Lần đầu tiên tại Việt Nam, Công ty TNHH tư vấn y dược quốc tế (IMC) đã làm chủ được công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzyme và protein giúp giảm 20-30% chi phí nguyên liệu so với nhập khẩu chế phẩm sinh học từ nước ngoài.

Bắt đầu từ con số 0

Trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, công nghệ sinh học cũng phát triển ở Việt Nam tuy nhiên các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu nguyên liệu (chủ yếu từ các nước châu Âu và Mỹ) và gia công sản phẩm.

Theo PGS-TS Hồ Bá Do - Phó Viện Trưởng Viện Thực phẩm chức năng, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ dẫn đến nhiều thua thiệt cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng vì chi phí nhập khẩu cao, ngoài ra dòng chế phẩm sinh học đó trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam, hoạt lực giảm đi nhanh chóng. Đồng thời hệ tiêu hóa của người Việt cũng không giống với hệ tiêu hóa của người châu Âu. Người châu Âu về cơ bản không ăn nhiều chất cay, nóng hay nhiều chất sơ như người Việt. Vì thế vi sinh trong hệ tiêu hóa của người châu Âu và người Việt cơ bản là không giống nhau 100%.

Để khắc phục ‘nhược điểm’ đó, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng thường tìm cách sau khi nuôi cấy vi khuẩn bao lại bằng các hoạt chất đặc biệt để vi khuẩn có thể sống sót ở môi trường khắc nghiệt hơn, giúp vi khuẩn có thể sống được khi xuống tới ruột non, theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH tư vấn y dược quốc tế (IMC).

Bên cạnh nguồn chế phẩm sinh học nhập khẩu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp cũng mua các chế phẩm sinh học của một số viện nghiên cứu. Tuy nhiên vì là sản phẩm từ đề tài nghiên cứu và được sản xuất thử nghiệm nên số lượng cung cấp không nhiều, sản phẩm lúc đạt tiêu chuẩn lúc không, sản xuất không chuyên nghiệp.

Công nhân vận hành máy bao phin tại Nhà máy sản xuất của Công ty IMC tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hiệp

“Xuất phát từ thực tế đó, Công ty IMC đã tập trung nghiên cứu và phát triển một số chế phẩm sinh học ở quy mô công nghiệp với dự án “Nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzyme và protein” – ông Hoàng nói và cho biết đây là dự án thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo ông Hoàng việc làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm sinh học không gặp khó khăn về công nghệ hay giải pháp mà khó khăn chính xuất phát từ tư duy của các doanh nghiệp vì mọi người nghĩ rằng công nghệ cao đồng nghĩa với rủi ro cao.

“Thậm chí một số nhà khoa học nghi ngờ về khả năng thành công của một doanh nghiệp trong nước chưa có kinh nghiệm về công nghệ sinh học như IMC. Nhiều người còn gàn chúng tôi rằng viện nghiên cứu cũng đã từng nghiên cứu, rằng cả nước chưa có một nhà máy công nghệ sinh học trong ngành y, liệu chúng tôi có thành công không? Có thể nói lúc đó chúng tôi bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên vượt qua e dè ban đầu đó, chúng tôi đã kết nối được với nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước, đặc biệt chúng tôi được Viện Thực phẩm chức năng hỗ trợ tối đa thiết bị nghiên cứu trong giai đoạn đầu” – ông Hoàng cho biết.

Chủ động 100% chủng giống, giảm 30% giá thành

Dự án “Nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzyme và protein” được Công ty IMC triển khai từ tháng 10/2013 và được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu công ty tập trung vào nghiên cứu công thức, chủng giống, công nghệ. Giai đoạn tiếp theo công ty xây dựng 2 nhà máy: 1 nhà máy sản xuất nguyên liệu và một nhà máy sản xuất thành phẩm.

Để có thể làm chủ được công nghệ, công ty phải mua chủng giống và công nghệ từ nước ngoài. Khi có được công nghệ của nước ngoài, việc nghiên cứu chế tạo các chế phẩm sinh học theo ông Hoàng là không khó với các công đoạn như tách chiết, li tâm, nuôi cấy, phá vách tế bào… Tuy nhiên, việc khó nhất là quá trình sàng lọc, tìm ra chế phẩm đó có tác dụng gì, áp dụng ra sao. “Chúng tôi phải phân tích xem vi khuẩn đó là vi khuẩn gì, lành tính hay độc tính, sau khi giải trình tự gene thì phải phân tích xem có đúng với chủng loại đó không. Nhiều khi chỉ một thí nghiệm nhưng phải mất cả một năm nghiên cứu mới tìm ra được” – ông Hoàng nói.

Đến nay, vượt cả dự kiến ban đầu Công ty IMC đã làm chủ và sản xuất ở quy mô công nghiệp 9 chế phẩm sinh học và 8 sản phẩm thực phẩm chức năng từ chế phẩm sinh học này như Nghi Xuân, Bảo mật khang... Sản phẩm khi ra thị trường được mọi người đón nhận vì tác dụng mạnh, hiệu quả tốt. Ngoài ra, còn có rất nhiều đơn vị đặt mua chế phẩm sinh học để làm các sản phẩm cho các lĩnh vực hải sản, thủy sản, động vật nuôi, cây trồng.

Để có được thành công như vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng với các hoạt tính của chế phẩm phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, giá thành giảm so với nhập ngoại từ 20-30%, IMC còn cung cấp cho đối tác các giải pháp như cách bào chế ra thành phẩm, hỗ trợ phương pháp kiểm nghiệm…

Hiện Công ty IMC có thể cung cấp một tấn chế phẩm sinh học/tháng. Ông Hoàng dự tính khi nhà máy được khánh thành vào cuối năm 2018 tại Khu Công nghiệp Quang Minh, Hà Nội, công ty có thể cung cấp 20 tấn chế phẩm sinh học/tháng.