Ngoài sự kết hợp công nghệ thủy canh và trồng rau hữu cơ, mô hình của ThS Trần Văn Hải thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam còn có ưu điểm nổi bật là mức độ tự động hóa cao. Sau bước gieo trồng ban đầu, chủ nhân chỉ việc chờ thu hoạch.

Tự động, tuần hoàn và khép kín

Ở Techmart Hanoi 2016 mới đây, gian hàng giới thiệu mô hình trồng rau tại gia của ThS Trần Văn Hải - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - thu hút nhiều người, đặc biệt là cư dân đô thị bởi màu xanh mơn mởn của những cây rau, hay nét sặc sỡ của những quả ớt chín đỏ. Đó là mô hình Vườn hữu cơ có kỹ thuật canh tác tự động, tuần hoàn và khép kín, giúp cung cấp đủ dinh dưỡng, cách ly với nguồn sâu bệnh, nước ô nhiễm.

Chia sẻ ý tưởng nghiên cứu của mình, ThS Hải nói: “Hiện nay các gia đình thành thị thường dùng hộp xốp hay khay nhựa, đổ đất vào để rồng rau. Đất trong hộp xốp, khay nhựa rất nhanh bị chai cứng, thiếu chất dinh dưỡng nuôi cây. Đặc biệt là với cách trồng này, việc tưới cây gặp nhiều bất tiện”.

Trước đó, ThS Hải được cơ quan giao nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh. Ông nhận thấy nhu cầu của người dân đô thị về các công nghệ trồng rau sạch ngày càng cao, nhưng công nghệ thủy canh vẫn còn điểm yếu: Người sử dụng bị phụ thuộc nhà cung cấp về dinh dưỡng, cây giống (nếu mua dinh dưỡng và giống ở nơi khác, cây không đảm bảo phát triển tốt), chi phí vận hành hệ thống không rẻ…

Mô hình trồng rau của ThS Trần Văn Hải được giới thiệu tại Techmart Hanoi 2016.
Ảnh: Châu Long

Từ thực tế đó, năm 2014 ông bắt tay vào nghiên cứu kết hợp công nghệ thủy canh và phương pháp trồng rau hữu cơ, đến năm 2015 thì hoàn thiện công nghệ.

Với mô hình Vườn hữu cơ, việc trồng rau không cần sử dụng đất mà trồng trực tiếp vào giá thể hữu cơ. Các giá thể đã được xử lý nấm bệnh; các vi sinh vật đã phân hủy, chuyển hóa chất hữu cơ sang dạng cây trồng dễ hấp thụ. Điều đặc biệt là các giá thể hữu cơ này càng để lâu càng hoai mục, làm tăng độ tơi xốp.

“Mô hình Vườn hữu cơ hoạt động theo nguyên tắc tự động, tuần hoàn, khép kín; quy trình sử dụng rất đơn giản, ai cũng làm được. Người sử dụng chỉ cần gieo hạt và cấy cây giống, còn việc chăm sóc cây sau đó do hệ thống thực hiện hoàn toàn tự động” - ThS Hải nói.

Mô hình trồng rau thủy canh - hữu cơ bao gồm 5 hệ thống hộp kích thước 40x60cm, liên kết với nhau bằng hệ thống ống nối. Các ống nối này đảm bảo cho dung dịch dinh dưỡng tuần hoàn qua các module để nuôi cây trước khi quay trở lại bình chứa. Hệ thống đóng - mở điện tự động sẽ điều chỉnh thời gian và số lần bơm dinh dưỡng trong ngày. Các máy bơm - có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng nuôi cây, bơm nước làm mát cho cây - được kết nối với hệ thống cài đặt giờ tự động để hoạt động đúng thời điểm định sẵn.

Theo ThS Hải, chi phí đầu tư để duy trì sự hoạt động của hệ thống chỉ khoảng 30.000-50.000 đồng mỗi tháng (gồm tiền điện, nước, giống) - thấp hơn nhiều so với tiền mua rau sạch. Người dùng có thể mua giống hay dinh dưỡng nuôi cây ở bất cứ nơi nào họ muốn thay vì phải mua của nhà cung cấp mô hình, miễn là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Do không phải làm đất, chu kỳ sản xuất được rút ngắn, nếu sản xuất lớn sẽ giảm mạnh chi phí vận hành và nhân công.

Giải pháp cho vùng ít đất, khan nước

Đánh giá mô hình này, Hội đồng Tư vấn khoa học của Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam khẳng định: “Đây là một sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao và hết sức thiết thực với người dân. Độ thẩm mỹ cao, tạo không gian xanh sống động và tinh tế, công nghệ được hoàn thiện gần như tối ưu”.

Bà Trịnh Ngọc Linh - khu đô thị Hà Nội Garden City, một khách hàng sử dụng mô hình trồng rau này - cho biết: “Từ khi trồng rau bằng mô hình thủy canh hữu cơ, tôi có thể đi du lịch nửa tháng mà khi về vẫn có rau ăn tươi ngon. Với công nghệ này, tôi không tốn nhiều công chăm sóc mà rau phát triển khá nhanh, ăn không kịp. Nếu so sánh với cách trồng rau trong hộp xốp trước đây thì hơn hẳn vì khi trồng kiểu cũ, nhà cửa không sạch, rau lên chậm và không ngon, bất tiện trong việc tưới”.


Theo ThS Trần Văn Hải, việc trồng rau trên mô hình này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, ít bị sâu bệnh do cây được chăm sóc tốt dẫn đến sức kháng bệnh cao. Không chỉ lý tưởng cho các gia đình đô thị muốn tự trồng rau sạch trên ban công, sân thượng, mô hình này còn phù hợp với vùng biển đảo hay vùng cao, nơi khan hiếm nước.

Hiện ông đã chuyển giao được hơn 50 hệ thống trồng rau thủy canh - hữu cơ cho các hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội với giá từ 3,5-5,3 triệu đồng. Hai tỉnh Thái Bình và Bến Tre cũng đã đặt hàng để chuyển giao công nghệ.