Nếu gặp phải tình cảnh máy tính sử dụng hệ điều hành Windows 10 bỗng dưng chạy chậm như “rùa bò”, không ít người sẽ cảm thấy khó chịu. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách cải thiện tốc độ của Windows 10 trên máy tính của bạn.
Khi sử dụng Windows 10, độ mượt mà đã nhanh hơn so với các phiên bản hệ điều hành trước đây của Microsoft. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng vì một lý do nào đó khiến cho nó khởi động chậm, chạy không được mượt mà như ban đầu… làm ảnh hưởng tới quá trình làm việc hay giải trí. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ một số mẹo tăng tốc giúp Windows 10 chạy “nhanh như gió”.
Tiền thân của Windows Defender là Microsoft AntiSpyware. Nó là sản phẩm phần mềm của Microsoft để phòng chống, gỡ bỏ và cô lập spyware trên hệ điều hành Windows. Phần mềm này có chức năng quét hệ thống như các phần mềm miễn phí khác trên thị trường. Tuy nhiên, nó cũng chính là nguyên nhân khiến máy tính của bạn chạy chậm.
Vì vậy, khi không cần dùng đến nó hoặc đã quen dùng ứng dụng Antivirus khác thì bạn nên tắt nó theo trình tự sau:
Bước 1: Mở Control Panel > Windows Defender hoặc nhấn chuột phải vào icon chương trình ở dưới góc phải màn hình > Open.
Bước 2: Chọn tiếp Settings ở phía góc trên phải giao diện Windows Defender.
Bước 3: Cửa sổ thiết lập tiếp theo hiển thị, có bao nhiêu tùy chọn On các bạn chuyển hết thành Off. Windows sẽ hiển thị thông báo, đồng thời hiển thị trạng thái của Windows Defender từ màu xanh hoặc vàng thành màu đỏ.
Phần lớn các tường lửa của bên thứ ba đều thông báo tình trạng tắt hay mở, nhưng với tường lửa Windows (Windows Firewall) bạn sẽ không thể nhận biết được tình trạng này. Hầu như tính năng này của Windows không giúp ích gì cho người dùng.
Do đó, bạn hãy tắt nó để đảm bảo máy của mình chạy mượt mà hơn. Cách thực hiện:
Bước 1: Mở Control Panel > Windows Firewall.
Bước 2: Trong phần thiết lập Turn Windows Firewall on or off, các bạn chọn Turn Off. Sau đó nhấn OK.
Tắt một số hiệu ứng đồ họa không cần thiết trên Windows 10 sẽ giúp máy tính của bạn chạy nhanh hơn nhưng không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm. Phương pháp tiến hành:
Bước 1: bấm chuột phải vào nền Desktop, chọn Personalize > chọn đến phần Colors.
Bước 2: Chuyển hết tùy chọn “Show color on Start, Taskbar and Action Center” và “Make Start, Taskbar, and Action Center Transparent” từ On thành Off.
Tắt tính năng sao lưu
System Restore là tính năng hệ thống tự tạo ra các điểm khôi phục của hệ thống. Nó giúp người dùng có thể khôi phục lại trạng thái của hệ thống trở về một thời điểm nào đó, trước khi có sự cố xảy ra.
Nếu không sử dụng chức năng System Restore, chúng ta cũng nên tắt nó để giải phóng bộ nhớ, dung lượng lưu trữ cũng như hạn chế các dịch vụ chạy ngầm của Windows 10.
Bước 1: nhấn chuột phải This PC > Properties > Advanced system settings > chọn tab System Protection, ở chế độ mặc định thì chế độ này đã được kích hoạt (Protection = On).
Bước 2: Nhấn nút Configure, cửa sổ tiếp theo hiện ra các bạn chọn Disable system protection để tắt chức năng System Restore. Sau đó, nhấn OK.
Thiết lập chế độ cho hiệu năng hoạt động tốt nhất
Tùy chọn này có từ thời Windows XP và hiện nay vẫn có thể áp dụng trên Windows 10. Với tùy chọn này, bạn có thể tắt các hiệu ứng, bóng mờ, xem trước ảnh trên toàn hệ thống.
Để tăng hiệu suất hoạt động của Windows 10, hãy làm theo các bước sau:
Bước 1: Mở System > Advanced system settings > Advanced > bấm nút Settings trong phần Performance.
Bước 2: Trong tùy chọn này, các bạn chuyển về Adjust for best performance.
Vô hiệu hóa các chương trình khởi động cùng Windows
Khi bạn tải về một phần mềm hay ứng dụng nào đó về máy, không ít ứng dụng sẽ tự động khởi động cùng hệ thống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho máy tính của bạn khởi động chậm hơn.
Để tắt các chương trình khởi động cùng hệ thống, hãy tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Mở Task Manager, chọn tab Startup.
Bước 2: Nhấn chuột phải vào ứng dụng cần vô hiệu hóa và chọn Disable.
Nâng cấp ổ cứng HDD bằng SSD
Thời gian truy nhập trung bình của ổ cứng SSD là từ 3,5-10 micro giây, còn ổ HDD mất 5-10 mili giây. Dễ nhận thấy, tốc độ ổ SSD nhanh hơn ổ HDD đến cả trăm lần. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tốc độ vượt trội trên của ổ SSD có ích lợi gì trong khi hệ thống máy tính lại chưa thể hỗ trợ tốc độ đó?
Sự phát triển của vi xử lý trung tâm (CPU) đã vượt xa sự phát triển hệ thống lưu trữ dữ liệu. Vì vậy ổ HDD nhiều khi sẽ kìm hãm hiệu năng của hệ thống máy mạnh bởi không theo kịp tốc độ xử lý của các phần cứng khác, đặc biệt là CPU.
Việc thay thế ổ HDD bằng ổ SSD, hiệu năng hệ thống chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể.