Intel, Microsoft - hai “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ - đang trong hoàn cảnh khó khăn khi liên tục thua lỗ hàng tỷ USD trong thời gian vừa qua. Thực tại ảm đạm đó đang thúc bách giới lãnh đạo tìm ra lối thoát nếu không muốn tụt dốc không phanh.
Thua lỗ nặng vì máy tính, điện thoại
Intel từng là “ông hoàng” thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip cho các máy tính cá nhân (PC). Nhưng trong quý IV năm tài chính 2013, doanh số bán chip cho PC của Intel đã sụt giảm 7,5% do doanh số bán PC trên toàn cầu giảm mạnh tới 11%. Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, tuy doanh số bán chip cho PC của Intel có phục hồi đôi chút, nhưng hãng công nghệ này vẫn không khỏi lo sợ khi nhu cầu mua PC trên toàn cầu tiếp tục được dự đoán sẽ sụt giảm khoảng 6,2% trong năm 2015.
Tuy nhiên, thất bại nặng nề nhất của Intel phải kể đến mảng điện thoại di động. Năm 2013, Intel mất 3,1 tỷ USD và năm 2014 mất 4,3 tỷ USD trong thị trường này. Tình cảnh đó đã khiến giới lãnh đạo Intel từng phải thốt lên: “Chúng tôi biết được mình đã mất quá nhiều tiền khi cố gắng thâm nhập vào lĩnh vực điện thoại di động. Đây là cái giá phải trả của chúng tôi cho những năm “ngồi ghế dự bị” ở thị trường này” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Intel Andy Bryant nói.
Trong bối cảnh doanh số bán PC trên toàn cầu sụt giảm, doanh thu bán hệ điều hành Windows của Microsoft cũng đi xuống nghiêm trọng. Trong 3 tháng đầu năm 2015, doanh số bán hệ điều hành Windows giảm 22%, trong khi đó nhu cầu mua phần mềm Office - “con gà đẻ trứng vàng” của Microsoft - cũng giảm tới 42%.
Mảng thị trường di động của Microsoft cũng chẳng mấy khả quan. Trong bản báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm tài chính 2015 của Microsoft, thâm hụt 7,6 tỷ USD sau thương vụ mua lại Nokia hồi năm ngoái khiến công ty này tiếp tục thua lỗ 2,1 tỷ USD trong quý này. Trong khi đó, Microsoft bán được 8,4 triệu smartphone - tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên do giá bán giảm nên doanh thu trong lĩnh vực này bị giảm đến 68%.
Trợ giá windows cho tablet
“Chúng tôi không chấp nhận việc kinh doanh mất hàng tỷ USD. Chúng tôi sẽ trở lại” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Andy Bryant khẳng định quyết tâm của Intel trước tình cảnh bị thất thu nặng.
Intel tung ra nhiều chiến lược khác nhau để giành lại vị thế trên thị trường kinh doanh công nghệ. Trong năm 2014, Intel tăng cường thâm nhập vào thị trường điện thoại di động đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới là Trung Quốc.
“Trung Quốc đang là một trong những thị trường điện thoại lớn nhất trên thế giới. Vậy tại sao các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu ở Silicon không thiết lập đối tác tại đây” - ông Brian Krzanich - Giám đốc điều hành của Intel nói.
Intel cũng tung ra các loại chip chiến lược mới để thâm nhập vào thị trường di động và máy tính bảng. Nổi bật là loại chip Atom x3 (SoFIA) cho các điện thoại giá rẻ. Bên cạnh đó là loại chip Bay Trail với phiên bản có thể hỗ trợ tablet chạy đồng thời cùng lúc hai hệ điều hành, một điểm mà không phải đối thủ nào cũng làm được.
Hơn nữa, đi kèm với các phần cứng “độc” này, Intel còn đưa ra chính sách trợ giá thiết bị vi xử lý cho thị trường điện thoại, máy tính bảng giá rẻ. Trong đó, loại tablet chạy hệ điều hành kép được chú trọng đặc biệt, bởi đây là một sản phẩm còn trống vắng trên thị trường. Kết quả, Intel đã bán được hơn 40 triệu bộ vi xử lý Bay Trail - có thể chạy được cả Windows 8 và Android trong năm 2014.
Ngoài ra, Intel còn thiết lập mảng kinh doanh dữ liệu. Trong quý hai năm tài chính 2014, mảng kinh doanh này đã tăng 9,7%, đem về doanh thu 3,85 tỷ USD cho Intel.
Phía Microsoft cũng không ngồi yên nhìn thất bại. Microsoft không ngừng cho ra đời các sản phẩm mới để thu hút người dùng. Gần đây nhất là con bài chiến lược Windows 10. Tính đến hết tháng 8/2015, Windows 10 ước đoán đã chiếm 5,21% thị trường PC - một con số ấn tượng.
Không những thế, các mảng kinh doanh khác của Microsoft như Xbox, Office 365, dòng tablet Surface hay phần mềm đám mây cho doanh nghiệp Microsoft Dynamics cũng đang khởi sắc. Tính tổng dịch vụ đám mây của Microsoft trong quý IV năm tài chính 2014 đem về cho hãng này 8 tỷ USD.
Đáng chú ý, giống như Intel, một trong những hướng mà Microsoft tin có được triển vọng tốt hơn là đầu tư vào thị trường máy tính bảng giá rẻ. Microsoft tham gia trợ giá phí hệ điều hành Windows cho các máy tính giá rẻ để kích hoạt thị phần. Đồng thời, hãng này cũng đặc biệt chú trọng tới loại tablet hệ điều hành kép Windows/Android.
Cùng rơi vào tình cảnh khó khăn giống nhau, Intel và Microsoft đang cố gắng phát huy truyền thống liên minh vốn tồn tại hơn 30 năm qua.
“Liên minh đối tác Microsoft-Intel (Wintel) có lẽ không còn mạnh như các thập kỷ trước, do hiện nay mỗi công ty đều thiết lập quan hệ với các đối tác khác để phát triển lợi ích của mình. Nhưng khi đi vào thị trường tablet, Intel và Microsoft dường như đang là những người cùng hội cùng thuyền và đang cần nhau hơn bao giờ hết” - nhà phân tích công nghệ Neil McAllister của tờ báo Anh The Register nhận định.