Product mindset (tư duy sản phẩm) là kỹ năng rất quan trọng quyết định sự thành công của một sản phẩm khi nó còn trong trứng nước.Tuy nhiên, không phải bất cứ startup trong lĩnh vực công nghệ nào cũng hiểu điều này.

Đó chính là Nguyễn Minh Thảo - sáng lập Umbala, nền tảng đấu trường ngôi sao trên điện thoại di động.

Anh Lê Yên Thanh - Founder của Busmap.vn đã chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển những quan điểm cá nhân về xây dựng tư duy sản phẩm trong các startup.

Lê Yên Thanh.

Ai cũng phải có product mindset

Lâu nay khi nói về cơ hội thành công của một startup, mọi người thường nói đến tiền, ý tưởng, nhà đầu tư... nhưng không nhiều người nói về product mindset (tư duy làm sản phẩm). Vậy nên hiểu product mindset là gì và vị trí của nó với một team startup?

Product mindset nói một cách dễ hiểu là tư duy làm sản phẩm hướng đến người dùng. Đối với một startup thì product mindset đóng vai trò cực kì quan trọng bởi chỉ có được một sản phẩm thật sự đáp ứng cho người dùng khi đội ngũ làm ra sản phẩm đấy có tư duy làm sản phẩm vì người dùng.

Theo anh, trong một startup, những ai cần phải có product mindset?

Tôi nghĩ rằng bất kì ai trong một team startup cũng cần phải có product mindset, không chỉ là CTO, project manager, team lead,… mà mỗi software engineer, designer, tester,… hay đến những thành viên không làm về kỹ thuật như marketing cũng cần phải có. Khi đó mọi người mới có thể cùng nhau làm nên sản phẩm thực sự tốt và có ích đối với người dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, product mindset thì project manager và BA lo, developer chỉ cần code (lập trình) là đủ. Thực tế thì, tư duy sản phẩm sẽ giúp gì được cho dân developer (kỹ sư phát triển phần mềm)? Khi một developer có tư duy sản phẩm tốt sẽ có những lợi thế gì?

Quả thật là như vậy. Một developer rất cần phải có product mindset. Khi lập trình viên có tư duy sản phẩm tốt, họ sẽ luôn muốn làm sao để có thể đáp ứng được tốt nhất cho người dùng. Họ sẽ luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi và nghĩ ra cách để phát triển sản phẩm trở nên tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Developer khi làm việc theo product mindset trước tiên là cần suy nghĩ đến bài toán tổng quát mà mình đang cần phải giải quyết, sau đó mới nghĩ đến hướng giải quyết, cuối cùng là nghiên cứu tìm hiểu các kiến thức cần thiết để thực hiện sản phẩm. Ngược lại một developer không có product mindset sẽ luôn bị gò bó về mặt sản phẩm bởi chính kiến thức mà developer có sẵn.

Product mindset giúp cho lập trình viên vận dụng được tốt nhất những kiến thức mà họ đã học để có thể kết hợp được với nhau làm nên sản phẩm tốt. Họ không chỉ hướng đến mục tiêu giải quyết bài toán nhỏ hay cụ thể mà còn hướng đến mục tiêu làm sản phẩm hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu người dùng.

Anh nhấn mạnh rằng, “product mindset” là một chiếc chìa khóa quan trọng của các bạn trẻ công nghệ thông tin và kỹ thuật khi khởi nghiệp. Nếu không có product mindset, các bạn khối ngành IT sẽ mãi mãi dậm chân ở vị trí “software engineer” chứ không vươn lên làm “product engineer” được. Anh có thể lý giải kỹ hơn về điều này?

Nếu bạn là một software engineer, bạn sẽ nghĩ rằng “Bạn có thể làm được sản phẩm gì với khả năng và kiến thức hiện tại của bạn?”, “Sản phẩm ấy sẽ giúp ích được gì cho mọi người?”. Nếu bạn là một product engineer, điều đầu tiên bạn nghĩ sẽ là “Bạn sẽ làm được sản phẩm giải quyết bài toán gì cho mọi người?. Sau đó bạn mới nghĩ đến những điều bạn cần học hoặc nghiên cứu để làm được sản phẩm đó. Đó chính là chìa khóa để làm ra một sản phẩm có ý nghĩa và mang đến thành công cho startup - Làm ra sản phẩm để giải quyết bài toán cụ thể chứ không làm ra sản phẩm bị giới hạn bởi năng lực của bản thân và cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì.

