Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, tới năm 2018, nông nghiệp chính xác có thể đạt giá trị 3,7 tỷ USD.

Dự báo của Business Insider cho thấy, tới năm 2020, trên thế giới có khoảng 75 triệu thiết bị Internet of Thing (Internet vạn vật - IoT) trong lĩnh vực nông nghiệp. Sử dụng các thiết bị để tạo ra nền nông nghiệp chính xác đang là xu hướng chuyển dịch của nhiều quốc gia.

Bản đồ sống về tài sản của nông dân

Liên Hợp Quốc cho biết, tổng dân số thế giới hiện là 7,3 tỷ người và sẽ đạt mức 9,7 tỷ người vào năm 2050. Số liệu của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc cho thấy, tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay đòi hỏi con người phải sản xuất ra một lượng lương thực nhiều hơn tới 70% so với năm 2006 thì mới đủ cung cấp cho toàn thế giới. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ và IoT có thể là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Onfarm - công ty chuyên cung cấp công nghệ phần cứng có liên quan tới nông nghiệp tại California, Mỹ, khi sử dụng IoT trong đồng ruộng, năng suất tăng 1,75%, lượng nhiên liệu tiêu tốn giảm từ 7-13USD/hécta, nước sử dụng để tưới tiêu giảm 8%. Nước Mỹ - nơi IoT được sử dụng rộng rãi nhất - có thể đạt năng suất 7.340kg ngũ cốc/ hécta so với con số bình quân trên thế giới là 3.851kg/hécta.


IoT là hệ thống các thiết bị phần cứng được kết nối với nhau vào một hệ thống, có khả năng thu thập và trao đổi dữ liệu. Vệ tinh, thiết bị bay không người lái, hệ thống cảm ứng không dây, hệ thống thiết bị phân tích nông trang, hệ thống quản trị nông trang, dữ liệu lớn trong nông nghiệp, chuỗi quản trị lương thực... là những ví dụ về IoT trong nông nghiệp và trang trại thông minh.


Máy bay không người lái - một cấu phần trong IoT nông nghiệp - thu thập thông tin cây trồng. Ảnh: IoT.do
Máy bay không người lái - một cấu phần trong IoT nông nghiệp - thu thập thông tin cây trồng. Ảnh: IoT.do

Thành tích này không có gì là quá kinh ngạc. Theo ông Tim McPhail - Giám đốc bộ phận chính sách công thuộc Công ty truyền thông đa quốc gia Vodafone, việc kết nối các thiết bị như máy tính, cảm ứng, điện thoại với nhau bằng dịch vụ hệ thống (trang web) cho phép nông dân đưa ra được những quyết định chính xác dựa trên số liệu và phân tích thực tế, để có thể đạt được năng suất mùa vụ và vật nuôi cao nhất.

“Bắt đầu bằng cảm ứng đa chiều để đo mọi thứ từ chất lượng đất, không khí, độ ẩm, nhiệt độ tới số lượng gia súc, cùng hình ảnh vệ tinh (với sự giúp sức của máy bay không người lái), người nông dân có được “bản đồ sống” về tài sản của mình theo dữ liệu thời gian thực. Những dữ liệu này cùng với các dự báo thời tiết và cập nhật tình hình sâu bệnh, giá cả thị trường... sẽ giúp nông dân lập được kế hoạch từ sớm. Kết hợp với các công cụ công nghệ mới, họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt: Khi nào phun thuốc sâu, khi nào tưới nước, khi nào là thời điểm lý tưởng để thu hoạch, vận chuyển, cho ăn” - ông Tim McPhail nói.


Giảm rủi ro do thời tiết, dịch bệnh

Theo một nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM, 90% số vụ mất mùa có thể ngăn chặn được, trong đó 25% được thực hiện nhờ công nghệ nông nghiệp chính xác.

Tương tự, Công ty nghiên cứu IoT BeeCham (Anh) gần đây mới đưa ra một bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh rằng khu vực nông nghiệp cần phải làm nhiều hơn để đưa các công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm.

“Khi nông nghiệp luôn phải đối mặt với những thách thức không lường trước được như thời tiết thay đổi, sự biến đổi khí hậu trong thời gian dài, việc cung cấp cho các nhà sản xuất cái nhìn chính xác về công việc hằng ngày của họ có thể giúp nâng cao sản lượng vụ mùa với cùng hay thậm chí là ít hơn nguồn lực và tạo ra một quá trình sản xuất đáng tin cậy, giúp quản lý nhu cầu người dùng tốt hơn” - báo cáo viết.

Ông Tim McPhail lấy ví dụ cụ thể: “Các máy bay không người lái - được trang bị camera hình ảnh hồng ngoại - có thể phát hiện được những con gia súc có nhiệt độ cơ thể bất thường (tức là mang bệnh) để xử lý trước khi bệnh kịp lan rộng”.

Không những vậy, IoT trong nông nghiệp còn đóng vai trò lớn trong chuỗi cung cấp sau thu hoạch cho người tiêu dùng bởi nó có thể giúp phát hiện gian lận, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu hư hỏng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Liên minh châu Âu đã khởi động dự án trị giá 30 triệu euro có tên Nông nghiệp và lương thực 2020 để có thể tiếp cận và cải thiện công nghệ IoT. Ở Kansas, Mỹ, các nhà nông đã sử dụng cảm ứng để bảo quản nước và ở Bangladesh, một dự án công nghệ cảm ứng mới sẽ sớm được triển khai.