Các lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ khoảng 38-45%, nhưng chủ yếu diễn ra ở các phân khúc không có giá trị cao và độ phức tạp công nghệ ở mức vừa phải.

Các diễn giả tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2023. Ảnh: Vũ Phong Engergy
Các diễn giả tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2023. Ảnh: S.T

Thông tin này được bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam nêu ra tạiDiễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2023 (lần thứ VI) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu (CHLB Đức) tổ chức chiều 14/12.

“Chúng tôi rất tò mò về khả năng nội địa hóa trong hai ngành điện gió và điện mặt trời khi Việt Nam đã tạo ra được thị trường rộng rãi cho hai ngành năng lượng mới mẻ này”, bà Vũ Chi Mai nói.

Hiện trạng nội địa hóa trong ngành năng lượng tái tạo

Tỷ lệ nội địa hóa là tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước so với nhập khẩu. Trong nghiên cứu, các bên tham gia “nội địa hóa” được định nghĩa là các doanh nghiệp nội địa 100% và các công ty liên doanh nước ngoài để thực hiện các công việc tại Việt Nam.

Sử dụng khảo sát và tính toán từ các dữ liệu đầu vào đáng tin cậy, báo cáo của CASE vẽ ra một bức tranh tổng thể về tiềm năng thị trường và khả năng tham gia vào các công đoạn khác nhau trong mỗi ngành.

Theo đó, đối với điện gió trên bờ, tỷ lệ nội địa hóa ở khâu phát triển dự án (lập báo cáo kỹ thuật) đã đạt tới 90%. Việc sản xuất linh kiện, thiết bị cho nền móng cũng đạt tới 85%, lắp đặt nhà máy điện gió đạt tỷ lệ 70%. Trong khi đó, các cấu phần như trạm biến áp, cáp, trụ đỡ có tỷ lệ nội địa thấp hơn hẳn - lần lượt là 30% - 10% - 3%. Hiện tại Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất được các cấu phần của tuabin gió, bao gồm vỏ nacelle, hub và cánh quạt.
Hiện trạng nội địa hóa của ngành điện gió Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/Case
Hiện trạng nội địa hóa của ngành điện gió Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE

Đối với điện gió ngoài khơi, Việt Nam chưa sản xuất được cáp ngầm biển. CASE đánh giá rằng các nhà cung cấp cáp hiện tại có thể mở rộng nhà máy để cung cấp cáp ngầm cho điện gió ngoài khơi, tuy nhiên sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp khác ở châu Á.

Đối với điện mặt trời, sau hơn 3 năm bùng nổ các dự án điện mặt trời trang trại và điện mặt trời mái nhà, các công ty Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong các khâu. Tỷ lệ nội địa hóa ở khâu phát triển dự án (lập báo cáo kỹ thuật) đã đạt tới 95%, lắp đặt nhà máy điện mặt trời cũng có thể nội địa hóa tới 80%. Khả năng tham gia cung cấp cấu kiện như trạm biến áp, cáp (35%), hệ khung nhôm, giá đỡ (20%), đơn vị điều khiển điện (20%) cũng ở mức tương đối.
Hiện trạng nội địa hóa của ngành điện mặt trời Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE
Hiện trạng nội địa hóa của ngành điện mặt trời Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE

Đối với tấm quang năng (Solar cell) – cấu phần có giá trị cao nhất trong một dự án điện mặt trời – tỷ lệ nội địa hóa vẫn ở mức cực kỳ hạn chế. Chỉ có 8 nhà máy sản xuất ở Việt Nam với tổng công suất ước tính khoảng 10-20 GW/năm, nhưng chủ yếu để xuất khẩu. Solar BK, một trong những doanh nghiệp Việt được đánh giá tốt về chất lượng sản phẩm, cũng mới chỉ có thể cung cấp khoảng 350MW tấm quang năng mỗi năm. Con số này là rất nhỏ so với quy mô thị trường.

Các cấu phần có giá trị cao còn lại như biến tần vẫn chủ yếu phải nhập khẩu. Năm 2023 Việt Nam mới đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất biến tần cho năng lượng mặt trời, với công suất 501.000 bộ biến tần/năm. Tuy nhiên chưa rõ việc phân bổ sản phẩm cho sử dụng nội địa và xuất khẩu.

Những phân khúc tiềm năng

Dựa trên các phân tích trên và những tính toán về chi phí, bà Vũ Chi Mai đã nhấn mạnh những phân khúc mà Việt Nam có tiềm năng nội địa hóa cao. Theo bà, trong giai đoạn đầu, nên tập trung phát triển những phân khúc mà Việt Nam đã có thế mạnh và tỷ lệ nội địa hóa cao và cân nhắc hướng phát triển cho những phân khúc có mức độ phức tạp công nghệ cao mà Việt Nam ít có lợi thế.

