Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phụ thuộc vào một công nghệ từ thập niên 1970 mà có lẽ ít người còn nhớ: Đĩa mềm. Đối với một quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới, đây thực sự là điều khiến nhiều người khó tin.

Công nghệ cách đây nửa thế kỷ

Có lẽ rất ít người tin rằng những đĩa mềm vuông có kích thước 20cm, dung lượng 237,25kb lại đang kiểm soát loại vũ khí đáng sợ nhất mà loài người từng chế tạo. Nhưng quả thực Bộ Quốc phòng Mỹ đang dựa vào đĩa mềm từ thập niên 1970 để điều phối các lực lượng chiến lược như phi cơ ném bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - theo một báo cáo của Nhà Trắng.

Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dùng đĩa mềm để điều phối các hoạt động về vũ khí hạt nhân. Ảnh: Facepunch.com
Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dùng đĩa mềm để điều phối các hoạt động về vũ khí hạt nhân. Ảnh: Facepunch.com

Đĩa mềm là công cụ để Mỹ vận hành hệ thống kiểm soát và chỉ huy tự động chiến lược - một hệ thống viễn thông quan trọng mà Lầu Năm góc dùng để ban lệnh tới các sỹ quan và chia sẻ thông tin tình báo. Để dùng đĩa mềm, quân đội phải duy trì nhiều máy tính cũ của IBM - thứ lẽ ra phải nằm trong bảo tàng chứ không phải hầm chứa tên lửa.

Đây không phải lần đầu tiên giới truyền thông nhắc tới chuyện quân đội dùng công nghệ “cổ lỗ sỹ”. Năm 2014, lực lượng hạt nhân Mỹ công bố trên truyền hình CBS một trong những đĩa mềm tuyệt mật mà họ dùng lưu trữ và truyền thông tin nhạy cảm tới hàng chục trạm viễn thông. Văn phòng Kiểm toán chính phủ xác nhận Lầu Năm góc có ý định sử dụng đĩa mềm tới cuối năm tài khóa 2017.

Việc Lầu Năm góc vẫn sử dụng đĩa mềm là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh công nghệ số đã gần như thay thế công nghệ analog. Thậm chí, ngày nay nhiều công ty còn tặng USB cho khách hàng vì chúng quá rẻ. Thực tế ấy phản ánh khoảng cách rất xa giữa người tiêu dùng và chính phủ.

Tổng thống Barack Obama từng nhấn mạnh rằng đây là vấn đề ông muốn giải quyết. Nhà Trắng khuyến khích mạnh mẽ phong trào ứng dụng công nghệ hiện đại trong chính phủ. Từ việc chia sẻ các kho dữ liệu cho người dân tới lập trang web để thu thập kiến nghị từ công chúng, Obama cố gắng tăng mức độ ứng dụng công nghệ của chính phủ.

Cái khó của siêu cường quân sự

Dữ liệu của Đại học Carnegie Mellon và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Mỹ cho thấy thách thức của chính phủ trong nỗ lực thu hút nhân tài công nghệ hàng đầu. Vào năm 2015, chỉ 1,1% số cử nhân của MIT làm việc cho chính phủ. Trong số cử nhân của Đại học Carnegie Mellon tốt nghiệp năm ngoái, chỉ vài người làm việc trong cơ quan công quyền và đều làm ở nước ngoài - như Singapore và Hàn Quốc.

Các trường cao đẳng và đại học cũng tỏ ra không mặn mà với hoạt động đào tạo thế hệ “chiến binh kỹ thuật số” tiếp theo. Đào tạo an ninh thông tin không phải là yêu cầu bắt buộc đối với 10 chương trình khoa học máy tính hàng đầu nước Mỹ. Nguồn nhân lực công nghệ tăng chậm là nguyên nhân khiến Lầu Năm góc gặp khó khăn trong nỗ lực tăng gấp ba lần quy mô của Bộ Chỉ huy chiến tranh mạng.

Một số lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng đầu tư mạnh vào công nghệ, trong khi một số thành phần - như lực lượng hạt nhân - lại tụt hậu. Hải quân và không quân Mỹ đều chú trọng tới việc phát triển các phi cơ tự động. Những thiết bị không người lái có thể ẩn nấp dưới nước và theo dõi đối phương, hoặc hỗ trợ những phi cơ có người lái trên không.

Song một số ví dụ cho thấy quân đội Mỹ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn, Mỹ kỳ vọng chiến đấu cơ tàng hình đắt và hiện đại nhất của họ là F-35 sẽ trở thành loại chiến đấu cơ linh hoạt, đa nhiệm có thể phục vụ mọi binh chủng của quân đội Mỹ.

Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua khả năng hoạt động của chúng luôn ở dưới mức mà Lầu Năm góc kỳ vọng. Ngoài việc các bộ phận của F-35 thường hỏng trước thời hạn hay không thể áp đảo những phi cơ đời cũ hơn trong không chiến trực tiếp, điều khiến Lầu Năm góc e ngại là F-35 dễ dàng bị tin tặc xâm nhập. Tất cả những vấn đề đó xuất hiện từ khi F-35 chưa tham gia trận chiến thực sự nào.

Đôi khi công nghệ càng thấp thì mức độ an toàn càng cao. Đó là một trong những lý do chính khiến quân đội Mỹ tiếp tục sử dụng đĩa mềm.

Lực lượng hạt nhân Mỹ không kết nối với bất kỳ hệ thống kỹ thuật số nào. Đó chính là lý do khiến tin tặc không thể xâm nhập. Thiếu tướng Jack Weinstein - người chỉ huy lực lượng hạt nhân Mỹ - từng khẳng định ông không bao giờ phải lo về tin tặc khi giao lưu với khán giả trong chương trình “60 minutes” của kênh CBS vào năm 2014.

“Mấy năm trước, chúng tôi phân tích toàn bộ hệ thống điều khiển các kho vũ khí hạt nhân. Các kỹ sư công nghệ thông tin phát hiện hệ thống cực kỳ an toàn, do chúng không kết nối với Internet” - Weinstein giải thích.

Vị tướng nói thêm rằng, sự trỗi dậy của tin tặc và chiến tranh mạng là lý do khiến những công nghệ lạc hậu vẫn có chỗ đứng trong hệ thống quốc phòng của Mỹ.

Hiện Lầu Năm góc đã lên kế hoạch nâng cấp các hệ thống công nghệ của họ trong năm 2017. Tuy nhiên, do virus có thể xâm nhập máy tính xách tay của Bộ Quốc phòng Mỹ ngay sau khi người sử dụng cài hệ điều hành mới nhất, các chỉ huy lực lượng hạt nhân có lẽ vẫn tỏ ra thận trọng khi lựa chọn công nghệ hiện đại nhất và công nghệ an toàn nhất.