Bốn năm đặt chân vào xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, NextFarm đã phát triển nhiều giải pháp cho những cây trồng có giá trị cao như dâu tây, dưa lưới, cam... Gần đây, NextFarm cũng bắt tay vào việc phát triển giải pháp cho chăn nuôi mà đối tượng trước hết là gà và lợn.

Nhiều tiềm năng nhưng khó thành công

Ở thời điểm năm 2019 khi bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Trần Quang Cường- nhà sáng lập của NextFarm, chỉ là một kỹ sư phần mềm khát khao khởi nghiệp. “Chúng tôi muốn làm gì đó và quyết định chọn lĩnh vực nông nghiệp. Sau này nhìn lại thì thấy: đúng là không biết gì mới chọn làm nông nghiệp, vì vất vả quá, đầu tư lớn, thuyết phục khách khó. Cái đúng là chúng tôi chọn được lĩnh vực đầy tiềm năng” – anh Trần Quang Cường nhớ lại về thời điểm bắt đầu của NextFarm khi chọn phát triển các giải pháp thông minh cho cây trồng có giá trị kinh tế cao như dâu tây, dưa lưới,…


Phân tích thị trường thời điểm ấy, NextFarm thấy rằng, có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nhưng sau một thời gian là bỏ. Anh Cường nói: “Nếu doanh nghiệp có thể kiếm lợi từ chỗ khác dễ dàng hơn, họ dễ từ bỏ. Chúng tôi thì không còn đường nào khác nên phải tiến lên. Ngay từ đầu chúng tôi xác định một chiến lược phát triển 5-10 năm, 5 năm đạt điểm hòa vốn và 10 năm đạt điểm sinh lời”.

Sản phẩm đầu tiên của NextFarm là hệ thống tập hợp dữ liệu và cảnh báo sớm. Chọn phát triển cùng lúc cả hệ thống phần cứng và phần mềm, hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu đo độ pH, độ dẫn điện trong đất EC, độ ẩm không khí, độ ẩm trong đất. Xác định là vậy nhưng từ ban đầu, với một đội ngũ ‘lung tung lắm” – như phần tự nhận xét của anh Trần Quang Cường, do nhân lực đều là đội ngũ thuê bên ngoài.

Vận hành tưới cây tự động tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt tại Đầm Hà, Quảng Ninh.

Cái khó là đội ngũ này không hiểu được hết sản phẩm mà làm đúng ý tưởng, nên một thời gian ngắn thấy không ăn thua, NextFarm lại tuyển một đội ngũ mới. Lần thứ hai, sản phẩm vẫn không như ý. “Khách hàng đầu tiên của chúng tôi là Viettel. Nhu cầu thì có nhưng các thử nghiệm ban đầu đều thất bại, kết quả không được như yêu cầu. Tất nhiên, chúng tôi không thể mang nó lắp vào hệ thống của khách hàng” – anh Cường nói. Anh Cường hiểu rằng mình cần có một đội ngũ khác và quyết định anh quay về ĐH Bách khoa Hà Nội – trường đại học của mình để tìm kiếm nhân lực. May mắn thay, những người bạn học cũ của anh Cường cũng đang nghiên cứu một vài giải pháp tương tự thứ anh tìm kiếm. Vậy là tất cả cùng tập trung vào làm.

Nhưng thời điểm ấy, NextFarm chưa có gì trong tay, còn Viettel lại có đủ tiềm lực để tìm kiếm những đối tác tiềm năng hơn thế. Anh Cường giải thích: “Có lẽ vì tác phong làm việc nhanh gọn, chúng tôi thường đi xe đêm xuống địa phương để sáng hôm sau có mặt làm việc với nông dân, làm xong là lên xe về làm tiếp. Sự quyết liệt và cần mẫn ấy có lẽ khiến các lãnh đạo Viettel tin chúng tôi sẽ giải quyết được bài toán khó về mặt kỹ thuật của họ”.

