Bạn có thể rất giỏi ngữ pháp tiếng Anh, biết nhiều từ vựng, nghe và hiểu hết lời người đối thoại; nhưng nếu phát âm không chuẩn, cuộc trò chuyện vẫn trở thành thảm họa bởi họ không hiểu bạn nói gì. Đây là vấn đề nhiều người Việt đang gặp phải.
Tin vui là sự phát triển của công nghệ đã mang đến những công cụ đắc lực để khắc phục điểm yếu này.
Phát âm tiếng Anh - điểm yếu cốt tử của người Việt
Theo các chuyên gia, phát âm đã, đang và vẫn sẽ là một điểm yếu của người Việt khi học ngoại ngữ. Nhiều người dù rất giỏi 3 kỹ năng nghe, đọc, viết nhưng vẫn luôn sợ khi giao tiếp với người nước ngoài. Điều này còn thể hiện rõ trong các cuộc thi như TOEIC, IELTS...
Mới đây, chủ đề này lại gây chú ý khi một thầy giáo dạy tiếng Anh có tên Dan Hauer (người Mỹ) tung lên mạng video có tên "Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt". Trong video này, để chỉ ra những lỗi sai trong cách phát âm của các giáo viên tiếng Anh người Việt tại một số trung tâm ngoại ngữ, ông Hauer đã lấy các đoạn hội thoại do họ thực hiện cho bố mẹ mình - những người Mỹ bản xứ - nghe. Kết quả là bố mẹ ông không hiểu được phần lớn những câu tiếng Anh mà giáo viên Việt nói, vì họ mắc những lỗi phát âm cơ bản như nhấn sai trọng âm, quên âm cuối, phát âm sai, nuốt âm...
Video đã thu hút 2.926.000 lượt xem (tính đến ngày 28/8) và còn tiếp tục tăng. Độc giả ủng hộ nhiệt tình và cũng chia sẻ thêm nhiều ví dụ về điểm yếu phát âm tiếng Anh của người Việt. “Có người thi IELTS được 9.0 mà sang nhà cô cháu (ở London) nói chuyện, mọi người không ai hiểu gì” - độc giả Ngoclinh viết.
Trong một lần chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp, bà Văn Đinh Hồng Vũ - CEO của Elsa Speak - ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh được hàng triệu người trên toàn thế giới sử dụng - cho biết, những ngày đầu đi học ở Mỹ, bà gần như mất hết sự tự tin vì các giáo sư và bạn bè không mấy hiểu những điều bà nói. “Tôi cứ có cảm giác mình bị “tật nguyền” hoặc bị cô lập vì không tự tin diễn đạt những gì mình muốn nói. Bởi lẽ, cách phát âm của tôi có quá nhiều lỗi sai mà trước đây tôi không nhận ra” - bà Vũ nói.
Trí tuệ nhân tạo vào cuộc
Nếu như trước đây, người Việt chủ yếu học phát âm tiếng Anh theo cách thức truyền thống qua giáo viên, từ điển... thì với sự phát triển của công nghệ, nhiều công cụ đã ra đời để dạy, chỉnh sửa lỗi phát âm. Hiện có rất nhiều ứng dụng phục vụ mục đích này như Elsa Speak, Duolingo, Xpeak, BBC Learning English, Two min English... với điểm chung là sử dụng người bản địa để có thể dạy cách phát âm chuẩn nhất.
Một trong những ứng dụng dạy tiếng Anh “gây sốt” thời gian qua là Monkey Junior. Với điểm mạnh là có nhiều hình ảnh, clip, âm thanh vô cùng lôi cuốn và đặc biệt là cách phát âm chính xác, Monkey Junior nổi lên như là ứng dụng hàng đầu cho các bạn nhỏ không chỉ ở Việt Nam. Ông Đào Xuân Hoàng - CEO của Monkey Junior - cho biết 43% người dùng ứng dụng này đến từ Mỹ.
Chia sẻ về tầm quan trọng của phát âm, ông Hoàng cho biết: “Việc phát âm chuẩn trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ - đặc biệt với trẻ em - đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó hình thành thói quen và nền tảng sau này. Chính vì nhận thức được điều đó nên Monkey Junior đã sử dụng những giọng đọc chuẩn trong ứng dụng của mình”.
Một ứng dụng khác cũng gây tiếng vang thời gian qua là Elsa Speak - chuyên sửa phát âm cho những người ngoại quốc đang sống tại các nước nói tiếng Anh. Chỉ cần mở ứng dụng, phát âm một từ, Elsa sẽ tự động phân tích xem bạn phát âm đúng/sai ở điểm nào, từ đó người dùng có thể tự chỉnh sửa cho bản thân.
Theo bà Văn Đinh Hồng Vũ, Elsa Speak hiện được rất nhiều người nước ngoài sử dụng để sửa lỗi phát âm. Việc dùng trí tuệ nhân tạo, nhận diện giọng nói được cho là bí quyết khiến ứng dụng ngày càng đạt độ chính xác cao.
“Để xây dựng dữ liệu cho Elsa, chúng tôi cần tập hợp 2 tập dữ liệu: Thu âm người dùng bản xứ nói tiếng Anh và người ngoại quốc nói tiếng Anh. Sau đó, các chuyên gia ngôn ngữ mà Elsa cộng tác nghe những câu nói này để phân tích xem người ngoại quốc nói tiếng Anh có những lỗi nào, âm nào sai, âm nào đúng và cho máy học. Lúc đầu, khi mới tung sản phẩm ra thị trường, độ chính xác của ứng dụng còn khá thấp; nhưng chính nhờ những người đã sử dụng, hệ dữ liệu của Elsa lại được bồi đắp thêm. Cứ thế, tính chính xác được nâng cao dần” - bà Vũ chia sẻ.
Về phần mình, ngày càng nhiều bậc phụ huynh Việt Nam cho con cái học tiếng Anh thông qua ứng dụng với mong muốn trẻ sẽ không phát âm sai như mình. Là một người học tiếng Anh đã hơn hai chục năm, bà Nguyễn Quỳnh Anh (Hà Nội) nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trước và sau khi con mình dùng ứng dụng này. Bà chia sẻ: “Bé thích học tiếng Anh, nhưng tôi phát âm không chuẩn nên đôi khi dạy con cũng bị sai. May mà tôi sớm biết đến các ứng dụng dạy tiếng Anh trên mạng. Từ khi sử dụng chúng, khả năng phát âm của con cải thiện rõ rệt”.