Google dùng năng lượng sạch 100% từ năm 2017
Tuyên bố trên của Google gây chấn động bởi trong năm 2015, chỉ 44% nguồn cung cấp điện cho họ là năng lượng tái tạo. Thông báo được phát đi vào thời điểm khá nhạy cảm về năng lượng sạch khi Donald Trump - Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, người phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu - đã tuyên bố sẽ hủy các quy tắc kiềm chế phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Theo Nathan Serota - nhà phân tích của tờ Bloomberg, nếu chính quyền của ông Trump chậm xử lý vấn đề môi trường, các doanh nghiệp sẽ có vai trò lớn hơn trong việc phát triển thị trường năng lượng sạch ở Mỹ. “Ông Trump có thể giúp các tập đoàn có cơ hội lấp khoảng trống lãnh đạo về năng lượng tái tạo bị chính phủ liên bang bỏ lại”.
Gary Cook - nhà phân tích của Tổ chức môi trường Greenpeace - cho hay, doanh nghiệp cần được ủng hộ nhiều hơn về chính sách để có điều kiện sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời. “Lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò lớn trong việc tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo” - ông Cook nói.
Một trang trại điện gió của Google tại Minco, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: Spokesman
Về phần mình, Google cho biết họ không có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận năng lượng sạch của mình theo quan điểm của ông Trump. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kinh doanh theo cách có trách nhiệm với môi trường” - Palmer nói. “Chúng tôi sẽ gìn giữ các giá trị của mình, bao gồm việc tiếp tục mua năng lượng tái tạo”.
Vì sao các “ông lớn” công nghệ chọn năng lượng sạch?
Các công ty công nghệ đang mua nhiều năng lượng tái tạo hơn vì hai lý do chính. Thứ nhất là chi phí cho năng lượng sạch hợp lý hơn. Nhờ cải tiến công nghệ và thiết kế, chi phí tài chính thấp hơn và ít quy định kiểm soát hơn, giá điện mặt trời tại Mỹ đã giảm 80% kể từ năm 2012, giá điện gió giảm 60%. Hai loại năng lượng này đang ngày càng cạnh tranh hiệu quả với các nguồn năng lượng thông thường như khí tự nhiên và than đá.
Khi mua điện từ các dự án năng lượng gió và mặt trời, các công ty thường ký hợp đồng dài hạn với mức giá cố định trong 10-20 năm. Điều này cho phép họ quản lý chi phí trong tương lai và tiết kiệm tiền.
Google đã ký thỏa thuận mua năng lượng tái tạo đầu tiên vào năm 2010 với hợp đồng mua 114MW điện từ một trang trại điện gió ở Iowa, Mỹ. Từ đó tới nay, Google đã ký thỏa thuận với 17 trang trại điện gió và hai dự án điện mặt trời ở 6 tiểu bang của Mỹ và 6 nước khác. Ngoài ra, công ty còn có 20 dự án có thể sản xuất 2.600MW điện sạch, đủ để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động trực tiếp của họ trên toàn thế giới.
Nguyên nhân thứ hai khiến các đại gia công nghệ ưu tiên năng lượng sạch là mục tiêu phát triển bền vững của họ. Khi nền kinh tế kỹ thuật số bùng nổ, các công ty kỹ thuật số xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu tiêu tốn năng lượng. Họ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ khách hàng và các nhóm hoạt động môi trường rằng phải tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thay vì dùng năng lượng từ than phát thải cao và khí đốt tự nhiên.
Theo Viện Rocky Moutain - một tổ chức giáo dục, nghiên cứu phi lợi nhuận, các công ty công nghệ chiếm 2/3 số thỏa thuận mua năng lượng tái tạo ký từ năm 2010, tương đương 4.700MW trong số 7.000MW theo hợp đồng.
“Công nghệ thông tin đang dẫn đầu về thu mua năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự tăng trưởng nhanh chóng của họ” - ông Cook nói. Trong báo cáo năm 2015, Google đã được đánh giá là một “nhà sáng tạo Internet xanh”, trong khi Amazon được xếp tầm trung, còn Oracle được xem là đang mắc kẹt trong năng lượng bẩn.
Facebook được đánh giá cao trong báo cáo của Greenpeace sau khi thực hiện cải tiến căn bản và khuyến khích các thành phần xã hội ở Iowa đầu tư hàng tỷ USD vào các trang trại điện gió mới bằng cách xây dựng một trung tâm dữ liệu tại tiểu bang này. Hai trung tâm dữ liệu đang được xây dựng của Facebook ở Clonee (Ireland) và Los Lunas (New Mexico, Mỹ) cũng sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch.
Apple - một đối thủ hàng đầu của Google - cũng có những tiến bộ đáng kể về năng lượng sạch. Tháng 9/2016, hãng cho biết sẽ hợp tác với các nhà sản xuất để giảm lượng khí thải cácbon từ các nhà máy - thành phần chính thải khí cácbon của Apple. Gần như tất cả các trung tâm dữ liệu, văn phòng và cửa hàng bán lẻ của Apple trên toàn thế giới đều sẽ sử dụng năng lượng tái tạo.
Về phần mình, Microsoft vừa công bố mục tiêu: Vào năm 2018, 50% năng lượng cho các trung tâm dữ liệu sẽ là năng lượng sạch; con số này sẽ tăng lên 60% vào đầu những năm 2020.
“Chúng tôi hy vọng nhu cầu gia tăng sẽ thúc đẩy thị trường trở nên sáng tạo hơn và chúng ta sẽ có thêm nhiều công nghệ, nhiều cách thức mới để tích hợp năng lượng tái tạo” – Salesforce - công ty điện toán đám mây của Mỹ - bày tỏ.