Sản phẩm "găng tay thông minh" do Lê Ngô Duy Phong - một học sinh hiện đang học lớp 12 tại Huế - chế tạo có thể giúp người khiếm thị di chuyển thuận tiện hơn và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Theo thống kê của Chính phủ (2002), nước ta có khoảng 900.000 người khiếm thị, trong đó có hơn 600.000 người mù, chiếm 1,2% dân số cả nước.
Trăn trở trướctình hình đó, cậu học sinh (hiện đang học lớp 12 -Trường THPT Phú Bài (TX Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) Lê Ngô Duy Phong - đã tìm tòi nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm "găng tay thông minh", có thể giúp người khiếm thị dễ dàng di chuyển và thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Từ nỗi đau của người cậu ruột sau chiến tranh
Lê Ngô Duy Phong sinh ra ở mảnh đất duyên hải miền Trung với những cuộc chiến tranh đầy khốc liệt. Tuổi thơ em gắn bó với người cậu bị khiếm thị cũng do di chứng chiến tranh để lại. Nhìn thấy cậu hàng ngày phải vất vả trong tất cả mọi sinh hoạt, chứng kiến những khó khăn của cậu, Phong vô cùng trăn trở.
Vào lớp 10, Phong đã nảy ra ý tưởng về một đôi găng tay thông minh có thể giúp đỡ cho những người khiếm thị. Bắt tay vào nghiên cứu, Phong đã cất công tới Hội người mù tỉnh Thừa Thiên - Huế để tìm hiểu những khó khăn cụ thể của người khiếm thị.
Từ đó, em tiếp tục tìm hiểu thông tin, hướng dẫn trên mạng internet kết hợp với kiến thức trong sách vở để vẽ ra sơ đồ bảng mạch cho đôi găng tay thông minh.
Trong quá trình nghiên cứu và cải tiến, Phong đã gặp rất nhiều thất bại do chưa hiểu biết về các bảng mạch, tác dụng của các linh kiện điện tử. Nhưng nhìn cậu và những người khiếm thị vẫn “mò mẫm” trong bóng tối nên Phong đã quyết tâm nghiên cứu cho được sản phẩm này.
Phong nhận thấy những người khiếm thị không thể nhìn hoặc khả năng nhìn của họ kém hơn so với người bình thường, họ không thể sử dụng điện thoại di động, máy vi tính,… và không thể tự mình định hướng nếu không có sự hỗ trợ của thiết bị bên ngoài. Nhưng họ có thể cảm nhận khi chạm, nhờ xúc giác, và cảm nhận âm thanh bằng thính giác.
Vì vậy, Phong cho rằng, sản phẩm găng tay của mình sẽ đóng vai trò là một chiếc điện thoại cơ bản, một điều khiển từ xa cho máy tính và đồng thời sẽ thay thế chiếc gậy dò đường của người khiếm thị.
Qua hơn 2 tháng nghiên cứu, Phong đã tạo ra được một đôi găng tay hoàn chỉnh.
Phong chia sẻ: “Công đoạn khó nhất là việc lắp đặt mặch điện do kiến thức em không chuyên sâu và chưa hình dung được mô hình nên thường bị cháy, nổ và hư hỏng các linh kiện điện tử.Mỗi công đoạn nghiên cứu em đều bổ sung một số chức năng cho đôi găng tay nên thời gian hoàn thiện rất lâu”.
Sau khi hoàn thành sản phẩm Phong đã đưa tới Trung tâm Hội người mù tỉnh Thừa Thiên – Huế để thử nghiệm và nhận những lời góp ý.
Phong cho biết thêm, đôi găng tay thông minh mà Phong sáng chế chỉ mất chi phí khoảng 800.000 đồng.
Ông Lê Duy Toàn (cha của Phong) tâm sự: “Nhìn con mày mò cả đêm để nghiên cứu nhiều lúc tôi cũng quát mắng để cháu đi ngủ, vì lớp 12 rồi cũng cho cháu tập trung vào việc học cuối cấp, sau đó tự cháu lựa chọn con đường đam mê của mình”.
Đôi “găng tay thông minh” đa ứng dụng
Về cấu tạo, đôi găng tay thông minh của Phong gồm có găng tay trái và găng tay phải, mỗi chiếc mang một chức năng khác nhau.
Găng tay trái có chức năng như một chiếc điện thoại thông minh,tích hợp module SIM900A để thực hiện các giao tiếp nhận, thực hiện cuộc gọi. Hệ thống bàn phím cùng module SIM900A sẽ được kết nối với mạch xử lí trung tâm Arduino 1 được lập trình dưới ngôn ngữ Wiring.
Mạch xử lí trung tâm sẽ thực hiện vòng lặp và kiểm tra, nếu có cuộc gọi đến, sẽ rung và kết hợp còi báo, người khiếm thị chỉ cần ấn phím để nghe máy.
Găng tay phải sẽ đóng vai trò là một bảng điều khiển máy tính từ xa và như một chiếc gậy dò đường thông minh. Việc sử dụng các bộ cảm biến đóng vai trò dò tìm vật cản trong phạm vi cách đó 1 mét, thực hiện kiểm tra điều kiện, nếu phát hiện có vật cản, bộ xử lí trung tâm Arduino 2 sẽ đưa ra báo động bằng còi và rung giúp người khiếm thị nhận biết và xác định hướng đi, đường đi, đảm bảo độ an toàn khi di chuyển.
Ngoài ra, đôi găng tay có hệ thống bàn phím, được phát triển dựa trên bảng chữ nổi Braille, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng.
Với sản phẩm găng tay thông minh, Phong đã giành giải cao tại cuộc thi sáng tạo trẻ. Năm lớp 11, Phong đạt giải nhất tỉnh, khuyến khích cấp quốc gia.
Vào năm 2016 này, Phong tiếp tục cải tiến đôi găng tay thông minh để đưa ra Hải Phòng tham dự cuộc thi sáng tạo cấp Quốc gia.
Hiện chàng học sinh này mong muốn có thể vào được Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, học tập để trở thành một kĩ sư, có thể sáng tạo thêm những sản phẩm thực tế để đưa vào ứng dụng, giúp đỡ mọi người.