Một nhóm chuyên gia đang miệt mài làm việc tại vùng biển ngoài khơi Panama nhằm khôi phục lại quần thể hải sâm nhiệt đới bản địa. Đây là dự án do PanaSea, một doanh nghiệp chuyên về các sáng kiến nuôi trồng hải sâm bền vững ở Mỹ Latinh, khởi xướng.
Ý tưởng xây dựng một trại giống hải sâm đã ra đời tại Nicaragua gần một thập kỷ trước, khi Daniel Grossman – nhà sáng lập kiêm CEO PanaSea – đang thu hoạch, chế biến và xuất khẩu loại sản vật cho giá trị kinh tế rất cao này. Cá nhân ông ý thức được đây không phải là hoạt động thân thiện với hệ sinh thái, và sau một loạt bất ổn, năm 2018, Grossman quyết định khởi động dự án ở Panama.
“Đó chắc chắn không thể là một cơ nghiệp bền vững bởi chúng tôi đang bắt giữ những cá thể hải sâm cuối cùng. Có quá nhiều vấn đề lớn và chúng ta cần thực hiện khôi phục lại quần thể của loài này,” Grossman nói với hãng thông tấn Agencia Efe của Tây Ban Nha.
PanaSea đã chuyển đổi một công trình bị bỏ hoang tại Puerto Lindo, tỉnh Colon (Panama) thành cơ sở nuôi hải sâm. Nhờ khoản tài trợ trị giá 150.000 USD do chương trình IDB Lab – được xem là vườn ươm khởi nghiệp của Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ (IADB) đối với các dự án phát triển sáng tạo – cung cấp, một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về hải sâm và sản xuất thức ăn đặc biệt cho chúng đã được thiết lập. Một vài trại nuôi mới mở trong vùng cũng nhận được hỗ trợ để tham gia hoạt động tái sản xuất và nhân giống hải sâm – vốn đang bị khai thác quá mức để phục vụ thị trường khá lớn, nhất là châu Á.
Năm 2003, trước thực trạng hải sâm tự nhiên đang gần tuyệt chủng, Panama đã cùng một số quốc gia Caribe và Nam Mỹ ban hành lệnh cấm vĩnh viễn đối việc đánh bắt lẫn mua bán loài này. Grossman vì thế đã vận động giới chức Panama để có một sắc lệnh hành pháp đặc biệt, cho phép PanaSea được độc quyền thực hiện công việc nghiên cứu, nuôi trồng và phát triển quần thể hải sâm ở đất nước Trung Mỹ này. “Lệnh cấm thu hoạch hiện vẫn đang còn hiệu lực và Panama cũng không cho xuất khẩu hải sâm. Chúng tôi là cơ sở duy nhất được tiến hành nghiên cứu và nuôi trồng loài này” – Daniel Velarde, trưởng bộ phận R&D của PanaSea, cho biết.
Một nhà quản lý cấp cao khác tại Itaca Solutions – nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, chuyên về các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho ngành nuôi trồng thủy sản, đồng thời cũng là trưởng nhóm phát triển bền vững tại PanaSea, nhận định: “Nếu chỉ thực hiện mọi thứ bên trong bể nuôi thì ngoài lợi ích về mặt thương mại, chúng ta sẽ không thể chứng kiến sự hồi sinh của quần thể hải sâm tự nhiên”.
PanaSea đã tự đặt cho mình sứ mệnh bao gồm ba trụ cột chính liên hệ với nhau. Nhiệm vụ thứ nhất là đáp ứng nhu cầu hải sâm ngày càng tăng của thị trường. Thứ hai, công ty đang tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy tiến trình tiêu thụ các vật liệu hữu cơ và lớp mùn bã dưới đáy biển để ngăn chặn hiện tượng “tảo nở hoa”, bảo vệ sức khỏe của nhiều quần thể cá, san hô, … khác. Thứ ba, PanaSea mong muốn hợp tác cùng người dân Puerto Lindo để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm nuôi trồng – có thể được thực hiện ngay tại quy mô gia đình, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho một cộng đồng ven biển còn đang rất khó khăn.
“Chúng tôi tin điều này có thể tạo ra đóng góp quan trọng vào sứ mệnh gắn kết và kiến tạo bản sắc của cộng đồng địa phương,” Canevari nhận định và cho biết sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động giáo dục về môi trường biển nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của PanaSea.
Hải Đăng (theo The Fish Site)