khả năng truyền đạt hơn, còn các bạn sinh viên thì học tốt hơn. Dĩ nhiên, các thầy cô cũng phải tự nâng cấp mình để không chỉ làm việc được với AI mà còn đủ khả năng để xác định những gì học sinh học được “là của AI hay của các em,” anh nói.
Còn ở trường Maya, thầy Đỗ Minh Đức nói rằng anh ủng hộ học sinh dùng AI để nâng cao khả năng tự học, bởi lớp học của anh vận hành trên nguyên tắc học theo dự định cá nhân. Anh nói rằng mình “rất vui khi thấy các em giữ được mindset là mình làm chủ công nghệ chứ không để công nghệ làm chủ lại mình.”
Dưới góc nhìn của những nhà giáo dục tiên phong như thầy Minh và thầy Đức, AI là một công cụ học tập hữu ích và vẫn sẽ tiếp tục là một công cụ làm việc hữu ích cho bất kỳ người nào sau khi ra trường. Tuy nhiên, họ vẫn đang là thiểu số.
Chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của AI và những tác động to lớn từng ngày của chúng vào kinh tế-xã hội và việc làm, TS. Nguyễn Đức Minh lo lắng hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay sẽ không chuẩn bị kịp cho tương lai của thế hệ tiếp theo. “Mọi người sẽ phải sống và làm việc cùng AI”, anh lo lắng, “Nếu chúng ta không bắt đầu học cách dùng AI từ bây giờ thì còn chờ đến bao giờ nữa?”
________________
Chú thích:
*Ở đây, một số nhà tuyển dụng tin rằng không nên phân biệt kỹ năng theo kiểu kỹ năng “mềm hay cứng”, mà nên phân biệt theo kiểu “bền hay không bền/dễ hỏng” (durable or perishable) - tức thời gian nó không còn phù hợp với công việc hoặc thị trường. Matthew J. Daniel, cây viết trên tạp chí
Chief Learning Officer dành cho các nhà điều hành cấp cao chuyên giám sát tất cả các chương trình học tập và phát triển nhân viên trong một tổ chức, chỉ ra rằng những kỹ năng dễ hỏng thường có chu kỳ bán rã dưới 2,5 năm (ví dụ các kỹ năng công nghệ), các kỹ năng bán bền có chu kỳ bán rã từ 2,5-7,5 năm (ví dụ các kỹ năng được sử dụng để thiết kế và phát triển nội dung gắn với các quy trình hoặc lý thuyết hiện có, nhưng có khả năng thay đổi khi khoa học học tập tiến bộ và các doanh nghiệp xoay trục chiến lược của họ), và những kỹ năng bền bỉ được ưa thích nhất có chu kỳ bán rã hơn 7,5 năm (thường là những lớp kỹ năng cơ bản của tư duy như tư duy thiết kế, quản lý dự án, giao tiếp hiệu quả hoặc lãnh đạo người khác.)