Quả thật, bên cạnh giải pháp tập hợp dữ liệu và cảnh báo sớm, Viettel cũng yêu cầu dữ liệu thu được phải truyền không dây tới các trạm truyền thanh cách đó 1km. Trước đó, việc truyền dữ liệu chủ yếu chỉ thực hiện trong phạm vi một nhà màng, ở khoảng cách xa như thế không dễ dàng. Nếu nhận giải pháp này, NextFarm sẽ có cơ hội xoay chuyển tình thế, có tiền để tái đầu tư. Theo đó, dữ liệu thu được từ hệ thống cảnh báo, phát thanh viên sẽ dễ dàng xử lý thông tin và thông tin tới bà con qua mạng internet với phần mềm được lập trình sẵn, lưu trữ file ghi âm trên Cloud, điện toán đám mây…

Sự thành công của dự án này khiến Viettel tiếp tục đặt hàng NextFarm phát triển giải pháp châm phân dinh dưỡng tự động. Với các loại cây như dâu tây, dưa kim hoàng hậu… do thời gian sinh trưởng ngắn, nên việc tìm ra được chế độ tưới nước và bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển sẽ mang lại sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Trong đội ngũ của NextFarm, bên cạnh một kỹ sư nông nghiệp, các thành viên khác dù làm kỹ thuật nhưng quá trình làm việc với người làm nông cũng giúp họ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chăm bón cho từng loại cây. “Chúng tôi mất tới hai năm để xây dựng hệ thống lõi “thu thập dữ liệu và điều khiển” cùng với một công thức chung phục vụ việc tính toán dinh dưỡng và nước. Mỗi loại cây lại có nhiều loại giống, mỗi loại giống ở từng giai đoạn sinh trưởng sẽ cần một công thức tưới chăm bón riêng” – anh Cường nói. Đơn cử, nếu trồng 1ha dâu, người dân sẽ nhập lượng đầu vào cây con một tháng tuổi, với chủng loại phân bón, hệ thống sẽ tự động tính toán lượng phân cho từng thời điểm để có được sản lượng tốt nhất và chất lượng cao nhất.
Vừa làm vừa quan sát thị trường
Hiệu quả của NextFarm đã thuyết phục được anh Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Điền Trạch, Thanh Hóa chi ra 200 triệu đồng đầu tư hệ thống điều tiết dinh dưỡng hoạt động trên nền tảng IoT cho khu trồng dưa kim hoàng hậu. Hệ thống có thể điều khiển tại chỗ, trên máy tính hoặc qua điện thoại thông minh có kết nối internet. Với mỗi loại thời tiết khác nhau, từng giống cây và loại cây khác nhau, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh một hệ thống tưới nước và dinh dưỡng phù hợp. Giải thích kỹ hơn về lý do, anh Tùng chia sẻ: “Muốn sản phẩm ổn định thì lượng nước và phân bón phải đủ. Dưa kim hoàng hậu là giống ngắn ngày nên nếu có giai đoạn nào đó việc điều tiết không chính xác, người trồng không có cơ hội sửa sai”. Hệ thống này được xem là lựa chọn cho khu vườn có thể mang doanh thu hàng chục triệu trên mỗi sào.

Theo anh Trần Quang Cường, việc NextFarm có hơn 1000 khách hàng trải khắp từ Bắc vào Nam là nhờ hiệu quả của việc người nông dân có thể mắt thấy tay sờ. “Có những người nông dân quan sát, hỏi han về sản phẩm của chúng tôi tới hai năm mới quyết định mua sản phẩm bởi cứ 2-3 tháng, bác nông dân ấy lại đến tận vườn của người bạn gần nhà để xem, sản phẩm có hiệu quả không, có bền không?”, anh Cường nhớ về một trong những khách hàng ở Quảng Ninh mới chốt đơn đặt hàng vào cuối năm 2021.

Hiện khách hàng lớn nhất của họ là những khu nông nghiệp công nghệ cao, hay các dự án nông nghiệp của Viettel ở Việt Nam, Myanmar, Campuchia, nhỏ nhất là các hộ gia đình với vài sào canh tác.