“Chẳng hạn như với tấm pin quang năng, câu hỏi đặt ra là ta có nên nhảy vào sản xuất chúng không và nếu có thì nên giữ tỷ lệ nội địa hóa ở mức nào. Trung Quốc đã đi đầu thế giới về công nghệ này và họ có thể sản xuất với giá cả phải chăng”, bà Mai phân tích.

“Chúng ta nên làm tốt những gì mình có thế mạnh, ví dụ phát triển các báo cáo kỹ thuật vẫn còn khoảng trống để ta làm tốt hơn thông qua xây dựng năng lực hoặc đầu tư vào các máy móc đạt chuẩn quốc tế mà chuyên gia Việt Nam có thể dùng. Chúng ta cũng có thể đẩy mạnh hơn phần lắp đặt/xây dựng và đấu nối. Và lựa chọn sản xuất một số phần như khung, móng, máy biến áp, cáp”, bà nói.
Tiềm năng nội địa hóa của điện gió và điện mặt trời Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE
Tiềm năng nội địa hóa của điện gió và điện mặt trời Việt Nam. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE

Bà cũng chỉ ra thị trường năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh và dự tính đạt quy mô 160 tỷ USD vào năm 2050, tương đương với 1,02% GDP Việt Nam hiện tại. Có nghĩa là sẽ có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ nếu có thể tăng được giá trị nội địa hóa của ngành này.

CASE ước tính, tỷ lệ nội địa hóa có thể tăng từ mức 45% ở hiện tại tới gần 80% vào 2050 đối với điện mặt trời, và từ 37% ở hiện tại lên đến 55% vào 2050 đối với điện gió.

Đề xuất công cụ chính sách LCR

Bài toán là làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam chiếm được phần trong miếng bánh hấp dẫn. Câu trả lời có thể nằm ở việc đưa ra các yêu cầu hàm lượng nội địa (LCR - Local Content Requirements) – tức các quy tắc buộc các dự án điện gió, điện mặt trời phải sử dụng một mức tối thiểu hàng hóa hoặc dịch vụ trong nước.

Theo đại diện CASE, hiện nay 124 nước có những chính sách để thúc đẩy nội địa hóa cho năng lượng tái tạo, trong đó có khoảng 14 nước đưa ra yêu cầu nội địa hóa bắt buộc, đồng nghĩa với việc chỉ những dự án đạt được một tỷ lệ phần trăm nội địa nhất định (khoảng 20-60%) mới được hưởng các cơ chế ưu đãi.

Tuy nhiên, áp dụng quy định về LCR trong năng lượng tái tạo là một điều lắt léo. Thế giới đã có những thảo luận gay gắt và cả những vụ tranh chấp đình đám về việc các nước áp dụng quy định LCR gây ra mâu thuẫn với các quy định cạnh tranh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những nước nước phát triển như Mỹ nói rằng LCR khiến cho doanh nghiệp của họ bị cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp địa phương khi đầu tư vào các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, các nước ủng hộ quy định LCR, chủ yếu là các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia lập luận rằng yêu cầu này là cần thiết để họ nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch, góp phần giải quyết vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu mà thế giới đã cam kết trong các thỏa thuận môi trường toàn cầu gần đây như Thỏa thuận Paris, Net-Zero.

Vì WTO đại diện cho thương mại tự do và sẽ loại bỏ tất cả các rào cản tương tự, nó nghiễm nhiên chống lại việc làm cho các quy tắc thương mại hiện hành trở nên phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu bảo vệ hợp pháp khác của Nhà nước.

Áp dụng LCR trong bối cảnh WTO là điều không dễ dàng, mặc dù một số nước vẫn đang cố gắng tận dụng các ngoại lệ của quy tắc WTO để tìm cách sử dụng "ngầm" LCR, dù phạm vi làm được của họ tương đối hạn chế.

Tại diễn đàn của Việt Nam, hầu hết các diễn giả đến từ hiệp hội công nghiệp phụ trợ, hiệp hội doanh nghiệp năng lượng tái tạo và những doanh nghiệp nội lớn đang tham gia vào các dự án điện gió, điện mặt trời đều tỏ ra ủng hộ Chính phủ có bước tiến mạnh hơn để thúc đẩy nội địa hóa ngành năng lượng tái tạo.

Mặc dù những ý định về áp dụng tỷ lệ nội địa hóa LCR mới được nêu ra trong diễn đàn, một vài doanh nghiệp Việt đã ra tỏ ra hứng thú. Họ tin rằng mình có thể tham gia và làm tốt một số phân khúc giá trị cao hơn trong ngành nếu được trao cơ hội.

