Nhóm nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) vừa chế tạo thành công chiếc máy tính giống bộ não lớn nhất thế giới tính theo số lượng tế bào thần kinh.
Các nhà khoa học đặt tên cho nó là Darwin Mouse. Cỗ máy này có thể bắt chước cách thức hoạt động của não người để thực hiện những phép tính phức tạp trong khi không tiêu thụ quá nhiều năng lượng.
Darwin Mouse cấu tạo gồm 792 con chip Darwin II chứa 120 triệu tế bào thần kinh nhân tạo và 100 tỷ khớp thần kinh (synapse), tương đương với não của một con chuột. Cỗ máy nằm gọn trong ba khung máy chủ tiêu chuẩn cao 1,6 mét.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển DarwinOS, một hệ điều hành dành riêng cho máy tính sử dụng cấu trúc thần kinh giống như não, cho phép quản lý và phối hợp hiệu quả các tài nguyên phần cứng để hỗ trợ vận hành và ứng dụng. Mức tiêu thụ điện của Darwin Mouse chỉ khoảng 350 – 500 watt. Trong khi đó, siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay của Nhật Bản mang tên Fugaku cần đến 28,3 triệu watt điện.
“Darwin Mouse là cột mốc quan trọng trong công nghệ điện toán mô phỏng bộ não của Trung Quốc, hay công nghệ điện toán thần kinh”, Zhu Shiqiang, nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang, nhận định.
Trong các thử nghiệm về khả năng của máy tính Darwin Mouse, nó có thể điều khiển nhiều robot nhỏ trong một kịch bản cứu hộ lũ lụt. Các robot làm việc theo nhóm và xử lý đồng thời nhiều tác vụ thông minh như nhận dạng giọng nói, phát hiện mục tiêu, lập kế hoạch đường đi.
Trong tương lai, máy tính Darwin Mouse sẽ được sử dụng để chạy các mô phỏng lớn theo thời gian thực, hỗ trợ thực hiện những khám phá mới trong lĩnh vực hóa học, y học và khoa học thần kinh. Đây cũng là tiền đề cho các thiết kế máy tính thế hệ mới, tạo ra trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Quốc Hùng (Theo China Daily, Scmp)