“Ban đầu chúng tôi xác định rõ phát triển cả phần cứng và phần mềm, bởi bộ điều khiển là phải làm chủ, để còn tùy biến linh hoạt. Hệ thống phần cứng như đường ống nước, hệ thống phun tưới được học hỏi từ những khu vườn của Israel mà chúng tôi có cơ hội thăm quan và thiết kế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đầu cảm ứng (sensor) thì nhập từ bên thứ ba” – anh Cường nói thêm. Sự linh hoạt trong quá trình phát triển sản phẩm giúp NextFarm trong bốn năm phát triển được bảy giải pháp cho các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Nhà sáng lập của NextFarm tự hào nói, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, hai năm qua, startup này vẫn tăng trưởng đều đặn. Những tháng cuối năm 2021 họ đã triển khai dịch vụ cho từ 200 -300 khách hàng. Nhờ vậy, NextFarm chưa phải tính đến chuyện gọi vốn, doanh thu vẫn đủ cho việc tái đầu tư.

Bốn năm lăn lộn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà sáng lập NextFarm thừa nhận phần nào thấu hiểu và càng yêu thích thêm lĩnh vực này. “Làm sao để biết được sản phẩm này có cần thiết với người nông dân không ư? Hãy nhìn việc họ có chịu chi tiền. Nếu họ bảo “tôi cần đấy nhưng chưa có tiền” nghĩa là họ không cần” – anh Cường vừa cười vừa nói. Khẳng định việc bán hàng cho nông dân là khó nhất, nên để đi vào địa hạt khó ấy, sự thấu hiểu về từng thời điểm của sản phẩm lại càng quan trọng. “Cái này là cảm nhận từ việc quan sát trong nhiều năm” – anh Cường giải thích. Mỗi sản phẩm đều có một thời điểm phù hợp. Ví dụ thời điểm bây giờ người dân ở Sơn La, Mộc Châu đang thu hoạch dâu tây, nghĩa là họ không cần tới các giải pháp của NextFarm nhưng ở miền Trung khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, người trồng cam đã gần thu hoạch xong và cần các giải pháp tưới vì mùa hè sắp tới. “Phải biết mọi người trồng gì và ở đâu mới biết thời điểm này họ có cần chúng tôi. Sự hiểu ấy khiến chúng tôi bán sản phẩm trực tiếp là chính, không cần quảng cáo nhiều. Nông dân là người giới thiệu tốt nhất”- anh Cường nói.

Khi các giải pháp trồng trọt đã đủ cho những cây trồng có giá trị cao như dâu tây, dưa lưới, cam… NextFarm cũng bắt tay vào việc phát triển giải pháp cho chăn nuôi mà đối tượng trước hết là gà và lợn. Từ lõi công nghệ ‘thu thập và phân tích dữ liệu’, NextFarm nhanh chóng phát triển được hệ thống cho ăn tự động và thu trứng tự động. NextFarm đang tiếp tục phát triển công nghệ nhận biết tình trạng sức khỏe của lợn để có thể ra mắt bộ giải pháp cho lĩnh vực chăn nuôi lợn trong năm 2022.

Dù đã triển khai giải pháp cho 40-50 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo yêu cầu nhưng NextFarm vẫn làm với tâm thế, vừa làm vừa quan sát thị trường vừa phát triển công nghệ. “Vấn đề thời điểm rất quan trọng. Tôi cần quan sát để biết thị trường đã sẵn sàng chưa. NextFarm sẽ không phải là người dẫn đầu, chúng tôi có thể là người thứ ba, thứ tư trong thị trường này” – Anh Cường nói. Việc quan sát đủ kỹ và kinh nghiệm có được trong ngành trồng trọt, khiên NextFarm tin, họ sẽ chọn được thời điểm thích hợp để đặt cả hai chân vào địa hạt đầy tiềm năng này.