Bà Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, nhận xét: “Nếu chính phủ không quyết liệt mà để cho bàn tay vô hình của thị trường vận hành thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không chia phần cho các doanh nghiệp nội địa tham gia ở những công đoạn có giá trị cao. Chúng ta sẽ không có thị phần, và khi không có thị phần thì dù doanh nghiệp Việt Nam có thể tự nghiên cứu ra được công nghệ để làm những cái đó thì cũng không doanh nghiệp nào đầu tư làm.”
Tiềm năng thị trường của điện gió và điện mặt trời Việt Nam. Theo ước tính, Giai đoạn 2025-2050, giá trị nội địa hóa ~ 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường
Tiềm năng thị trường của điện gió và điện mặt trời Việt Nam. Theo ước tính, giai đoạn 2025-2050, giá trị nội địa hóa ~ 80 tỷ USD, chiếm 50% tổng tiềm năng thị trường. Ảnh: Vũ Chi Mai/CASE

Các doanh nghiệp tiên phong như Vũ Phong Energy Group (điện mặt trời) hay Tổng công ty Ba Son (cầu cảng, đóng tàu, mới dấn thân vào sản xuất trụ điện gió) nói rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa có những chính sách rõ ràng về nội địa hóa cho ngành năng lượng tái tạo, họ vẫn đang cố gắng xây dựng lõi năng lực bằng cách làm cho các dự án ở nước ngoài như Campuchia, Indonesia, Đức...

"Chúng tôi cần chuẩn bị cho việc tham gia vào những công đoạn sản xuất có giá trị cao hơn tại Việt Nam trong tương lai", ông Đinh Văn Quân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son, chia sẻ.

Bài học của Indonesia về áp dụng tỷ lệ nội địa hóa

Nếu đưa ra và thúc đẩy gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ cần lộ trình lâu dài và rất nhiều chính sách hỗ trợ.

Bà Vũ Chi Mai nói rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy để có thể triển khai LCR thành công đòi hỏi 3 yếu tố: tài chính, lực lượng lao động lành nghề, và quy mô thị trường. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có được yếu tố thứ ba là thị trường và cần làm rất nhiều để thúc đẩy hai yếu tố đầu.

Chia sẻ bài học xương máu của Indonesia khi áp dụng LCR vài năm qua, ông Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành Viện cải cách dịch vụ thiết yếu (IESR), cho biết Indonesia muốn sản xuất các tấm quang năng trong nước vì thị trường của ngành này rất lớn, ước đạt 7 tỷ USD. Nhưng lúc đó tỷ lệ nội địa hóa cao nhất của họ mới chỉ đạt 47,5%. Một số thành phần, linh kiện lõi vẫn phải nhập khẩu. Chính phủ Indonesia đặt ra tham vọng nâng tỷ lệ nội địa hóa này lên 60% trong vòng 3 năm (2019-2021).

Song do các tấm quang năng sản xuất tại Indonesia có chất lượng chưa tốt và có giá cao hơn 20% so với nhập khẩu, các nhà sản xuất nội địa có chất lượng thấp, dù đã được LCR mở đường, vẫn không đủ điều kiện tham gia các dự án điện mặt trời quy mô lớn của quốc gia. Điều này có thể khiến cho thị phần của các doanh nghiệp Indonesia bị thu hẹp đáng kể.

Năm 2022, các doanh nghiệp trong Hiệp hội các nhà sản xuất tấm quang năng Indonesia cho biết đã cung ứng 0,6 GWp, chiếm khoảng 38% tổng công suất mới. Nhưng vào đầu năm 2023, con số này chỉ còn 5%. Phần lớn các nhà sản xuất nội địa đều phải giảm công suất.

Theo ông Tumiwa, bài học của Indonesia là "khi yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa tăng quá cao và quá nhanh trong một thời gian ngắn, nó sẽ gây hại". Nếu đưa ra công cụ chính sách LCR, chính phủ cần phải có hỗ trợ cả về tài chính và phi tài chính cho các doanh nghiệp nội địa.

bài học khuyến nghị của Indonesia khi đưa ra Yêu cầu Hàm lượng Nội địa (LCR - Local Content Requirements). Ảnh: Fabby Tumiwa/ IESR
Bài học khuyến nghị của Indonesia khi đưa ra Yêu cầu Hàm lượng Nội địa (LCR - Local Content Requirements). Ảnh: Fabby Tumiwa/ IESR

Ông gợi ý, giai đoạn đầu, với năng lực công nghệ hiện tại, chính phủ có thể cho miễn áp dụng quy định LCR đối với các dự án chương trình trọng điểm quốc gia và trợ cấp lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất mới.

Khi năng lực công nghệ tăng lên mức trung bình, chính phủ có thể loại bỏ các quy định miễn áp dụng LCR, tăng tỷ lệ LCR theo thời gian, và vẫn duy trì chính sách hỗ trợ lãi suất nếu thấy phù hợp.

Cuối cùng, khi chuỗi cung ứng trong nước trở nên ổn định và mạnh mẽ, chính phủ có thể tiếp tục tăng LCR và loại bỏ hoàn toàn các quy định miễn áp dụng LCR và tất cả các chính sách hỗ trợ khác cho các nhà sản xuất trong nước.