Việc nhân giống hồng Hạc Trì bằng công nghệ nuôi cấy mô tuy khả thi về mặt kỹ thuật nhưng lại không hiệu quả về mặt kinh tế.

Trong bài viết “Hồng Hạc Trì, Gia Thanh ngon nhưng hiếm” đăng trên báo Khoa học và Phát triển số 10/2017 (ra ngày 9/3), ông Lê Văn Ngữ - người dân trồng hồng ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ - đề xuất một giải pháp cho bài toán khó về nhân giống hồng Hạc Trì, đó là áp dụng công nghệ nuôi cấy mô. Ông Ngữ và nhiều người trồng hồng mong có công nghệ này để cây đặc sản tránh được nguy cơ mất giống và trở thành cây kinh tế, thay vì thu hoạch chỉ đủ ăn và biếu như hiện nay.

Nuôi cấy mô tại Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Viện Ứng dụng công nghệ. Ảnh: Loan Lê

Báo Khoa học và Phát triển đã trao đổi vấn đề này với tiến sỹ (TS) Nguyễn Văn Thiệp - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học và Bảo vệ thực vật - Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía bắc, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - về vấn đề này. TS Thiệp cho biết: “Về nguyên tắc, nghiên cứu nuôi cấy mô để làm ra cây con mà vẫn giữ nguyên được các gene tốt của cây hồng Hạc Trì là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Nếu nhận được đặt hàng, chúng tôi cần phải hoàn thiện kỹ thuật nhân giống rồi mới đi vào sản xuất đại trà. Thực tế trước đó, viện đã thực hiện nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với cây hồng có sẵn ở viện là hồng Thạch Thất. Tuy nhiên, cây hồng vốn là loài tương đối khó nhân giống và mỗi giống cây lại yêu cầu một môi trường dinh dưỡng, điều kiện tối ưu khác nhau để nuôi cấy”.

Cũng theo ông Thiệp, giải pháp nuôi cây mô chỉ khả thi nếu đơn đặt hàng lên tới hàng vạn cây, còn nếu số lượng ít thì chi phí sẽ rất cao, khó có thể bán cho người dân, còn nếu bán giá thấp sẽ không đủ bù chi phí. Đặc tính của hồng Hạc Trì cũng như nhiều cây đặc sản khác chỉ cho chất lượng tốt nhất khi được trồng ở vùng có đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp. Với diện tích có thể trồng hồng Hạc Trì cho vài trăm hécta, số lượng cây giống cần sẽ rất ít. Do vậy, nhân giống hồng Hạc Trì bằng công nghệ nuôi cấy mô tuy khả thi về mặt kỹ thuật nhưng lại không hiệu quả về mặt kinh tế.

TS Nguyễn Văn Thiệp cũng cho biết, hiện nay có 2 phương pháp nhân giống đang được sử dụng phổ biến là ghép và bật từ rễ lên. Trong đó, phương pháp bật từ rễ sẽ giúp cây con giữ được tính trạng của cây mẹ, nhưng có nhược điểm là hệ số nhân giống thấp. Riêng phương pháp ghép không áp dụng hiệu quả với hồng Hạc Trì.

Với nỗi lo của người dân Phú Thọ rằng cây hồng Hạc Trì có thể mất giống bởi khi khó nhân giống, không trở thành cây kinh tế, dân sẽ dần dần không trồng nữa, TS Thiệp cho rằng điều này khó xảy ra bởi: “Năm ngoái đã có khoảng 200 cây con được trồng bằng cả cách ghép và bật rễ được trồng trên địa bàn tỉnh”.