52 quốc gia “gieo mây” để làm mưa
Với sự tiến bộ của khoa học, con người đã có thể làm mưa nhân tạo. Phổ biến nhất hiện nay là phương pháp “gieo mây” do nhà hóa học Vincent Schaefer đề xuất năm 1946. Trạm mặt đất, máy bay, tên lửa sẽ phóng các hợp chất iodide bạc, iodide kali và carbon dioxide vào không khí để kích thích quá trình ngưng tụ hơi nước và gây mưa.
Nhu cầu kích thích trời mưa đã trở nên cấp thiết trên toàn cầu. Hiện có 52 quốc gia sử dụng biện pháp “gieo mây”. Tờ Bloomberg cho biết , ở Mỹ trong năm 2014 đã có 55 dự án “gieo mây” được báo cáo với NOAA. Tại Los Angeles Country, “gieo mây” được sử dụng từ những năm 1950.
Bên trong một trạm “gieo mây” gây mưa ở Okutama, Nhật Bản. Ảnh: Japantimes
Thị trường “gieo mây” là dịch vụ đắt đỏ. Để tạo thời tiết tốt vào ngày diễn ra các sự kiện lớn, một công ty ở châu Âu có thể được thuê với số tiền tối thiểu 150.000USD để kích thích trời mưa trước đó. Tại bang Maharashtra (Ấn Độ), “gieo mây” chống hạn đã trở thành một nhu cầu sống còn của hàng chục triệu nông dân.
“Mưa là cuộc sống. Với biến đổi khí hậu, mưa đang trở nên khan hiếm hơn. Nếu theo dõi, dự báo, kiểm soát và kích thích được mưa, chúng ta có thể tồn tại” - Prakash Koliwad - Giám đốc điều hành của hãng tư vấn thay đổi khí hậu Kyathi tại Bangalore (Ấn Độ) - nói.
Trung Quốc là một trong những nước sử dụng công nghệ trên nhiều nhất. Nước này thuê hàng nghìn nhân công để vận hành các hệ thống “gieo mây”. “Nông dân đang có nhu cầu khổng lồ đối với những công nghệ gây mưa như thế này. Họ nghĩ sử dụng công nghệ gây mưa còn tốt hơn là không làm gì” - nhà nghiên cứu Lu Daren - Viện Vật lý khí quyển Trung Quốc nói.
Mưa chỗ này, hạn chỗ kia
“Gieo mây” để kích thích trời mưa đang là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều nhà khoa học cho rằng mưa nhân tạo không phải là biện pháp bền vững để chống hạn.
Nói về việc Trung Quốc áp dụng rộng rãi công nghệ gây mưa mà chưa đánh giá tính bền vững, Reolof Bruintjes - thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng quốc gia Mỹ - đưa khuyến cáo: “Công nghệ này không nên được sử dụng như một công cụ chống hạn. Cần có chiến lược quản lý nước dài hạn”.
Không những vậy, quy trình “gieo mây” để gây mưa cũng chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Trong thực tế, các đám mây không giống nhau. Các thí nghiệm mới để “gieo mây” sẽ diễn ra trong những điều kiện khác nhau nên rất khó đánh giá.
“Sẽ không có gì để bàn cãi nếu bạn thực sự có được những hạt vật liệu giống như trong những đám mây. Khi đó bạn sẽ kích thích được lượng mưa; nhưng vấn đề là có bao nhiêu vật liệu như thế?” - nhà khoa học khí hậu Dan Breed - thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng quốc gia Mỹ nói.
Quan trọng hơn, việc kích thích trời mưa vẫn có thể dẫn tới một loạt nguy cơ khác. “Gieo mây” sẽ có hiệu quả theo hướng gió, vì thế những vùng đón hướng gió có thể nhận được mưa nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc những khu vực khác mưa sẽ trở nên khan hiếm.
“Nếu có các đám mây thích hợp, chúng ta phải thực hiện các hoạt động “gieo mây”. Người nông dân sẽ tức giận nếu chúng ta không làm; nhưng trong một số trường hợp, họ đã cáo buộc những làng lân cận “lấy cắp” mưa” - Shi Li-xin - tại Cục Khí tượng Hà Bắc (Trung Quốc) nói.
Ở California (Mỹ) nhiều nông dân cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Mike Dewit canh tác trên cánh đồng ở Sacramento Vally thừa nhận rằng nông dân không thể phụ thuộc nhiều vào các giải pháp như “gieo mây”. Khi thay đổi chu kỳ của tự nhiên, người canh tác trên đất đai sẽ phải đối diện với nạn đói. “Chúng tôi sẽ có mưa, nhưng chúng tôi sẽ có đợt hạn hán khác” - DeWit nói.
Ngoài ra, việc “gieo mây” tạo mưa còn có khả năng dẫn tới ngập lụt và bão ở những khu vực đón hướng gió. Việc bắn quá nhiều hóa chất lên khí quyển chắc chắn cũng sẽ khó tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường.
Từ nhiều nguyên do như vậy, không ít nhà khoa học hoài nghi về các dự án “lên trời gọi mưa” của các công ty. “Chúng tôi có thể nhận thấy một số công ty tư nhân đang cố gắng chứng minh cho công chúng rằng họ có thể tạo phép màu, nhưng họ không thể làm được” - GS Zev Levin - thuộc Đại học Tel Aviv nói.
Tạp chí Nature cho biết, trung bình mỗi năm Trung Quốc chi 60-105 triệu USD, thuê 32.000 nhân công để vận hành 35 máy bay chuyên dụng, 7.000 pháo loại phòng không và 5.000 ống phóng tên lửa để bắn các hóa chất kích thích mưa.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nước này đã tạo ra 250 tỷ tấn nước mưa từ năm 1999-2006, trung bình mỗi năm hơn 30 tỷ tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của hơn 500 triệu người dân. Từ năm 2010, nước này có thể tạo ra 50 tỷ tấn nước mưa mỗi năm. |