Kinh nghiệm thực tế khi tôi làm sản phẩm BusMap - Xe buýt thành phố (busmap.vn) đã cho thấy điều đó. Khi tôi còn là sinh viên năm nhất và bắt đầu làm sản phẩm này, điều đầu tiên tôi nghĩ là cố gắng tạo ra sản phẩm với kiến thức mà tôi có.Tuy nhiên sản phẩm không thực sự trở thành công cụ hữu ích cho mọi người cho đến khi tôi suy nghĩ lại hướng phát triển của sản phẩm và bắt đầu tìm tòi, học hỏi xem những người đi xe buýt thật sự cần một ứng dụng như thế nào, tôi mới bắt đầu nghiên cứu bổ sung những kiến thức còn thiếu để làm lại phần mềm BusMap như hiện nay.

Kết quả là BusMap đã thực sự trở thành công cụ bổ ích đối với người đi xe buýt và có hơn 500.000 lượt người dùng mỗi tháng.

Cân bằng giữa sáng tạo và thực tiễn trong product mindset

Đã từng làm việc ở Google, anh nhận thấy Google quan tâm đến product mindset như thế nào? Và anh có áp dụng những kinh nghiệm này trong startup Busmap.vn?

Điều dễ thấy nhất là rất nhiều sản phẩm của Google đã trở thành công cụ không thể nào thiếu đối với mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như Google Maps, Gmail, YouTube, Google Drive,… Điều đó chứng tỏ rằng dù là công ty startup hay công ty lớn như Google thì product mindset cũng luôn đóng vai trò hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng Google thực sự mong muốn mỗi một nhân viên luôn có hiểu biết tối thiểu về product mindset và biết cách áp dụng nó.

Trong startup của mình, tôi luôn mong muốn mọi thành viên phát triển được product mindset cho riêng mình. Để làm được điều đó tôi luôn khuyến khích các bạn suy nghĩ nhiều hơn về sản phẩm họ đang làm cũng như sử dụng các sản phẩm khác, tiếp cận với người dùng để tìm hiểu nhu cầu của họ và làm được sản phẩm thực sự tốt cho người dùng. Nhờ vậy, mọi người luôn có được ý tưởng để phát triển ứng dụng ngày một lớn mạnh hơn.

Anh có lời khuyên nào đó dành cho các startup trong hình thành thói quen tư duy sản phẩm? Với kinh nghiệm đã có, anh nhận thấy rằng, họ thường mắc phải những sai lầm nào?

Mình nghĩ sai lầm lớn nhất mà các bạn thường mắc phải đó là không thể tạo được sự cân bằng giữa tính sáng tạo và tính thực tiễn. Làm product mindset đòi hỏi các bạn phải suy nghĩ sáng tạo, đôi khi vượt qua khỏi kiến thức mà các bạn có để có thể định hình nên một sản phẩm tốt. Tuy nhiên đôi khi các bạn suy nghĩ đến những cái mà các bạn không thể làm được, đó cũng là một điểm nên tránh. Để có thể vận dụng được tốt product mindset, các bạn cần phải vừa sáng tạo vừa không ngừng học hỏi để có thể biến sản phẩm của các bạn trở thành ứng dụng hữu ích đối với người dùng.

Xin cảm ơn anh!

Lê Yên Thanh đang phát triển 2 ứng dụng có tiếng là Busmap.vn - Ứng dụng xe buýt thành phố với hơn 300.000 lượt tải về và 500.000 lượt sử dụng mỗi tháng và Umbala – Ứng dụng Đấu trường ngôi sao. Lê Yên Thanh gây chú ý khi từ bỏ mức lương 6.000 USD tại Google để về Việt Nam khởi nghiệp. Trước đó, anh từng đoạt hàng chục giải thưởng như Giải Nhì Nhân tài Đất Việt năm 2015, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016...