Nếu bạn mơ về nó, bạn có thể in nó ra”. Đó là mô tả ngắn gọn của Thorbjoern Fors - một giám đốc của hãng điện tử Siemens (Đức) - về khả năng kỳ diệu của in 3D - công nghệ chế tạo cộng, hay sản xuất bồi đắp, một trong những công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngược với quy trình chế tạo trừ truyền thống - gọt giũa phôi để cho ra sản phẩm, in 3D tạo ra vật thể bằng cách “phun” các lớp vật liệu chồng lên nhau và được định dạng bởi máy tính. Điều này giúp người dùng hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế và tạo mẫu, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư phát triển sản phẩm mới. Việc tạo mẫu nhanh chóng với chi phí thấp cũng phù hợp với xu hướng cá thể hóa trong sản xuất của thời đại cách mạng 4.0, nghĩa là sản phẩm đáp ứng nhu cầu riêng của từng khách hàng cụ thể.
In 3D có thể tạo ra những sản phẩm chính xác như hình dung trong tưởng tượng của con người. Theo báo cáo được công bố vào tháng 7/2017 của Công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, Mỹ, thị trường in 3D sẽ đạt giá trị khoảng 32,78 tỷ USD vào năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 25,76% trong giai đoạn 2017-2023. Sự tăng trưởng này có được nhờ sự phát triển dễ dàng các sản phẩm tùy biến, giảm chi phí sản xuất chung, nhờ những dự án đầu tư vào công nghệ in 3D của các chính phủ...
Từ nhiều năm nay, một số nước đã có chiến lược phát triển công nghệ in 3D để chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0. Hàn Quốc triển khai chiến lược từ năm 2014 với mục tiêu “xóa mù” về in 3D cho thế hệ công dân mới và đào tạo 10 triệu chuyên gia về lĩnh vực này cho đến năm 2020. Còn ở Việt Nam - theo các chuyên gia, công nghệ này còn rất non trẻ, chỉ mới được tiếp cận.
“Tuy vậy, chúng ta chắc chắn phải phát triển in 3D vì đó là xu thế chung của thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0; nó giúp hàng hóa có ưu thế cạnh tranh, phục vụ được nhu cầu rất đa dạng của thị trường” - tiến sỹ Phạm Minh Triển - Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác phát triển, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định.
Mặc dù việc ứng dụng in 3D ở Việt Nam còn khá “sơ khai”, nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều công ty cung cấp thiết bị, giải pháp, dịch vụ liên quan đến in 3D là tín hiệu cho thấy sức mạnh tiềm năng của công nghệ này đã được doanh nghiệp Việt nhận ra và bắt đầu khai thác.
Tuy nhiên, trong chuyện tạo ra hiệu quả kinh tế vượt trội từ in 3D, trình độ công nghệ không phải là tất cả. Tuy rất tuyệt vời, in 3D cũng chỉ là một công cụ và điều quan trọng là nền kinh tế phải tìm ra "đất dụng võ" cho nó. Nghĩa là, nếu không sáng tạo ra những sản phẩm đủ sức hấp dẫn thị trường, không có chuỗi giá trị để bám vào, máy in 3D cũng không có ý nghĩa gì hơn một thứ đồ chơi mới lạ.