Trong tương lai, những chiếc máy bay của NASA sẽ có thể sử dụng động cơ điện lai ghép.
Những kỹ sư tại NASA đang làm việc với mục tiêu loại bỏ dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch cho máy bay. Thay thế động cơ mới không phải là vô vọng nhưng nó đòi hỏi phải thay đổi quy trình chế tạo máy bay.
Tại hội nghị SciTech 2016, California, NASA đã trình diễn các kết quả nghiên cứu lực đẩy mới nhất của mình.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Glenn, Ohio đang thử nghiệm hệ thống lực đẩy mới nhằm thay thế hoặc bổ trợ cho động cơ phản lực hiện nay.
Tuy nhiên, trên thực tế mọi chuyện không đơn giản. Quản lý dự án Công nghệ vận tải tiên tiến của NASA, ông Jim Heidmann cho biết:
“Để thay thế hệ thống hiện tại đòi hỏi việc thiết kế lại máy bay cũng như hệ thống lực đẩy nhằm tích hợp các phần tử máy móc điện từ và nguồn năng lượng với những động cơ hiệu suất cao hơn.”
Một trong những thách thức là giảm thiểu khối lượng hệ thống điện và tăng hiệu suất. Các kỹ sư cũng tìm kiếm cách thức sử dụng tài nguyên hiện có với hy vọng có thể cải tiến động cơ, máy phát và các chi tiết bán dẫn tốt hơn.
Kỹ sư Amy Jankovsky tiết lộ rằng nghiên cứu của họ còn nhằm tích hợp hiệu quả các thành phần mới và nhẹ hơn trên máy bay nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.
Mục tiêu chính của dự án là giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, tiến tới giảm ô nhiễm môi trường và giảm tiếng ồn.
Tuy rằng việc nghiên cứu sử dụng động cơ điện cho máy bay đã có từ những năm 1970 nhưng không có nhiều thành công. Hiện nay, công nghệ pin năng lượng mới cho phép hiện thực hóa ý tưởng trên.
Năm 2014, Airbus đã thử nghiệm thành công máy bay 'E-fan' chạy bằng động cơ điện với hai chỗ ngồi. Tuy nhiên thời gian bay chỉ kéo dài hơn một giờ đồng hồ.
NASA kỳ vọng sẽ có thể làm tốt hơn thế bằng cách sử dụng động cơ lai ghép cho phép tăng hiệu suất nhiên liệu lên 30%.
Chủ nhiệm kỹ thuật Cheryl Bowman cho rằng nghiên cứu của NASA sẽ đặt nền móng cho việc sản xuất máy bay thế hệ mới tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.
Với hơn 700 triệu hành khách mỗi năm tại Mỹ, tầm ảnh hưởng của công nghệ này là rất lớn đối với việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Soha