Topica – startup Việt được xem là số 1 ở Đông Nam Á trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến khi vừa gọi vốn thành công 50 triệu USD nữa tổ chức gặp nhau cuối năm bằng cái tên khá lạ: Topica Mafia – lấy cảm hứng từ Google Mafia hay Facebook Mafia – để diễn tả liên minh của các nhà đầu tư để làm nên sức mạnh của các startup mới…
Chuyện nhà giàu…
Topica Edtech Group vừa nhận khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD trong vòng gọi vốn series D, từ tập đoàn Northstar tại Singapore. Tính đến hiện nay, đây là khoản rót vốn lớn nhất cho một công ty giáo dục trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á. Topica cung cấp các khóa học trực tuyến bằng tiếng Anh, với hơn 2.000 khóa học ngắn hạn và là nền tảng cho 12 trường đại học khu vực Đông Nam Á cung cấp chương trình giảng dạy và cấp bằng trực tuyến.
Sau rất nhiều khó khăn giai đoạn đầu, mà như nhà sáng lập Phạm Minh Tuấn chia sẻ “toàn cắm sổ đỏ làm khởi nghiệp”, nhóm này đã từng bước chinh phục nhiều nhà đầu tư quốc tế như Openspace Ventures, Patamar Capital, CyberAgent Ventures, EduLan Group, và IDG Ventures. Và họ mở một “trường đào tạo nhà sáng lập khởi nghiệp” mang tên Topica Institute – với một chương trình đào tạo hấp dẫn, có phần khắc nghiệt và đã sản sinh ra một thế hệ các startup “xịn” trên thị trường. Nghe nói, sau lần gọi vốn thành công này, Topica sẽ chi mạnh tay hơn nữa cho những startup của họ đào tạo. Đó cũng là lý do mà “nhóm nhà giàu” này khai sinh ra Topica Mafia.
Mafia trong giới khởi nghiệp thực ra là một liên minh không chính thức quy tụ nhiều tên tuổi trong làng khởi nghiệp với xuất thân từ các cựu sáng lập viên, lãnh đạo, chuyên gia và cố vấn của các doanh nghiệp thành công. Hình thức liên minh “Mafia công nghệ” cũng là bí quyết tạo nên thành công của nhiều startup tại Silicon Valley. Sau Paypal Mafia của Elon Musk gây được tiếng vang cùng hiệu ứng “liên minh đầu tư” cho nhiều công ty, đến Google Mafia “vô tình” sở hữu hàng loạt gương mặt cựu thành viên Google đang nắm giữ các vị trí cao nhất nhì tại Facebook, Yahoo!... cùng hàng trăm gương mặt nổi bật là các cựu đồng sáng lập, quản lý, nhân viên của các công ty đã thành công. Trong nhóm, họ tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau âm thầm hoặc công khai, tham gia điều hành hay sáng lập các công ty mới...
Tham gia vào một mạng lưới “mafia công nghệ” mạnh, các nhà sáng lập không chỉ tích lũy được kinh nghiệm, mà còn xây dựng được mạng lưới liên minh mạnh mẽ. Các công ty công nghệ coi mạng lưới “Mafia” của mình là niềm tự hào, lợi thế quan trọng, giúp họ tiếp cận thông tin về các công nghệ, ý tưởng mới nhanh chóng, tạo dựng các liên minh để cạnh tranh trên các mặt trận mới, và thu hút nhân tài.
Nhiều thành viên của Topica Mafia như Monkey Junior, Wefit, Logivan, MimosaTEK, Beeketing...là các startup triệu đô với khoản gọi vốn khủng, sản phẩm được đánh giá tiềm năng, được xây dựng trên nền tảng công nghệ mạnh với quy mô thị trường hứa hẹn. Những người trẻ này, được xem là “nhóm con cưng” của khởi nghiệp Việt: học đại học quốc tế về, hoặc đã đi làm cho các tập đoàn lớn, hoặc khởi động với những bệ phóng tương đối vững chắc…
Nhà chưa giàu…
Cùng lúc với thư mời dự gặp mặt của Topica, cũng nhận được bài viết của một thành viên ban pháp chế VCCI nói về chuyện “Chúng ta ứng xử thế nào với công nghệ”. Anh nói một câu chuyện mà thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại: “Làm thế nào để khởi nghiệp Việt không sang Singapore mở công ty?”. Đó là chuyện một startup cung cấp phim, video trực tuyến đang trong giai đoạn thử nghiệm. Họ tự tin có công nghệ tốt để xem không giật, không lag, tự tin nắm rõ thị hiếu người xem để cung cấp sản phẩm phù hợp, tự tin là sẽ chỉ cung cấp sản phẩm có bản quyền. Thế nhưng, cái duy nhất họ không tự tin là đi xin phép cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đang sửa Nghị định 06, coi các website, app cho xem video được coi là truyền hình và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cấp phép. Những tưởng cứ đi xin phép là được làm, nhưng không đơn giản như vậy, vì giấy phép mẹ đẻ giấy phép con. Startup đó phải đáp ứng những quy định vừa dài vừa khó vừa tốn kém… Anh liệt kê ra một danh sách dài, rất dài và bảo rằng: “Những quyết định chính sách ứng xử với công nghệ ngày hôm nay sẽ quyết định tương lai của chúng ta”.
Câu chuyện này, làm nhớ lại cái cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ muốn tăng vốn theo dạng ICO (một dạng gần giống như cổ phiếu nhưng dựa vào mô hình blockchain) hoặc thanh toán thông qua các đồng tiền ảo, đều không được phép thực hiện ở Việt Nam. Tất nhiên, họ sang các quốc gia khác, và có vẻ cũng thuận lợi. Nó cũng giống chuyện có lần ngồi họp với một nhóm làm thương mại điện tử, họ hỏi nhau: “Cần bao nhiêu tiền và bao nhiêu lâu để lấy được giấy phép thương mại điện tử chính thức?”. Câu trả lời của mỗi văn phòng luật là khác nhau, sau cùng, quyết định của họ là “sang Singapore một ngày là xong”.
Nói cho cùng, đâu có ai muốn tốn công tốn của bay sang mở công ty ở một quốc gia đắt đỏ hàng đầu thế giới như Singapore, chỉ là, họ không có lựa chọn tốt hơn… Chúng tôi hay nói vui, “đừng đụng vô chuyện giấy tờ với startup, họ sẽ than khóc cho ngập luôn quán cà phê…”.
Trong khi thống kê cuối cùng, năm 2018, tổng vốn đầu tư mà các startup Việt nhận được lên đến gần 900 triệu USD, tức là gấp 3 lần con số được ghi nhận năm trước đó, thì quá chừng startup vẫn còn quá chừng những bộn bề phía trước. Với startup này, là rào cản công nghệ khi không tiếp cận được các nghiên cứu sáng chế đủ mạnh của các trường đại học. Với người khác, là kỹ năng quản trị và điều hành doanh nghiệp chưa đủ tốt. Trường hợp khác nữa là thất bại trong việc gọi vốn hoặc đàm phán với các nhà đầu tư, vốn ngày càng có khuynh hướng “cá mập” hơn. Khả năng ứng dụng công nghệ mới vào doanh nghiệp truyền thống là rất khó, bởi rào cản về ngôn ngữ kỹ thuật, rào cản về tâm lý sợ thay đổi và mức độ khả thi của thay đổi đã làm nhiều startup phải dừng lại trên con đường chẳng mấy ai đi này…