Dự án WeCare vừa giới thiệu nhà sấy nông sản chỉ sử dụng năng lượng mặt trời rất đơn giản, phù hợp mọi vùng nông thôn Việt Nam.
Nhà sấy năng lượng mặt trời giúp nông dân bảo quản mọi loại nông sản dễ dàng, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân. Nhà sấy kiểu mới này thay thế việc phơi sấy nông sản kiểu truyền thống, phơi ngoài trời, mặt đường không đảm bảo vệ sinh.
TS. Nguyễn Văn Hòa, viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, thất thoát sau thu hoạch nông sản tại Việt Nam rất lớn khoảng 20 – 25%, việc bảo quản nông sản bằng việc sấy cần thiết góp phần giảm thất thoát, đa dạng sản phẩm sau thu hạch so với chỉ bán trái tươi. Kỹ thuật sấy năng lượng mặt trời chỉ tốn chi phí lắp khu nhà sấy ban đầu, không tốn chi phí vận hành nào khác tiếp theo, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Đại diện dự án WeCare, ông Stefan Koch cho biết, công nghệ sấy này được phát triển bởi GS.TS Serm Janjai, ĐH Silpakorn, Thái Lan. Đây là phương pháp sấy nông hộ (một hay nhiều nông hộ), đảm bảo vệ sinh sản phẩm so với phơi ngoài trời bụi và côn trùng.
Nhà sấy này thực chất chỉ sử dụng các tấm lợp loại đặc biệt, trong suốt có khả năng thu nhiệt vào bên trong nhà sấy, khử tia UV, tạo nguồn nhiệt cao bên trong nhà sấy, chứ không phải nhờ tấm pin năng lượng mặt trời (có sử dụng tấm pin nhỏ để lấy năng lượng cho quạt gió bên trong nhà sấy).
Các tấm lợp Polycarbonate với lớp chống tia UV ngăn ngừa tiếp xúc trực tiếp nông sản, duy trì màu sắc tự nhiên. Chỉ cần làm nền và lắp căn nhà sấy này xong là đưa nông sản vào sấy ngay, đầu tư một lần có thể sử dụng đến 10 năm, nhà sấy diện tích lớn hay nhỏ tùy vào nhu cầu mỗi nơi. Nhiệt độ bên trong nhà sấy đạt 60 – 700C, ngày mưa cũng có thể giữ ở mức 35 – 400C. Những nông sản cần sấy nhiệt độ thấp hơn thì có thể điều chỉnh cửa xả để giảm bớt nhiệt bên trong nhà sấy.
Theo TS. Nguyễn Văn Phong, trưởng bộ môn công nghệ sau thu hoạch (Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam), thuận lợi của nhà sấy này đơn giản, không cần kỹ thuật vận hành (nông dân chỉ đưa nông sản vào giàn bên trong nhà sấy), không tốn tiền điện, không ảnh hưởng môi trường. Có thể sấy được rất nhiều loại như ớt, tiêu, chuối, xoài…
Do nhà sấy ngăn tia UV nên màu sắc nông sản sấy trong nhà này có tươi đẹp, ít mất màu hơn so với phơi trực tiếp dưới nắng.
Hạn chế của nhà sấy này là phụ thuộc thời tiết, thời gian sấy có thể lâu hơn sấy bằng máy sấy. Mặt khác, giá lắp nhà sấy ban đầu còn khá cao với nông dân, nhà diện tích 6x8m, có khả năng sấy 250 – 280kg/lần có giá thành 6.000USD (khoảng hơn 130 triệu đồng, quy đổi theo thời giá hiện tai).
Hiện nhà sấy mẫu đã lắp tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Địa chỉ: xã Long Định, H. Châu Thành, Tiền Giang. ĐT: 0909082145), các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu tham quan, sấy mẫu có thể liên hệ với viện.
TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, người kết nối giới thiệu nhà máy sấy này cho nông dân, hợp tác xã cho biết, hiện tổ chức này đã lắp nhà sấy miễn phí cho một số vùng Long An, Đồng Tháp, tây Nguyên…để nông dân đánh giá. Vùng sản xuất có thêm thiết bị sấy tăng được khả năng bảo quản, tồn trữ sản phẩm tốt hơn. Hiệu quả sấy được đánh giá khá tốt và phù hợp, vấn đề làm sao để giảm giá thành, có thể dự án sẽbán vật liệu để nông dân tự lắp ráp theo hướng dẫn…