Dự án khinh khí cầu Google Loon nhằm cung cấp Internet miễn phí vừa chính thức khởi động tại Sri Lanka. Tập đoàn công nghệ Mỹ đã đưa khinh khí cầu đến đất nước Nam Á này để chuẩn bị vận hành trong một cuộc thử nghiệm cuối cùng.
Google Loon được Chính phủ Sri Lanka công phố hồi đầu tháng 2/2015. Colombo - tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu của Sri Lanka - góp cổ phần 25% để liên doanh với Google nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao từ khinh khí cầu.
Trong dự án này, Google sẽ cho các bong bóng khinh khí cầu bay ở trong tầng bình lưu - khoảng 18km so với mực nước biển, gấp đôi so với độ cao thông thường của máy bay thương mại và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mỗi quả khinh khí cầu sẽ được bơm đầy khí heli và có tuổi thọ khoảng 180 ngày. Tuy nhiên, theo các quan chức Sri Lanka tham gia liên doanh, chúng có thể được tái chế để tiếp tục sử dụng. Những quả khinh khí cầu này có mang theo một thiết bị để có thể cung cấp Internet bằng cách phát wifi 4G-LTE. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ truyền sóng radio và định vị GPS.
Dự án hứa hẹn sẽ mở rộng phạm vi và cung cấp Internet miễn phí tại quốc gia Nam Á này. Các nhà cung cấp dịch vụ tin tưởng dự án có thể giúp họ tăng tốc độ truy cập và cải thiện chất lượng dịch vụ khi được vận hành. Ông Muhunthan Canagey - Trưởng Cơ quan Thông tin và Truyền thông công nghệ của Sri Lanka - cho biết: “Quả khinh khí cầu đầu tiên đã tiến vào không phận của chúng tôi hồi tuần trước. Nó là thiết bị do Google điều chuyển từ Nam Mỹ sang”.
Ông Canagey cho biết thêm, một nhóm các kỹ sư của Google dự kiến sẽ có mặt tại đây để kiểm tra các vấn đề kỹ thuật trước khi chính thức đưa các khinh khí cầu vào vận hành. Quốc gia 20 triệu dân này hiện có 3,3 triệu kết nối Internet di động và 630.000 kết nối mạng dây Internet cố định.
Sri Lanka chính là quốc gia đầu tiên ở Nam Á giới thiệu điện thoại di động vào năm 1989 và lần đầu tiên tung ra mạng 3G trong năm 2004. Đây cũng là nước đầu tiên trong khu vực công bố sử dụng mạng 4G hai năm trước đây.
Việt Hưng (Theo Phys)