Nhà khoa học có thể làm ra sản phẩm công nghệ nhưng phần lớn việc thương mại hóa nó thành công lại không phụ thuộc vào họ.
Trước hết, nhìn vào lĩnh vực vật liệu ứng dụng trong vật lý quang học và điện tử hoặc quang tử, vi điện tử, điện tử nano, lượng tử…, chúng ta có thể thấy có hai vấn đề: 1. Xét về mặt khoa học, đây là một ngành mạnh của Việt Nam vì số lượng công bố khá nhiều; 2. Xét về khả năng tạo ra công nghệ thì ngành này còn tương đối ít đóng góp bởi làm ra vật liệu có thể ứng dụng, doanh nghiệp sử dụng để tạo thành sản phẩm bán được trên thị trường thì độ khó của nó cũng ngang, thậm chí có thể hơn, so với các công bố trên những tạp chí hàng đầu.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy thử phân tích, việc có được công bố tốt phải kết hợp được nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là bên cạnh yêu cầu về trình độ thành viên nhóm nghiên cứu thì phải có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu bởi làm nghiên cứu về vật liệu quang, vật liệu điện tử mà không có thiết bị chế tạo và đánh giá đặc trưng để tìm hiểu tính chất, cấu trúc thì không ai có thể làm gì được. Trong trường hợp này, ngay cả muốn công bố trên tạp chí bình thường cũng không thành công. Tôi nghĩ rằng, nếu mình làm trong một lĩnh vực nào đó đủ lâu và đủ sâu thì đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ có khả năng làm ra được những công bố tốt. Nhìn lại lịch sử của ngành này có thể thấy, nếu một nhóm nào đó làm việc đủ sâu đủ lâu và liên tục trong vòng 5 đến 10 năm thì đều đạt được kết quả như vậy. Hiện ở Việt Nam, chỉ có một số ít các nhóm nghiên cứu có thể có công bố ở tạp chí có ảnh hưởng cao như nhóm của các giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Phạm Thành Huy (trường Đại học Phenikaa), hay nhóm của PGS. Trần Đình Phong (trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội).
Ở hướng làm ra được một loại công nghệ, từ vật liệu đến linh kiện và đóng gói trong thiết bị, lại có những đòi hỏi khác. Xét ở góc độ của người dùng cuối thì họ hầu như không biết đến vật liệu, cũng không dùng đến linh kiện mà chỉ dùng thiết bị. Một ví dụ rõ nét nhất là trong điện thoại thông minh có tích hợp rất nhiều linh kiện như màn hình, cảm biến đọc vân tay, camera chụp ảnh… nhưng người dùng chỉ cần biết và quan tâm là điện thoại này nhanh hay chậm, chụp ảnh đẹp hay xấu, bật lên tiện hay không tiện. Do đó, nếu muốn có sản phẩm công nghệ ra được thị trường, đến được tay người dùng thì ít nhất là nhà khoa học phải chen được chân vào trong chuỗi giá trị của linh kiện và thiết bị đó.
