Mỗi lần xả nước bồn cầu cần từ 6 đến 15 lít nước, trung bình một người/ngày sử dụng hơn 100 lít nước. Như vậy, mỗi người sẽ tiêu tốn hàng chục nghìn lít nước/năm cho nhu cầu vệ sinh.

TS Trịnh Văn Tuyên - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường - cho biết: Nhà vệ sinh không dùng nước (Bio-Toilet) sử dụng các vi sinh vật hiếu khí để phân hủy chất thải bằng khí CO2 và hơi nước, sử dụng than cácbon hóa tre để làm giá thể bám dính vi sinh vật, đồng thời giúp khử mùi. Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, chỉ cần nhấn côngtắc, hệ thống đảo trộn sẽ đảo và trộn đều để phân, nước tiểu trong bể chứa vi sinh, than cácbon mùn cưa và vi sinh sẽ xử lý chất thải.

Nhà vệ sinh không dùng nước đang thử nghiệm trên tàu hỏa. Ảnh: Xuân Hùng
Nhà vệ sinh không dùng nước đang thử nghiệm trên tàu hỏa. Ảnh: Xuân Hùng

Bio-Toilet lắp đặt trong thời gian ngắn, di chuyển dễ dàng và rất phù hợp với những địa điểm khan hiếm nguồn nước như nơi tổ chức sự kiện, trên tàu hỏa, tàu thủy. Với nhiều gia đình thiếu thời gian chăm sóc người già, việc sử dụng bồn cầu Bio-Toilet mang lại nhiều lợi ích. Ông Tuyên chia sẻ, nhà vệ sinh sẽ được thiết kế như ghế sofa, người già chỉ cần lật ga đệm là có thể đi vệ sinh.

Ngoài ra, TS Tuyên còn thử nghiệm thêm hai mô hình. Một là, dùng chế độ cơ học, tức là không dùng điện mà dùng sức người để đảo trộn đều giá thể vi sinh. Trong lúc đang rửa tay sau khi đi vệ sinh, có thể đạp chân một cách nhẹ nhàng để vận hành hệ thống đảo trộn. Hai là, dùng năng lượng tạo gió để chuyển động hệ thống đảo trộn, thay vì đạp chân như mô hình thứ nhất.

Chi phí để xây dựng nhà vệ sinh - theo ông Tuyên, khoảng 120 triệu đồng, nhưng nếu áp dụng ở khu vực nông thôn thì có thể rẻ hơn do cabin làm bằng gạch. “Chúng tôi đang tìm cách giảm chi phí xuống còn 30 triệu bằng cách đơn giản hóa một số chi tiết” - ông Tuyên cho biết.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Bio- Toilet thực tế cho thấy một số bất tiện. Khi lau chùi nhà vệ sinh, nếu người dùng vô ý đổ nước vào, hoặc mái nhà vệ sinh bị thủng, nước mưa rơi vào bồn cầu sẽ ảnh hưởng đến giá thể vi sinh. Để khắc phục, ông Tuyên đã phải xây dựng một hệ thống xử lý nước sự cố, đang thử nghiệm trên các đoàn tàu hỏa.

Ông Trần Văn Khang - Giám đốc Cty cổ phần Đông Bình, doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng dệt - may - cho biết: Cty ông có gần 500 lao động, chủ yếu là nữ, mỗi ngày sử dụng khoảng 50m3 nước, với đơn giá 5.300 đồng/m3, số tiền phải chi trả là gần 300.000 đồng/ngày.

Ông Khang rất tâm đắc với mô hình Bio-Toilet này, bởi đây là giải pháp có thể giúp ông tiết kiệm được ít nhất 2/3 số tiền nước hiện nay.