Tiêu thụ số tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng thiết bị kỹ thuật số và việc sử dụng chúng ngày càng tăng, gây ra những tác động lớn đến môi trường. Vậy làm thế nào để tìm ra một điểm cân bằng giữa con người và môi trường khi sử dụng công nghệ số?
Fabrice Flipo, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Institut Mines-Télécom ở Pháp và là tác giả của cuốn sách "L'impératif de la sobriété numérique" (tạm dịch: Mệnh lệnh của kỹ thuật số) đã giải thích các vấn đề liên quan đến những giới hạn để đạt được sự cân bằng giữa con người và môi trường khi sử dụng công nghệ số, được biết đến với tên gọi là Hạn mức kỹ thuật số (Digital sufficiency).
Thưa ông, làm thế nào để đo lường các tác động của công nghệ kỹ thuật số đến môi trường?
Lộ trình của các nước về công nghệ kỹ thuật số chủ yếu đề cập đến việc sản xuất các thiết bị kỹ thuật số, vì quá trình này chiếm tới 75% tổng tác động của nó. Theo lộ trình này, giải pháp đặt ra là kéo dài tuổi thọ của các thiết bị số và không cho phép để sản phẩm trở nên lỗi thời chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Nhưng điều đó là chưa đủ, vì các thiết bị kỹ thuật số đã được nhân rộng trên tất cả hạ tầng và việc sử dụng chúng ngày càng tiêu tốn năng lượng. Dữ liệu mà chúng ta tiêu dùng đã tăng lên gấp đôi sau mỗi 5 năm và lượng khí thải carbon của nó cũng tăng gấp đôi trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, không dễ để so sánh các số liệu về công nghệ kỹ thuật số vì không phải tất cả chúng đều được đo lường như nhau. Ví dụ, ta nên khảo sát như thế nào để có thể đong đếm được lượng tiêu thụ trên Internet? Đo theo số lượng thiết bị, số người sử dụng hay cách thức sử dụng? Do đó, cần phải chuẩn hóa cách thức đo đếm.
Một thiết bị như điện thoại thông minh (smartphone) thường được sử dụng cho nhiều mục đích. Uớc tính tiêu thụ của nó sẽ là mức trung bình dựa trên các kịch bản sử dụng điển hình.
Một vấn đề về tiêu chuẩn hóa khác là làm sao để các chỉ số trở nên dễ hiểu với tất cả mọi người, ví dụ như cần phải đo lường những gì để có thể đánh giá được tác động đến môi trường.
Vậy công nghệ kỹ thuật số nào có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất?
Ngày nay, video là một trong những phương thức tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, đặc biệt là video có độ phân giải cao yêu cầu lên tới 60 pixel/giây. Kích thước của các tệp làm cho quá trình truyền và xử lý của chúng tốn rất nhiều năng lượng.
Điều tương tự cũng diễn ra với các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý hình ảnh và video. Xe tự hành cũng có khả năng sử dụng rất nhiều năng lượng trong tương lai vì chúng liên quan đến [việc xử lý] lượng thông tin khổng lồ.
Cơ chế phát triển của công nghệ kỹ thuật số là gì?
Các công ty lớn đang đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Họ sử dụng các chiến lược marketing truyền thống: nhắm đến các đối tượng đặc biệt dễ tiếp thu những lập luận về công nghệ và có khả năng chi trả, sau đó dần dần mở rộng đối tượng này thêm và tìm kiếm các cơ hội thị trường mới.
Việc sử dụng rộng rãi một thiết bị và có thói quen thực hành trên đó dẫn đến việc loại bỏ dần dần các phương pháp thay thế vật lý khác. Khi công nghệ kỹ thuật số bắt đầu phát huy tác dụng trong một lĩnh vực nào đó, thường thường cuối cùng nó sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều này được gọi là hiệu ứng "lock-in". Một thiết bị ban đầu ít được sử dụng, nhưng sau đó lại trở nên không thể thiếu, ví dụ như smartphone.
Làm sao có thể áp dụng được một hạn mức kỹ thuật số vào cuộc sống hằng ngày?