Nhưng liệu gia nhập chuỗi giá trị đó có dễ thực hiện? Hãy nhìn vào thực tế Việt Nam: hiện nay việc sản xuất thiết bị linh kiện của Việt Nam chưa nhiều và doanh nghiệp Việt Nam phải rất chật vật để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, khi cần đến các linh kiện điện tử như chip, bộ nhớ, hay cảm biến vân tay… thì gần như tất cả các nhà sản xuất trong nước đều chọn cách làm đơn giản và nhanh chóng là đi nhập từ nước ngoài hơn là chọn một nhà cung cấp trong nước. Nhìn từ góc độ thị trường thì quyết định của họ cũng có lý bởi bài toán ở đây, ngoài chất lượng, độ ổn định thì còn có cả chi phí. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI khi vào đến Việt Nam thường cũng không chọn các nhà sản xuất trong nước vì theo quan sát của tôi, họ thường mang theo công nghệ đã định hình, “đón sóng” ưu đãi trong chính sách đối với doanh nghiệp FDI của Chính phủ Việt Nam là chính chứ không muốn thật sự đầu tư vào R&D. Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời, các doanh nghiệp Trung Quốc lập nhà máy ở Việt Nam để đón làn sóng trước sau sẽ có là chính sách trợ giá, hỗ trợ dùng điện mặt trời hoặc việc sản xuất ở Việt Nam tránh được một số biện phápáp chống phá giá, nếu chỉ sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhìn vào những khó khăn như vậy mà cảm thấy hết hy vọng. Tôi cho rằng trong tương lai xa hơn, các nhà khoa học trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện có thể phải nghĩ đến những xu hướng chính của thế giới, nếu không theo được thì chắc chắn mình sẽ bị loại, ví dụ như linh kiện lượng tử, AI, IoT… Ngoài ra, chúng ta nên nghĩ đến những vấn đề thiết thực như mỗi quốc gia đều có lĩnh vực đặc thù mà mình không làm thì không ai làm giúp mình, hoặc nếu đi mua thì phải bỏ rất nhiều tiền. Nhà khoa học nên hướng đến những công nghệ mà mình cần phải tự phát triển hoặc giải mã công nghệ và cải tiến công nghệ sẵn có của nước ngoài thành những công nghệ mang tính đa dụng, có thể là thứ công nghệ mà mình có thể phát triển được, ứng dụng được trên một chuỗi sản phẩm tiếp theo, ví dụ chip ảnh hồng ngoại có thể nhìn trong đêm để ứng dụng trên diện rộng, ví dụ phương tiện thông minh cần năng lực xử lý hình ảnh ngoài vùng ánh sáng khả kiến, camera an ninh, y tế dự phòng thông minh…
Việc áp dụng cách làm này và đạt được kết quả không chỉ phụ thuộc vào nhà nghiên cứu mà còn phụ thuộc vào việc các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam muốn làm hay không và có đủ cơ sở vật chất để phát triển công nghệ hay không. Tôi tự tin là nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam có thể làm được nếu hội tụ đủ những điều kiện này, nếu không thì những sản phẩm công nghệ mà nhà nghiên cứu làm ra sẽ giống với các vật liệu hóa sinh có thể dùng được luôn… chứ không đi theo hướng phát triển vật liệu thành linh kiện và tích hợp trong thiết bị.
Có người đặt câu hỏi với tôi “vậy nhà khoa học vật liệu và linh kiện có cần nhà nước hỗ trợ để hình thành quy trình vật liệu – linh kiện – thiết bị”? Tôi cho rằng ở đây nhà nước chỉ nên đầu tư mang tính định hướng đầu tiên với những đầu tư vào nghiên cứu cơ bản hoặc cơ bản định hướng ứng dụng. Ngoài ra, cần hơn là cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, để doanh nghiệp nhận thấy rằng nếu nhà nước đầu tư một đồng thì doanh nghiệp thấy có lợi để đầu tư gấp nhiều lần, đem về doanh thu nhiều nữa. Nếu chúng ta không làm được điều này thì không bao giờ triển khai được công nghệ mới và đưa nó vào thành sản phẩm mang tính cạnh tranh trên thị trường. Lâu nay, mình vẫn nói là cần bảo vệ thị trường trong nước nhưng thực tế việc đó không hiệu quả. Điều khả thi là nhà nước đầu tư mang tính định hướng ban đầu như ngòi nổ, còn người làm ra sản phẩm và chuyển giá trị trong sản phẩm thành tiền phải là doanh nghiệp.
Gần đây ở Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Một số doanh nghiệp lớn bắt đầu nghĩ đến việc phải làm ra được những sản phẩm phức tạp, tích hợp nhiều loại linh kiện như CMC, FPT, VIN, Viettel… và họ cũng bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư cho R&D. Tôi nghĩ rằng, có thể rất cần đến một “làn sóng” các CEO, vừa làm kinh doanh vừa hiểu về khoa học, có được những kế hoạch R&D dài hơi để ra đời những sản phẩm mới…
“Nhà nước chỉ nên đầu tư mang tính định hướng đầu tiên với những nghiên cứu cơ bản hoặc cơ bản định hướng ứng dụng. Ngoài ra, cần hơn là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, để họ nhận thấy rằng nếu nhà nước đầu tư một đồng thì doanh nghiệp thấy có lợi để đầu tư gấp nhiều lần, đem về doanh thu nhiều nữa”.
TS. Nguyễn Trần Thuật |