Tuần rồi, nhà sáng lập Microsoft lên blog cá nhân để giới thiệu một ứng dụng mà ông cho rằng, tất cả những ai đang làm khởi nghiệp đều nên dùng: ứng dụng ngồi thiền mang tên Headspace.
Nếu như trước đây, có lẽ không dễ dàng gì để thuyết phục những nhà đầu tư tin rằng những ứng dụng giúp rèn luyện tập trung (mindfulness - thiền chánh niệm) sẽ trở thành những doanh nghiệp triệu đô. Nay, chuyện đã khác…
Startup thiền định triệu đô
Bill Gates, người đồng sáng lập của công ty Microsoft và quỹ Bill – Melinda Gates, đã chia sẻ trên trang blog cá nhân của mình lý do tại sao ông thích ngồi thiền. “Tôi giờ thiền khoảng 2 đến 3 lần một tuần, mỗi lần tầm 10 phút. Melinda cũng thiền đấy.” – Ông viết. Mặc dù trước đây, Bill Gates không hề tin vào thiền định bởi ông nghĩ, đây là một thứ không hề có cơ sở khoa học và còn liên quan đến những thứ tâm linh như sự tái sinh.
Tất cả đến từ Headspace, một ứng dụng hướng dẫn thiền định, đã thay đổi suy nghĩ của Gates và giúp ông duy trì thói quen này hàng tuần. Ứng dụng được đồng sáng lập bởi Andy Puddicombe, một tu sĩ Phật giáo đã tu hành được 10 năm, cũng chính là người lồng tiếng trong ứng dụng. “Headspace thực sự giúp cho việc học thiền trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ 10 phút một ngày lắng nghe giọng nói nhẹ nhàng của Andy và cố gắng giữ tâm trí ở lại với anh ta.” – Gates bảo.
Doanh thu hằng năm của Headspace tại thị trường Bắc Mỹ đạt 50 triệu USD. Công ty cũng được Forbes, công ty xuất bản và truyền thông của Mỹ, định giá 250 triệu USD vào năm 2017. Ra đời vào năm 2010, Headspace hiện tại thu hút hơn 11 triệu lượt tải xuống và có hơn 400 ngàn người dùng trả phí, trong đó bao gồm cả những người nổi tiếng, những doanh nhân và vận động viên Olympic. Thậm chí cả những công ty lớn như ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hay Viện Ung thư Dana – Farber đã mua gói ứng dụng cho nhân viên của họ. Người dùng cá nhân có thể tải ứng dụng về điện thoại hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, người dùng cần phải trả một khoản phí để truy cập được hết những tiện ích cũng như các bài tập của Headspace.
Headspace chỉ là một trong những ứng dụng giúp rèn luyện tập trung đang bùng nổ trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó còn có thể kể đến Calm, một startup khác trong cùng lĩnh vực. Từ cung cấp các bài thiền đơn giản giúp cải thiện và kiểm soát giấc ngủ, Calm cũng cung cấp những chuỗi bài thiền cho người dùng muốn tập trung vào sức khoẻ tinh thần. Công ty cho biết đã huy động được 27 triệu USD cho vòng gọi vốn gần đây và được định giá ngang với Headspace, 250 triệu USD, bởi Insight Venture Partners cùng Ashton Kutcher’s Sound Ventures. Trước đó, Clam đã huy động được 1.5 triệu USD cho vòng gọi vốn ban đầu (seeding funding).
“Đây có thể là một sự thay đổi lớn trong xã hội” – Michael Acton Smith, đồng sáng lập Calm, chia sẻ với trang TechCrunch. “Một vài năm trước đây, không một ai nói về sức khoẻ tinh thần. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia bắt đầu nói về nó, truyền thông xem điều đó như là một việc bình thường và lành mạnh nên làm, càng ngày càng nhiều người đề cập đến việc này nhiều hơn. Chúng ta nhận ra rằng bộ não là một thứ phức tạp nhất trong vũ trụ và không có gì ngạc nhiên nếu một ngày nó bị “trục trặc”. Vì vậy việc hiểu và trò chuyện được với chính mình là một việc vô cùng lành mạnh và tích cực. Khoảng năm mươi năm trước, làn sóng sức khoẻ bắt đầu quanh việc rèn luyện thể chất như chạy bộ, thể dục nhịp điêu, vân vân. Nay là lúc để bắt đầu một làn sóng mới.”
Và các ông lớn công nghệ…
Khi nhà đồng sáng lập Twitter, Evan William, sáng lập ra Medium, một nền tảng blog, anh đã dành ra hẳn một căn phòng ngay giữa cơ quan dành riêng cho hoạt động thiền định và yoga. Google thường xuyên tổ chức lớp học thiền cho nhân viên, nổi tiếng nhất đó là khoá học “Search Inside Yourself” về trí tuệ cảm xúc, với danh sách chờ đăng ký kéo dài thậm chí 6 tháng. Yahoo cũng xây dựng các phòng thiền và các khoá học thiền miễn phí cho nhân viên. Tất cả các công ty trên thế giới đang cố gắng đưa chánh niệm (mindfulness) vào nơi làm việc bằng cách này hay cách khác.
Theo Soren Gordhamer, nhà sáng lập của Wisdom 2.0, một triển lãm công nghệ và chánh niệm hằng năm, xu hướng này đến từ nhu cầu phải quản lý một khối lượng lớn thông tin hàng ngày, thứ đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. “Nhân viên công sở, họ thật sự có nhu cầu cao về một đời sống rộng mở và có chất lượng trong và ngoài văn phòng. Những công ty và nhân viên “thế hệ mới” đang quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của họ.” – anh chia sẻ - “Chúng ta đang đứng giữa ở sự chuyển đổi văn hoá. Con người đã thôi an phận chỉ làm việc cho qua ngày, cố gắng phấn đấu để nhận lương hưu và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, cũng như sự kết nối giữa công việc và đời sống.”
“Chúng tôi muốn chuẩn bị cho nhân viên cách đối mặt với những thách thức phía trước cũng như cùng họ giải quyết những vấn đề dường như không có giải pháp” – ông Karen May, phó chủ tịch phát triển con người tại Google cho biết. “Chúng tôi thấy rằng mọi người thường quan tâm đến các chương trình nâng cao nhận thức của Google không chỉ vì bởi muốn phát triển các kỹ năng tăng khả năng tập trung và chú tâm trong công việc. Họ còn muốn học cách giải toả tâm trí để có thể suy nghĩ mới, sáng tạo hơn.”
“Đừng hiểu việc đưa chánh niệm vào cơ quan như kiểu bạn có một ngày tồi tệ ở nơi làm, rồi mấy lớp yoga đó là để giúp bạn cảm thấy tốt hơn.” – Melissa Daimler, trưởng bộ phận giáo dục và phát triển tổ chức tại Twitter, chia sẻ trong sự kiện về tương lai của việc nâng cao năng lực lãnh đạo tại San Francisco. “Môi trường kinh doanh và môi trường làm việc của chúng ta không chỉ là nền tảng cho việc phát triển tổ chức, mà còn phải cho sự phát triển của từng cá nhân trong tổ chức đó.”