Nhà máy Boeing ở Mỹ khiến mọi khách tham quan choáng ngợp trước độ rộng lớn và quy mô của dây chuyền sản xuất máy bay.

Cơ sở sản xuất máy bay Boeing ở Everett, Washington, là nguồn cung cấp máy bay thương mại lớn nhất ở Mỹ và tòa nhà lớn nhất thế giới, theoOxpic.
Cơ sở sản xuất máy bay Boeing ở Everett, Washington, là nguồn cung cấp máy bay thương mại lớn nhất ở Mỹ và tòa nhà lớn nhất thế giới, theoOxpic.

Trải rộng trên diện tích gần 40,5 hecta, tương đương 50 sân bóng đá hoặc một thị trấn, độ rộng lớn của nhà máy rất khó hình dung cho đến khi khách tham quan lái xe qua cổng vào chính.

Được xây dựng năm 1967 để sản xuất máy bay 747, nhà máy có thể tích 13 triệu m3, đủ lớn để chứa vừa cung điện Versailles hoặc công viên Disneyland ở Florida. Nhà máy cho ra đời khoảng 50 mẫu máy bay mỗi tháng, bao gồm máy bay có hai lối đi giữa các hàng ghế mới nhất, 787 Dreamliner và 747-8.

Khi tới nơi, khách tham quan phải trải qua thủ tục kiểm tra kỹ lưỡng, đồng thời tuân thủ điều kiện ra vào: không chụp ảnh, không chia sẻ trên mạng xã hội và không đi lang thang.

Hơn 30.000 công nhân làm việc tại nhà máy. Do không gian quá rộng lớn, họ không đi bộ từ nơi này tới nơi khác mà sử dụng một số lựa chọn bao gồm 2.000 xe điện hai bánh, 2.000 xe đạp ba bánh và 2.000 xe xích lô.

Khách tham quan được chở đi khắp nhà máy trên một phương tiện lắp động cơ rất giống xe di chuyển trong sân golf và mất 20 phút để đi từ một đầu của dây chuyền sản xuất tới đầu còn lại. Một đường ray lớn màu vàng chạy dọc trần nhà đóng vai trò như một băng chuyền công nghiệp phía trên đỉnh đầu.

Các bộ phận máy bay được sản xuất từ 10 nước khác nhau, bao gồm Nhật Bản, Italy và Thụy Sĩ, có nghĩa mỗi chiếc máy bay là sản phẩm tổng hợp công nghệ hiện đại trên toàn cầu.

Sau khi tất cả bộ phận cần thiết được chuyển tới Everett, công việc thực sự bắt đầu. Đầu tiên là thân máy bay được lắp ngược từ dưới lên. Một chiếc bơm thủy lực nằm ngang giữ thân máy bay nằm vững trên cao. Khi nửa dưới thân máy bay hoàn thiện, bộ phận có thể được lật lại để công nhân chế tạo nốt nửa thân trên còn lại.

Làm xong thân máy bay, công nhân lắp hai cánh cùng phần đuôi đứng và đuôi ngang. Tiếp theo, họ lắp bộ phận hạ cánh và thiết bị điện phụ trợ để cung cấp điện cho máy bay ngay cả khi động cơ ngừng hoạt động.

Sau đó, công nhân lắp tiếp ghế hành khách, hệ thống thông gió, nội thất trong khoang chở khách và buồng lái trước khi đưa vào máy bay bộ phận đắt giá nhất là động cơ Rolls Royce. Toàn bộ máy bay được bao phủ bằng sơn chống thấm.

Hoạt động suốt 24 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu, nhà máy đóng cửa vào hai ngày cuối tuần để nhân viên dành thời gian bên gia đình. Chỉ khi có khả năng không kịp hạn giao hàng, công nhân có thể cần làm thêm thứ Bảy hoặc Chủ nhật.

Trong nhà máy có một trung tâm trông trẻ ban ngày, một nhà hàng, 5 cửa hàng cà phê và khu vực để ngủ nếu mọi người cần chợp mắt, sở cứu hỏa, lực lượng cảnh sát có chó nghiệp vụ riêng, dịch vụ giặt khô, khu tập gym và bác sĩ túc trực tại chỗ.