Có được một hạn mức [Sufficiency] không chỉ đơn giản là thực hiện các "hành động nhỏ" nhưng cũng không thể làm được chỉ bằng một sắc lệnh. Chúng ta cần phải có tư duy xã hội để giành lại quyền chủ động trong cách mà chúng ta sinh sống.
Cán cân quyền lực hiện nay đang bị bất đối xứng: một bên là người dùng và khách hàng tiềm năng dễ bị chi phối và bên kia là những người bán hàng chỉ chăm chăm quảng cáo những ưu điểm của sản phẩm và có nhiều nguồn lực để nghiên cứu, thu hút khách hàng. Chúng ta cần phải thay đổi sự chênh lệch đó.
Điều quan trọng là phải thông báo sự lựa chọn đến người tiêu dùng. Khi chúng ta sử dụng các thiết bị số, chúng ta không biết mình đang tiêu thụ bao nhiêu năng lượng hoặc tác động đến môi trường như thế nào. Chúng ta chỉ đơn giản là nhấp vào.
Do vậy, phải nhắm đến việc làm sao để những thông tin như vậy trở nên dễ nhận biết ở mọi cấp độ và biến nó trở thành một vấn đề công khai mà mọi người đều phải quan tâm. Chúng ta phải kêu gọi trí tuệ tập thể để thay đổi lối sống và giảm việc sử dụng công nghệ số, nếu cần thiết thì huy động cả sự trợ giúp của pháp luật.
Ví dụ, chúng ta có thể yêu cầu các nhà sản xuất kỹ thuật số phải xin phép quảng cáo như với quảng cáo thuốc. Trước khi tiếp thị một sản phẩm hoặc dịch vụ mới (như một dòng smartphone mới hoặc mạng 5G), nhà sản xuất hoặc bên vận hành phải cung cấp số liệu về quỹ đạo sinh thái - xã hội mà họ muốn sản xuất, thông qua chiến lược đầu tư của họ. Những thông tin này sẽ được phổ biến rộng rãi và cho phép người dùng hiểu được họ đang đăng ký thứ gì khi lựa chọn dùng 5G hoặc smartphone.
Đó chính là ý nghĩa của việc quan tâm đến xã hội: nhận ra rằng từng hành động mua hàng riêng lẻ cũng có thể tạo nên một hệ thống [tạo tác động].
Ngày nay, những phân tích loại này thường do các hiệp hội hoặc tổ chức phi chính phủ thực hiện. Ví dụ một dự án mang tên
The Shift Project đang làm miễn phí những phân tích như vậy. Do đó, chúng ta cần nhắm đến mục tiêu chuyển giao trách nhiệm và chi phí phân tích [từ phía người tiêu dùng] đến những công ty thống lĩnh thị trường có nguồn lực lớn hơn. Sau đó, kết quả phân tích sẽ được gửi tới các tổ chức công lập không thiên vị và họ sẽ quyết định xem sản phẩm hoặc dịch vụ đó có được đưa ra thị trường hay không.
Hiện giờ, các tổ chức đang đưa ra quyết định như thế không phải là những người vô tư, vì họ chỉ dựa trên các tiêu chí kinh tế và là những bên liên quan đang tìm cách mở rộng thị trường.
Làm thế nào để mở rộng việc áp dụng hạn mức này đến thị trường kỹ thuật số toàn cầu?
Nó hoạt động thông qua hiệu ứng đòn bẩy: khi một quy định mới được thiết lập ở một quốc gia, nó sẽ giúp tạo thêm sức nặng cho các bên đang xử lý cùng một vấn đề ở các quốc gia khác. Ví dụ khi quy định về rác thải điện tử được đưa ra, nhiều cơ sở đã phản đối, nhưng dần dần ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng quy định này.
Một số người cho rằng những nỗ lực cá nhân là đủ để cải thiện tình hình, trong khi những người khác cho rằng toàn bộ hệ thống phải được thay đổi thông qua các quy định. Chúng ta phải tránh xa kiểu lập luận "hoặc cái này, hoặc cái kia" như thế và vượt ra khỏi các quan điểm đối lập để kết hợp chúng với nhau. Hai cách tiếp cận này không loại trừ lẫn nhau và phải được theo đuổi đồng thời.
Nguồn: