Nếu là khách hàng, bạn có sẵn lòng mua loại vang trắng có màu hơi vẩn đục? Chắc hẳn là không. Đó là lý do tại sao nhà sản xuất thường tốn khá nhiều công gạn lọc rượu. Nhưng giờ đây, họ đã có thể thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn nhờ vào các hạt nano từ tính (magnetic nanoparticle).

Theo cách truyền thống, người ta thường dùng loại đất sét bentonite bột để gạn lọc vang trắng. Các hạt đất sét sẽ liên kết với phân tử protein lơ lửng trong rượu (nguyên nhân làm đục màu), khiến cả hai cùng lắng xuống đáy thùng (bình) đựng. Sau khi đã qua xử lý, vang tiếp tục được rót ra khỏi bình và để lại lớp trầm tích dưới đáy. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp là: đất sét cũng sẽ hấp thụ một lượng rượu nhất định trong quá trình, dẫn đến hao hụt. Nghiên cứu của Đại học Nam Úc cho biết tỷ lệ này rơi vào khoảng 3%, gây thiệt hại tài chính gần 100 triệu USD mỗi năm, chỉ tính riêng tại Úc.

Công nghệ hạt nano từ tính giúp cho quy trình gạn lọc vang trắng trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Ảnh: Deposiphotos.

Công nghệ hạt nano từ tính giúp cho quy trình gạn lọc vang trắng trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Ảnh: Deposiphotos.

Trong số nhiều nỗ lực hòng tìm kiếm giải pháp thay thế ít lãng phí hơn, nhóm của TS. Agnieszka Mierczynska–Vasilev đã tạo ra loại hạt nano từ tính được phủ bởi một lớp polyme axit acrylic (C3H4O2). Chính những phân tử axit acrylic này sẽ liên kết với các hạt protein không mong muốn lơ lửng trong rượu. Nhưng thay vì để lắng xuống đáy, người ta có thể loại bỏ chúng dễ dàng bằng cách đặt một khối nam châm trong bình.

Hơn nữa, loại hạt nano từ tính này còn có thể được “hoàn nguyên” và tái sử dụng nhiều lần. Qua một số thử nghiệm với loại vang trắng Sauvignon Blanc, Semillon và Chardonnay sản xuất năm 2017, chúng đã cho khả năng loại bỏ tới 98% lượng protein qua mỗi lần xử lý. Sau 10 lần thực hiện liên tiếp, quy trình này cũng chứng tỏ không gây ảnh hưởng đến màu sắc, hương vị và nhiều thuộc tính khác của vang.

Ví dụ về vang trắng trước và sau khi được xử lý gạn lọc bằng hạt nano từ tính. Ảnh: Depositphotos.

Ví dụ về vang trắng trước và sau khi được xử lý gạn lọc bằng hạt nano từ tính. Ảnh: Depositphotos.

“Mặc dù còn nhiều việc phải làm để công nghệ này trở nên phổ biến tại các nhà máy rượu vang, nhất là cần được cấp phép theo quy định của Úc và nước ngoài. Nhưng trước lợi ích kinh tế và tính bền vững mà chúng ta có thể thấy rõ ràng, công nghệ nano này thực sự rất hứa hẹn,” Mierczynska-Vasilev nhận định.

Đây không phải lần đầu công nghệ hạt nano từ tính được ứng dụng trong quy trình xử lý rượu vang. Trước đó, các nhà nghiên cứu tại ĐH Adelaide (Úc) cũng từng dùng chúng để loại bỏ thành phần alkylmethoxypyrazines – có khả năng làm hỏng mùi vị của rượu vang.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Foods.

Nguồn: